Hoa trên miền đất lửa

Dễ chừng đã hơn 15 năm, tôi cùng đoàn làm phim thực hiện loạt phim tài liệu dọc theo Đường 9, đó là bộ ba phim: Đường 9, một khúc biên niên; Đăk Rong, đứa con truyền thuyết; Về miền Tây Quảng Trị.

Trong bộ ba phim tài liệu nói trên, tôi phải dừng lại khá lâu ở tập cuối cùng mang tên Về miền Tây Quảng Trị. Dừng lại khá lâu vì những địa danh cứ bời bời nỗi giăng mắc tên sông, dáng núi, tộc người, những Khe Sanh, Lao Bảo, Lìa, Tà Cơn, Làng Vây, Vân Kiều…

Địa danh Khe Sanh gắn với Chiến thắng Đường 9 – Khe Sanh được ví như “Điện Biên Phủ thứ hai” ở miền tây Quảng Trị này là nơi người Mỹ nếm mùi thất bại cay đắng, đến nỗi Hãng Reuter phải bình luận: “Khe Sanh được ghi vào lịch sử cuộc chiến tranh của Mỹ ở Nam Việt Nam như một nơi phải trả giá đắt nhất bằng máu”. Sử liệu tin cậy ghi nhận, từ ngày 20/1/1968 đến khi kết thúc chiến dịch vào ngày 9/7/1968, trong 170 ngày đêm, Quân Giải phóng ở Mặt trận Đường 9 – Khe Sanh đã chiến đấu anh dũng, loại khỏi vòng chiến đấu hơn một vạn quân đối phương (trong đó 2/3 là quân Mỹ), bắn rơi 197 máy bay, bắn cháy 80 tàu vận tải, phá hủy 78 xe các loại, 46 khẩu pháo và nhiều khí tài quân sự của đối phương. Các nhà quân sự cả hai phía đều khẳng định: Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa vào ngày 9/7/1968 đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân 1968, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh. Chiến thắng vang dội này cũng đã tạo đà cho Chiến thắng Xuân – Hè 1972, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị và là yếu tố quan trọng dẫn đến bàn đàm phán Hội nghị Paris năm 1973…

Dã quỳ ở phố núi Khe Sanh. Ảnh: Xuân Dũng

Nhắc đến Khe Sanh người ta nhớ đến Lao Bảo. Từ xã Tân Phước đất rộng người thưa, chủ yếu là dân kinh tế mới ở miệt đồng bằng Triệu Hải lên lập nghiệp, xã miền núi này chính thức trở thành thị trấn vào năm 1994. Tôi cứ hình dung Lao Bảo là cánh tay nối dài của Khe Sanh, nối dài trong khát vọng mở mang, phát triển về phía tây, với các quốc gia lân cận trong khu vực. Điểm cuối Đường 9 bắt đầu từ đây nối sang Quốc lộ 13 của nước bạn Lào, trở thành một phần huyết mạch mang tên Con đường xuyên Á. Nhưng trước khi cuộc sống ở miền tây Quảng Trị giở sang trang mới thì trước đó đã có một chương dài nối từ chiến tranh sang thời hậu chiến, nối quá khứ đổ nát, hoang tàn vào nước mắt, mồ hôi, cả máu nữa, của vài ba thế hệ người dân bản địa lẫn người dân vùng đồng bằng lên đây mưu sinh, lập nghiệp. Nhiều người già, thế hệ đầu tiên lên đây kể với tôi, để có một vạt đất trồng rau, trồng sắn nhiều khi phải bỏ mạng bởi bom mìn chực chờ trong lòng đất. Kể ra để thấy, bao nhiêu bạt ngàn cà phê, chuối, sắn… hôm nay nếu tính công phải ngang với dời non, lấp bể.

Tôi đang dừng lại trước mây trời Lao Bảo. Miền biên viễn bừng lên màu nắng rất lạ. Nắng vàng như mật, rót thẳng từ đỉnh trời xuống cỏ cây, hoa lá. Bỗng dưng lại nhớ đến người cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Kim Thành (nhà thơ Tố Hữu). Cách đây tròn 85 năm, năm 1938, không biết ông đứng đâu trong quãng đèo heo hút gió này, để buông tiếng lòng chất ngất trong bài thơ Lao Bảo: Là Lao Bảo, chốn này đây, Lao Bảo/ Tên đun sôi, sùng sục tủy xương tràn/ Là nơi đây, nấm mồ bao khối não/ Là nơi đây, huyết ứ dưới lời than!/ Là nơi đây, pháp trường thân chiến sĩ/ Nát bầm da, quằn quại là nơi đây/ Roi đế quốc, báng súng trường quất xé/ Thịt hy sinh của những kiếp đi đày… Người cộng sản chỉ mới mười tám tuổi cũng đã tự mình đốt lên ngọn lửa trong tim: Hỡi chiến sĩ rữa tan trong mả loạn/ Hãy về đây trong đáy giếng hồn tôi…/ Cho tôi hưởng tinh thần hăng chiến đấu/ Cho da tôi dày dạn với ngày mai/ Cho tôi hiến đến cuối cùng suối máu/ Để nhuộm hồng bao cảnh xám bi ai.

