Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: 'Họa sĩ Tôn Đức Lượng không cần gì hơn sự khiêm nhường'

Khi nhắc đến họa sĩ Tôn Đức Lượng, ai trong giới họa sĩ cũng nhớ đến những bức tranh ký họa của ông về thanh niên xung phong qua các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Ông cũng để lại ấn tượng sâu sắc với người trong giới vì tính cách bình dị, phúc hậu.

Khi nhắc đến họa sĩ Tôn Đức Lượng, ai trong giới họa sĩ cũng nhớ đến những bức tranh ký họa của ông về thanh niên xung phong qua các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ.

“Ông là một trong những sinh viên cuối cùng của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông sớm tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Dù công tác hay làm việc ở đâu, nghệ thuật vẫn là điều ông theo đuổi đến cuối đời”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nói.

Họa sĩ Tôn Đức Lượng sở hữu hàng trăm bức ký họa lịch sử, nhiều tác phẩm sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ...

Họa sĩ Tôn Đức Lượng theo chân Đoàn Thanh niên và cuộc kháng chiến chống Pháp, ông để lại nhiều ký họa bút sắt về thanh niên nông thôn sản xuất nông nghiệp, làm thủy lợi, làm kinh tế công nghiệp nhỏ ở địa phương, thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước... Các ký họa đó đều bé nhỏ như bao diêm, mẩu giấy, nhưng ghi chép chi tiết từng con người, từng cuộc họp và cuộc hành quân trong chiến tranh.

“Những bức tranh của ông mang nét đẹp thuần hậu khi ông kịp lưu giữ khoảnh khắc đẹp của người Việt, thanh niên xung phong bằng những bức ký họa nhanh. Phong cách ông vẽ luôn bình dị, chân thực”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nêu.

Bức Nhặt sỏi. A3. TNXP Hà Tĩnh, Khe Lau 31/3/1970. Ký họa bút sắt và thuốc nước.

Phong cách vẽ của họa sĩ Tôn Đức Lượng cũng phần nào thể hiện tính cách của ông. Trong giới họa sĩ, ông luôn được nhận xét là người bình dị, tận tụy, luôn cống hiến trong thầm lặng.

“Không ai quên được dung nhan phúc hậu của họa sĩ Tôn Đức Lượng, càng về già sự phúc hậu càng thể hiện ra qua gương mặt ông. Ông ngày càng đẹp lên. Ông là người bình dị, hiểu đời hiểu người. Ai cũng thấy ông luôn luôn mỉm cười”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhớ lại.

Tác phẩm Mùa hoa gạo (1972, Ký họa bút sắt và thuốc nước)

Họa sĩ Tôn Đức Lượng từng khiến công chúng ngỡ ngàng với triển lãm Tôn Đức Lượng - Ký họa lịch sử được tổ chức năm 2012-2013 tại Hà Nội và TPHCM. Hàng trăm bức ký họa do nhà sưu tập tranh người Thái Lan giới thiệu tại triển lãm này giúp công chúng hình dung rõ hơn về sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Tôn Đức Lượng. Cuốn sách in hơn 200 bức ký họa, một số tranh sơn dầu và khắc gỗ của của ông cũng ra mắt dịp này.

Tác phẩm Lấy đá hộc (1970, Tranh ký họa bút sắt, thuốc nước).

Sau thời điểm miệt mài sáng tác qua hai cuộc kháng chiến, sau này ông ít sáng tác hơn, chủ yếu chỉ vẽ tranh để tham gia các triển lãm của giới nghệ thuật Việt Nam.

“Họa sĩ Tôn Đức Lượng chọn cách tồn tại khác trong giới mỹ thuật nước nhà. Quá khứ là quá khứ và hiện tại là hiện tại, vì vậy ông chỉ vẽ ký để tham gia các triển lãm của giới nghệ thuật Việt Nam. Đóng góp của ông khiêm nhường nhưng ông cũng chẳng cần gì hơn sự khiêm nhường ấy”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nêu.

Họa sĩ Tôn Đức Lượng và nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong trong một cuộc hội ngộ các thế hệ làm báo Tiền Phong. Ảnh: HỒNG VĨNH.

Họa sĩ Tôn Đức Lượng trút hơi thở cuối cùng vào 1h7 ngày 10/2, hưởng thọ 99 tuổi. Ông thuộc nhóm cán bộ tham gia từ ngày đầu thành lập tờ báo Tiền Phong và ra số báo đầu tiên ngày 16/11/1953, tại Chiến khu Việt Bắc.

Lễ viếng họa sĩ Tôn Đức Lượng được tổ chức vào lúc 9h15 ngày 13/2 tại Nhà Tang lễ Quốc gia (Số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ truy điệu và đưa tang diễn ra 10h15 cùng ngày. Linh cữu ông được đưa đi hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ (Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội).

Gia Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hoa-si-luong-xuan-doan-hoa-si-ton-duc-luong-khong-can-gi-hon-su-khiem-nhuong-post1509012.tpo