Họa sĩ Lê Thị Kim Bạch sống hết mình với hội họa

So với thế hệ cùng trang lứa, họa sĩ Lê Thị Kim Bạch có nhiều thuận lợi khi được học hành một cách bài bản.

Họa sĩ Lê Thị Kim Bạch bên bức tranh 'Tổ quốc gọi'. Ảnh: NVCC.

Với nhiều họa sĩ, vẽ tranh bên cạnh niềm đam mê, sở thích còn là mưu sinh, nhưng với Lê Thị Kim Bạch lại khác. Bà chấp nhận cuộc sống bần hàn, không gia đình, không con cái chỉ để được sống hết mình với hội họa. Coi vẽ là hơi thở, là cuộc sống, là đứa con mà mình đứt ruột đẻ ra nên bà không bao giờ bán tranh.

Dạy hội họa thật không dễ

So với thế hệ cùng trang lứa, họa sĩ Kim Bạch có nhiều thuận lợi khi được học hành một cách bài bản. Là người con miền Nam tập kết ra Bắc, bà học Trường Trung cấp Mỹ thuật Việt Nam, sau đó được Nhà nước cử đi học tại Trường Đại học Mỹ thuật Quốc gia Kiev (Liên Xô cũ).

Về nước, bà được phân công giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội). Thời kỳ ấy, đất nước còn chiến tranh, điều kiện kinh tế còn vô vàn gian khó, bởi vậy việc dạy hội họa cũng khó khăn đủ bề.

Cô và trò phải tiết kiệm từng tờ giấy, ngòi bút để có thể sáng tạo nên những tác phẩm phục vụ công cuộc kháng chiến lâu dài của đất nước. “Chúng tôi chủ yếu dạy vẽ tranh động để cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta cũng như tinh thần hăng say lao động, sản xuất của nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc”, họa sĩ Kim Bạch chia sẻ.

Chính sự tâm huyết, trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục mà họa sĩ Kim Bạch đã đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ có những đóng góp nổi bật như: Lê Quảng Hà, Phan Quân Dũng, Nguyễn Văn Hảo, Tô Mai Lĩnh, Nguyễn Hữu Thái Hòa, Hồ Ngọc Lệ, Nguyễn Phan Khiêm... Cô trò bao nhiêu năm vẫn giữ liên lạc, tình cảm vẫn thắm thiết, mặn nồng.

Mỗi khi cô mở triển lãm tranh là học trò khắp mọi nơi kéo về để mừng cho sức sáng tạo của cô và cũng là dịp để hàn huyên, trao đổi kinh nghiệm sáng tác. Theo họa sĩ Kim Bạch, dạy hội họa luôn là công việc không dễ, bởi sự sáng tạo của mỗi người là không có giới hạn, không thể “đóng khung”.

Chính vì thế, trên cương vị một nhà giáo, bà chỉ gợi mở, hướng dẫn và cùng suy nghĩ để giúp học trò tìm ra không gian sáng tạo của riêng mình. Tất nhiên, mỗi em một năng khiếu, một sở trường nên giáo trình luôn phải “mềm dẻo” để phù hợp với từng sinh viên.

“Song hành với cuộc đời của một họa sĩ, tôi là một cô giáo dạy vẽ. Vì thế trong con người tôi có sự giao thoa giữa sự lãng mạn, bay bổng của một nghệ sĩ và sự nghiêm cẩn, chững chạc của một nhà giáo. Điều đáng mừng là làm 2 công việc với những cách thể hiện khác nhau nhưng tôi vẫn được sống trong thế giới đầy huyền bí”, họa sĩ Kim Bạch nhấn mạnh.

Một điều khác biệt của họa sĩ Kim Bạch là bà không bao giờ bán tranh của mình, mặc cho đời sống kinh tế đôi lúc còn khó khăn. Bởi bà quan niệm, tranh là tài sản quý giá nhất của cuộc đời người nghệ sĩ, có thể ví von như những “đứa con” đã đứt ruột đẻ ra thì không cha mẹ nào bán cả.

