Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền muốn sôi đủ 100 độ

Dân Việt - “Nước 99 độ không bao giờ sôi, phải thêm 1 độ cuối cùng nữa cho nước sôi lên”, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền tâm sự bên lề triển lãm "Dòng chảy V: Những con chữ".

Tiếp theo những triển lãm cá nhân mang tên “Dòng chảy” với các chủ đề như “Mầm sống”, “Giao cảm”, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền lại vừa ra mắt triển lãm “Dòng chảy V: Những con chữ”. Nhân dịp này, Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với chị. Xin chị chia sẻ vì sao chủ đề của “Dòng chảy V” lại là “Những con chữ”? Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền. Ảnh: Minh_designer - Từ khởi thủy con người đã vạch những ký tự trên vách đá để tìm nhau, từ đó dần hình thành “Những con chữ”. Chữ viết có thể làm nền tảng cho muôn vàn sáng tạo văn minh để lại cho con người, cho văn minh nhân loại. Từ những ý tưởng đó, tôi yêu mến và trân trọng chữ viết. Tôi muốn được ngợi ca chữ viết vào những tác phẩm nghệ thuật của mình. Những con chữ ở đây không phải là những con chữ vô tình mình nhặt được ở đâu đó, mà đó là chữ của những con người gắn bó với mình. Tôi chọn chữ viết tay của 55 nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ là những người tôi đã được đọc tác phẩm của họ, được gặp họ, là bạn bè của họ, thậm chí sống trong một thế giới chung cùng với họ. Với cảm hứng ngợi ca chữ viết qua tranh như vậy thì trong các tác phẩm này của chị, “chữ viết” hay “hình vẽ” mới là chủ thể chính? - Tôi sinh ra và lớn lên cùng với văn chương, nên ngoài vẽ ra cũng rất đam mê và trân trọng chữ nghĩa. Tuy nhiên, không phải chỉ là chép lại câu chữ của các nhà văn, nhà thơ mà tôi muốn dùng ký tự của họ, giống như vân tay của họ để đưa vào các sáng tác của mình. Không phải dùng câu của họ để minh họa cho bức tranh của mình, sẽ rất xấu và không sáng tạo. Nhưng cũng không thể dùng hình vẽ một đằng mà chữ một nẻo. Hai yếu tố này phải đồng bộ, hòa quyện với nhau. Để thực hiện điều này phải hết sức khoa học, tính toán để làm sao bảo vệ được các ký tự của nhà văn, nhà thơ, nhưng đồng thời phải có sự sáng tạo của mình ở bên trong đó. Như chị vừa chia sẻ thì để vẽ nên được những bức tranh - chữ hài hòa này, rõ ràng là người sáng tác đã phải rất dụng công tính toán, khoa học tỉ mỉ… Liệu điều này có làm hạn chế cảm hứng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ trong chị? - Câu hỏi này tôi thấy rất đúng. Người nghệ sĩ phải hết sức khoa học, tính toán nhưng cũng phải đầy lòng trân trọng và hết sức tình cảm thì tác phẩm mới không khô cứng và không bị giống như sao chép. Điều này vất vả hơn nhiều so với việc mình ngồi phóng bút vẽ bất kỳ cái gì mình nghĩ trong đầu. Nhưng xuất phát từ tình yêu đối với những con chữ, yêu những con người nên tôi đã làm được. Bộ 5 bức tranh “Dân tộc” có chữ viết (theo thứ tự từ trái sang) là chữ cổ trên lá buông, chữ viết của Ngô Văn Phú, Phạm Hổ, Hiền Phương, Đỗ Chu Giữa thời đại máy móc, công nghệ hiện đại có thể làm đậm, làm nhạt màu sắc hay kéo dài, thu nhỏ hình ảnh, hội họa phải đối mặt với tất cả những cái đó. Và người nghệ sĩ vượt lên trên tất cả máy móc chính là bằng tình cảm, sức sáng tạo, lòng say mê và quan điểm sống của mình đưa vào trong tranh. Triển lãm “Dòng chảy V: Những con chữ” ngoài 54 bức tranh sơn mài còn có sự xuất hiện của 8 pho tượng cũng đều được chị sáng tác trong năm nay. Tại sao lại có sự kết hợp này? - Tôi có quan điểm như thế này: “Nước 99 độ không bao giờ sôi, phải thêm 1 độ cuối cùng nữa cho nước sôi lên”. Tại triển lãm “Dòng chảy II: Mầm sống” tôi đã làm một bộ sắp đặt “Những quả trứng” như là 1 độ cuối cùng cho triển lãm sôi lên. Và ở triển lãm “Dòng chảy V: Những con chữ” tôi cũng làm một bộ 8 pho tượng, thì đó cũng là 1 độ cuối cùng cho triển lãm sôi lên theo đủ 100 độ của mình thôi. (cười) Trong số 54 bức tranh thuộc triển lãm lần này, có tận 3 bức tranh được chị lấy cảm hứng từ bút tích của nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Tại sao lại có sự ưu ái đặc biệt này? - Giữa tôi và Lưu Quang Vũ có tình cảm rất lớn, rất đẹp. Một điều gì đó như một niềm khuyến khích cho sự sáng tạo của nhau. Với rất nhiều bài thơ Vũ viết tặng tôi, tôi đã chọn ra ba bài thơ để đưa vào bộ minh họa này. Hy vọng là những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ mà chữ viết của họ mang đến cảm hứng cho các sáng tác của chị không chỉ dừng lại ở con số 55 người như tại triển lãm này?! - Những người đã đi trước, những thế hệ đi sau, mỗi người đều có tiếng nói, đóng góp đáng trân trọng, và sẽ còn tiếp tục có những người như thế. Nên bộ tranh này cũng là bộ tranh mở, là sự nối dài liên tục, là một “dòng chảy” chảy mãi không ngừng. Tôi sẽ tiếp tục sáng tác thêm những tranh mới khi có được thêm chữ viết của nhiều người khác. Bộ 5 bức tranh “Nude” có chữ viết (theo thứ tự từ trái sang) của Vũ Trọng Phụng, Đông Hồ, Hữu Loan, Thế Lữ, Hoàng Cầm Chị có gửi gắm điều gì khi mang 62 tác phẩm của mình ra Hà Nội để thực hiện triển lãm dịp này? - Tuy sống ở TP.HCM từ năm 1984 nhưng đối với tôi, Hà Nội luôn có nhiều gắn bó. Người Hà Nội rất yêu nghệ thuật, cả hội họa lẫn văn chương. Hà Nội có nền văn hóa lâu đời, là trung tâm văn hóa của đất nước mà tôi luôn tự hào khi hướng về. Nhất là nhân dịp Đại lễ này, tôi không thể không về Hà Nội. Tôi đã được học hành ở đây, trưởng thành ở đây, tình yêu ở đây, gia đình, bạn bè ở đây. Tôi nghĩ rằng có “duyên phận”, khi đáng lẽ triển lãm này tôi đã định làm từ lâu rồi nhưng cứ có gì đó trì hoãn mình lại. Cho đến một lúc tôi hiểu rằng triển lãm “Dòng chảy V: Những con chữ” buộc phải nằm ở dịp 1.000 năm Thăng Long này. Xin cảm ơn chị! Khánh Linh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/16295p1c30/hoa-si-nguyen-thi-hien-muon-soi-du-100-do.htm