Hoa trên điểm chốt chống dịch Covid-19

Những cơn mưa rừng bất chợt mang đến nhiều phiền phức nhưng những người lính Biên phòng Gia Lai vẫn bền gan, vững chí trên tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Niềm lạc quan nơi tuyến đầu chống dịch

Hơn 6 tháng triển khai “nhiệm vụ kép” tăng cường quản lý bảo vệ biên giới và phòng-chống dịch Covid-19, đã thấy có những nét khác biệt ở các điểm chốt trên biên giới của tỉnh Gia Lai (có sự tăng cường của lực lượng dân quân và Công an xã biên giới). Cây trồng đã xanh tươi ở vườn tăng gia, gà vịt cũng đã bắt đầu “lên ổ”. Ở chiều ngược lại, nắng, gió, mưa rừng đã “điểm” thêm nét phong trần trên gương mặt, làn da của các cán bộ, chiến sĩ nơi đây.

Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Đỗ Ngọc Cường (phụ trách chốt Bắc, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ) chia sẻ: “Trời nắng hay mưa cũng đều vất vả như nhau. Nhiều tháng qua, mỗi người một cây số, chúng tôi bám đường biên giới suốt 24/24 giờ. May mắn anh em “vớ” được bụi le để dựng lán ở tạm, vừa che nắng, vừa tránh gió. Công tác chốt chặn phòng-chống dịch Covid-19 chưa biết lúc nào kết thúc nên chúng tôi tổ chức tăng gia, trồng cây xanh để tạo cảnh quan trên điểm chốt…”.

Theo Trung úy Đỗ Ngọc Cường, chốt Bắc được “biên chế” 3 cán bộ, chiến sĩ (tăng cường 1 dân quân xã) phụ trách đoạn đường biên giới có nhiều nương rẫy trong khu vực nên việc tuần tra kiểm soát phải được triển khai liên tục. Quỹ thời gian tuy eo hẹp nhưng một khi bộ đội đã “ra ở riêng” là phải tăng gia sản xuất, ít nhất cũng phải có vườn rau xanh, đàn gia cầm để cung cấp thực phẩm tại chỗ.

Trung úy Đỗ Ngọc Cường “bật mí”, hiện tại chốt Bắc đang duy trì đàn gà, ngan 60 con, cùng mấy chục mét vuông đất trồng rau xanh, hoa, cây cảnh. “Ở đây anh em chúng tôi quây lưới nuôi gà trên… đá, hơi chậm lớn một chút nhưng đổi lại chất lượng thực phẩm cực ngon. Biết đâu đấy, lại xuất hiện đặc sản gà đi bộ trên… đá, do những người lính nơi chốt tiền tiêu chống dịch tạo nên”-Trung úy Đỗ Ngọc Cường dí dỏm.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh bắt vụ vận chuyển khẩu trang y tế trái phép qua biên giới. Ảnh: Thái Kim Nga

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh bắt vụ vận chuyển khẩu trang y tế trái phép qua biên giới. Ảnh: Thái Kim Nga

Hoa trên điểm chốt

Do đặc thù cư dân vùng biên giới của tỉnh có mối quan hệ họ hàng thân tộc với người dân ở phía đối diện (tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia) nên công tác chốt chặn kiểm soát người qua lại biên giới gặp rất nhiều khó khăn. Chặn dịch thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, các hoạt động thăm thân đều phải tạm dừng. Nhưng khi bên này hoặc bên kia có đám cưới, đám ma hay tân gia thì các đồn Biên phòng phải lên phương án, tăng cường lực lượng vừa chốt chặn, vừa làm công tác đối ngoại và tập trung tuyên truyền vận động bà con, kiên quyết không để bất kỳ trường hợp nào xuất, nhập cảnh trái phép.

Thiếu tá Hoàng Tuấn Minh-Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Nan (huyện Đức Cơ) chia sẻ: Cái khó đầu tiên đó là dọc chiều dài 10 km đường biên giới do Đồn quản lý có tới 200 nương rẫy của bà con hiện đang canh tác. Nếu chúng ta không nắm từ gốc thì rất khó để quản lý, ngăn chặn người qua lại. Tiếp đến là hầu hết các làng đồng bào Jrai ở xã Ia Nan đều có mối quan hệ dòng tộc, thân thích với bà con nhân dân bên xã Bó Nhầy (huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia).

“Mỗi khi bên này hay bên kia chuẩn bị có sự kiện là chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, kết hợp tuần tra kiểm soát và đối ngoại, kịp thời thông tin cho chính quyền, lực lượng chức năng nước bạn để phối hợp ngăn chặn tình trạng qua lại biên giới bất hợp pháp. Trong suốt thời gian dài kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, địa bàn xã Ia Nan không có bất kỳ trường hợp nào qua lại biên giới trái phép. Anh em cán bộ chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch luôn xác định nhiệm vụ song trùng: Giữ cho biên giới tuyệt đối bình an và chống dịch như chống giặc. Vì thế cho dù khó khăn gian khổ đến mấy chúng tôi vẫn luôn động viên nhau cố gắng chịu đựng để bám trụ. Dịch bệnh có nguy hiểm đến mấy cũng quyết không lùi bước, bởi sau lưng mình là Tổ quốc, là nhân dân”-Thiếu tá Hoàng Tuấn Minh bày tỏ.

Quản lý, bảo vệ 90 km đường biên giới, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh hiện đang triển khai 34 tổ chốt phòng-chống dịch Covid-19, với gần 300 chiến sĩ (có sự tăng cường của Công an, dân quân xã và nhân viên y tế). Tính đến thời điểm hiện nay, BĐBP tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý y tế, phân loại, bàn giao đưa về khu cách ly tập trung của tỉnh được 1.134 trường hợp từ bên kia biên giới trở về.

Việc tăng cường lực lượng lên biên giới làm “nhiệm vụ kép” đã giúp BĐBP tỉnh kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý 20 vụ/33 đối tượng nhập cảnh trái phép, tiếp nhận 8 trường hợp do lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia trao trả. Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh còn phát hiện bắt giữ 5 vụ/8 đối tượng vận chuyển trái phép qua biên giới hơn 31 ngàn chiếc khẩu trang y tế, 200 chai dung dịch sát khuẩn và một số vật tư y tế khác.

Bám trụ dài ngày trên đường biên giới, vất vả nhọc nhằn cho đất “nở hoa”. Hiện tại, toàn bộ 34 điểm chốt của BĐBP tỉnh đều duy trì vườn rau, chuồng trại chăn nuôi gia súc gia cầm. Nhiều điểm chốt, anh em còn tận dụng hố bom từ thời chiến tranh chống Mỹ sót lại, những khu vực trũng thấp để đào ao thả cá, trồng hoa, cây cảnh tạo cảnh quan môi trường.

Mưa rừng thi thoảng vẫn trêu ngươi con người. Nhưng hoa trên điểm chốt đã nở. Như sự khẳng định của quyết tâm vượt khó, ý chí bền gan của người lính Biên phòng đã vượt qua mọi thử thách để bám trụ vững vàng hơn trên biên giới của Tổ quốc.

THÁI KIM NGA

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/9702/202010/hoa-tren-diem-chot-chong-dich-covid-19-5704289/