Họa sĩ Lê Thị Kim Bạch (thứ ba từ phải qua) giới thiệu tác phẩm ghép đá 'Bác Hồ' tại Triển lãm Mỹ thuật năm 2022 chủ đề 'Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh' do Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Ảnh: Hoài Nam.

“Tất nhiên, tùy vào quan niệm của mỗi người, có những đồng nghiệp, học trò của tôi vẽ và bán tranh như một cách để mưu sinh. Tôi luôn tôn trọng điều này và cho rằng đó là việc hoàn toàn thuận lẽ tự nhiên khi người sáng tạo có thể hưởng thành quả của mình.

Nhiều người nói tôi là “gàn dở” vì sở hữu rất nhiều bức tranh quý nhưng không hề có ý định bán cho các nhà sưu tập hay chơi tranh. Có chăng, tôi chỉ hiến vào các bảo tàng hay tặng ai đó mà mình thực sự thân thiết, quý trọng”, họa sĩ Kim Bạch cho hay.

Vẽ cũng là thể hiện lòng yêu nước

Họa sĩ Kim Bạch cho rằng, mỗi người có cách thể hiện lòng yêu nước khác nhau và với người họa sĩ thì không gì thú vị hơn là thể hiện tình yêu đó qua hội họa. Chính vì tâm niệm đó mà trong cuộc đời cầm cọ của mình, bà đã vẽ nhiều bức tranh về Bác Hồ, về chủ đề chiến tranh cách mạng có giá trị.

Tiêu biểu như tác phẩm “Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh” ghép hoàn toàn bằng đá tự nhiên có nguồn gốc từ huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An trao giải A Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2015.

Trước đó, năm 1976, bà vẽ bức họa “Phút nghỉ ngơi” khắc họa hình ảnh Bác Hồ trong lúc thư giãn sau công việc bộn bề tại hang Pác Bó (Cao Bằng). Gương mặt, phong thái của Người rất đỗi bình dị, luôn gần gũi với nhân dân. Tuy nhiên, bà cũng khẳng định vẽ về Bác Hồ là một thử thách lớn với bất cứ họa sĩ nào.

Các tác phẩm hội họa của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch được giới thiệu tại trưng bày 'Tranh phiên bản của các nữ họa sĩ trong sưu tập mỹ thuật hiện đại của Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh'. Ảnh: NVCC.

Một dấu ấn đậm nét của thời gian được tái hiện trong tranh của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch là ký ức về mảnh đất quê hương Nam Bộ với những con người cụ thể đã gắn bó với cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc.

Bà luôn hướng về quê hương miền Nam với tình cảm thiết tha, đằm thắm thể hiện trong các tác phẩm chất liệu sơn dầu, lụa, ký họa chân dung với khả năng diễn tả sắc sảo, khái quát tính cách nhân vật với bút pháp khỏe khoắn, mang sắc thái riêng.

Nhiều tác phẩm của họa sĩ diễn đạt được chiều sâu của nội tâm và đặc trưng về con người miền Nam, như: “Ông Năm Nhồng”, “Bà Hai Tình”, “Nữ thanh niên xung phong bên bờ suối”, “Ông Bảy Chiêu”… Cũng dễ dàng nhận thấy trong 5 tác phẩm được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1 năm 2001 của bà thì có đến 3 bức tranh vẽ về mảnh đất Nam Bộ đầy thương mến của mình.

Đó là “Chân dung chiến sĩ cách mạng Bà Điểm, Hóc Môn”, “Hoa trái quê hương”, “Bến xe ngựa chợ Bà Điểm”. Hình ảnh con người Nam Bộ hiện lên qua nét cọ của họa sĩ Kim Bạch toát lên vẻ đẹp dung dị, nhân hậu nhưng rất kiên cường, bất khuất.