Du khách về thăm di tích lịch sử ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Xuân Dũng

Bước chân tôi bâng khuâng lần nữa khi trở lại Khe Sanh. Lúc tôi bắt gặp những mảnh vườn xanh trải dài trong nắng sớm. Và mây trời, lại mây trời, giăng ngang như dải lụa mềm vấn vít quanh các sườn núi. Năm xưa, nhà thơ Tố Hữu cảm khái về một Lao Bảo với trái tim cộng sản trẻ tuổi thì cách đây hơn hai mươi năm, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường với chiều kích cuộc đời đi qua lửa đạn chiến tranh, bừng thức một cảm giác mới lạ về thị trấn huyện lỵ miền sơn cước với bài thơ Khe Sanh: Mãi theo dòng đời chảy xiết/ Một lần trở lại Khe Sanh/ Đá đã lên màu rêu biếc/ Trập trùng phố núi quanh quanh. Miên man giữa hồi ức và thực tại, nhà văn tài hoa quê Quảng Trị bỗng ngộ ra cội rễ của những hoa trái cuộc đời là tấm lòng con người gắn cùng xứ sở: Xưa đây chiến trường chống Mỹ/ Đạn bom tan nát đời cây/ Có người Già Làng lặng lẽ/ Bếp hồng kể chuyện Làng Vây/ Tâm hồn Vân Kiều vốn thế/ Giúp người chẳng quản công lênh/ Cảm ơn tấc lòng cội rễ/ Đưa mình trở lại Khe Sanh…

Có đôi khi tôi hình dung mây trắng như mái đầu bạc của người già suy tư. Nhưng hai thị tứ Lao Bảo, Khe Sanh cùng nhiều xã khác trong huyện Hướng Hóa thì cứ trẻ mãi trong tôi. Bởi một lần gặp lại tôi luôn thấy có sự đổi thay kỳ diệu, khi thì một con phố vừa mới mở ra, khi thì một công trình trường học, trạm xá mọc lên, hay chỉ đơn giản là những bông hoa đang tưng bừng nở, trong vườn nhà ai hay trên lối đi. Người ta là hoa của đất, để cuộc sống thảo thơm thì mồ hôi, có khi là máu phải đổ xuống. Điều đó chứng thực bằng ghi nhận của Đảng và Nhà nước, khi cách đây 15 năm, năm 2008, Hướng Hóa đã được phong tặng Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Tại thời điểm đón nhận danh hiệu cao quý đó, Hướng Hóa đã cho thấy thành quả mà không phải địa phương nào ở vùng cao cũng làm được: Bốn mươi năm ra khỏi cuộc chiến tranh, nền kinh tế địa phương đã tăng trưởng gấp 9 lần, 189 bản làng trong toàn huyện đã hoặc đang thoát nghèo bền vững. Chưa kể đến việc Hướng Hóa còn có Khu kinh tế - thương mại sầm uất, án ngữ trên trục Hành lang kinh tế Đông – Tây và hàng chục dự án kinh tế lớn trong và ngoài nước đến đầu tư.

Mới đây, trong chuyến công tác ở TP. Đông Hà, tình cờ tôi gặp Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng. Trong buổi gặp mặt chân tình, khi tôi gợi hỏi về chiến lược phát triển vùng tây Quảng Trị, cụ thể là Hướng Hóa, ông sôi nổi hẳn lên. Chuyện dông dài nhưng tôi chỉ nhớ, đường biên giới Việt – Lào chung nhau hơn 2.000 km, hai nước có 8 cặp cửa khẩu quốc tế thì Quảng Trị đã có đến hai cửa khẩu Lao Bảo và La Lay. Đường 9 nối TP. Đông Hà lên Lao Bảo là huyết mạch quan trọng nhất bởi đối diện với Lao Bảo phía nước bạn là khu vực Đensavẳn (tỉnh Savanakhet) cũng đang rất phát triển. Từ năm 1997, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã thống nhất chủ trương xây dựng Lao Bảo – Đensavẳn thành Khu Thương mại tự do nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Đến nay, sau hơn 25 năm hợp tác, khu vực biên giới của cả hai nước có nhiều đổi thay tích cực. Tuy nhiên, để tạo “cú hích” mạnh mẽ hơn nữa cho tương lai rộng mở thì cần có chủ trương lớn phù hợp với tình hình thực tế. Chủ trương lớn, ông Võ Văn Hưng nói, đó là tiến tới xây dựng Khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới, nhắm đến hồng tâm là hợp tác, phát triển kinh tế xuyên quốc gia. Hiện nay việc xây dựng Đề án về Khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới Lao Bảo - Đensavẳn đã triển khai, Chính phủ hai nước sẽ sớm phê duyệt và đó chính là nền móng cho việc xây dựng ngôi nhà chung về cơ chế hoạt động của Đề án khi đi vào thực tiễn.

55 năm, từ chiến thắng Khe Sanh vang dội được ví như Điện Biên Phủ, Khe Sanh cùng với Lao Bảo, hay nói rộng hơn là huyện Hướng Hóa đang viết tiếp trang đời mới, ngập tràn sức sống, cho một hành trình dựng xây quê hương giàu đẹp, để miền đất từng một thời lửa khói vẫn thơm thảo đơm đầy những mùa hoa và cây trái.

Theo Bút ký của Phạm Xuân Hùng (baodaklak)

Link bài gốc: https://baodaklak.vn/chinh-tri/202307/hoa-tren-mien-dat-lua-fdb0728/

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/hoa-tren-mien-dat-lua-post245375.html