Đề tài và chất liệu sáng tác của họa sĩ Kim Bạch hết sức đa dạng, phong phú. Các tác phẩm thể hiện bản sắc riêng của một nghệ sĩ đầy cá tính. Cả cuộc đời cống hiến vì hội họa, bà đã vẽ hàng nghìn bức tranh, trong đó có những tác phẩm mang tầm vóc và giá trị cao.

Điều đó đủ thấy sức lao động sáng tạo nghệ thuật bền bỉ, nghiêm túc của người con mảnh đất Thành đồng Tổ quốc. Thật đúng như những gì họa sĩ Nguyễn Thanh Châu nhận xét: “Cuộc đời của họa sĩ Kim Bạch cũng là một tác phẩm, không đồ sộ về khuôn khổ, không ồn ào khoe khoang nhưng bút pháp rất trầm lắng, sâu đậm, nhẹ nhàng và quyến rũ”.

Sức sáng tạo thanh xuân

Mới đây, Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu trưng bày 50 “Tranh phiên bản của các nữ họa sĩ trong sưu tập mỹ thuật hiện đại của Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh” đã giới thiệu tác phẩm của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch và các nữ họa sĩ khác, như: Lê Thị Lựu, Trịnh Kim Vinh, Trương Thị Thịnh, Tố Oanh, Huỳnh Thị Kim Tiến, Đặng Thị Dương, Nguyễn Thị Tâm, Đặng Ái Việt... Đây đều là những tác phẩm có tư duy, quan điểm nghệ thuật mới mẻ, đôi khi phá vỡ định kiến về giới trong nghệ thuật.

Tác phẩm 'Tuổi mười bốn' của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch. Ảnh: NVCC.

Những tác phẩm “gốc” phong phú về chất liệu, nội dung, hình thức thể hiện, cho đến những tác phẩm hiện đại đầy màu sắc và phóng khoáng được thể hiện bằng chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa hay khắc gỗ đã mang đến sự thú vị cho người xem.

Đến với triển lãm, họa sĩ Lê Thị Kim Bạch có 5 tác phẩm gồm: “Họa sĩ Trần Văn Cẩn”, “Tuổi mười bốn”, “Bến xe ngựa chợ Bà Điểm”, “Họa sĩ Nguyễn Gia Trí”, “Vì sự bình yên của đất nước”.

Sự kiện này không chỉ đơn thuần ghi nhận sự đóng góp của phụ nữ trong lĩnh vực nghệ thuật mà thông qua tác phẩm có thể nhận thức rằng: Các họa sĩ nữ đã vượt qua những rào cản xã hội, giới hạn để thể hiện sự sáng tạo của mình.

Họ đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, thể hiện quan điểm cá nhân về các vấn đề quan trọng trong xã hội. Điều này nhằm tôn vinh tài năng, thành tựu của các họa sĩ nữ, khơi dậy sự nhạy bén và khám phá tiềm năng sáng tạo của tất cả mọi người, không phân biệt giới tính.

Ở tuổi 85 nhưng ngày ngày họa sĩ Kim Bạch vẫn cầm cọ và ngồi hàng giờ trước giá vẽ. Biết bao ý tưởng vẫn đang được bà hiện thực hóa trên những bức tranh.

Không chỉ cần mẫn sáng tạo, mỗi khi ở đâu đó trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có triển lãm là bà lại xông xáo đến tận nơi để được chiêm ngưỡng. Bởi bà sợ rằng, bản thân sẽ không bắt nhịp được với xu hướng hội họa đương đại và khi đó mọi sáng tạo của mình sẽ bị lạc lõng giữa xã hội, không phục vụ được đời sống nhân dân. Cứ như thế, người ta không thấy bà dành phút nghỉ ngơi nào cho bản thân…

Họa sĩ Lê Thị Kim Bạch sinh năm 1938 tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. Bà từng có nhiều năm giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Ngoài Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1, năm 2001, bà còn giành nhiều giải thưởng, như: Huy chương Vàng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1990; Giải B Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980; Huy chương Đồng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2000; giải Khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2015…

Ngô Khiêm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoa-si-le-thi-kim-bach-song-het-minh-voi-hoi-hoa-post646061.html