Họa sĩ Hoàng Lan triển lãm 'Solo Art Exhibition: Ấn tượng'

Chiều 13/12, Triển lãm mỹ thuật 'Solo Art Exhibition: Ấn tượng' của họa sĩ Hoàng Lan đã khai mạc tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền (Hà Nội), đánh dấu chặng đường 20 năm chị lặng lẽ, bền bỉ với đam mê hội họa.

Họa sĩ Hoàng Lan sinh năm 1979 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật tại Hà Nội. Chị được đào tạo diễn viên ba lê, hệ vũ kịch từ khi mới 8 tuổi và gắn bó tới năm 16 tuổi ở Học viện Múa Việt Nam. Họa sĩ Hoàng Lan tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2007.

Thuở ấy, hệ vũ kịch 3 năm mới tuyển sinh một lần, môi trường học tập khắt khe. Rồi đam mê hội họa tạo bước ngoặt đưa chị đến với Đại học Mỹ thuật Việt Nam - một môi trường đào tạo mỹ thuật hàn lâm, uy tín hàng đầu.

Nói về con đường nghệ thuật của họa sĩ Hoàng Lan, nhiều người thường nhắc tới hai từ: lặng lẽ. Trước kia, từ tuổi thiếu niên tới thời thiếu nữ, theo đuổi nghệ thuật ba lê vốn đòi hỏi sự khổ luyện, Hoàng Lan cũng đã có những dấu ấn cho mình.

Lý giải về chuyên ngành sư phạm thay vì các chuyên ngành khác, nữ họa sĩ cho đó là cơ duyên cộng với định hướng, sự ủng hộ từ gia đình, nhất là mẹ chị. Bởi lẽ đó, mẹ cũng là cảm hứng cho nhiều tác phẩm của chị như bức tranh “Cầu nguyện” chị tôn vinh mẹ mình và những người mẹ trong đời.

Suốt nhiều năm qua, họa sĩ Hoàng Lan miệt mài với công việc giáo viên dạy năng khiếu cho trẻ, trong đó có trẻ em tự kỷ. Bên cạnh đó, vai trò một người mẹ cũng lấy đi của chị nhiều thời gian, tâm sức. Dù vậy, đam mê hội họa vẫn như một dòng suối trong lành lặng lẽ chảy trong tâm hồn chị. Khi dạy trẻ em, chị nhìn học trò mà ký họa.

Hoàng Lan vẽ một cách tự nhiên, như hơi thở. Chị vẽ con gái mình và những đứa trẻ đang múa, đó là hình ảnh vô cùng thân thương, gần gũi, đặt bút là ra đường nét, sắc màu. Dù chị không chia sẻ thông tin, nhưng rất nhiều người biết Hoàng Lan miễn học phí cho nhiều trẻ em với mong muốn đóng góp một chút gì nhỏ bé tạo nên niềm yêu thích, nhen nhóm tình yêu, hy vọng và đam mê mỗi ngày.

Hoàng Lan từng vẽ về mọi thứ và rồi nhận ra chị thường không vẽ gì đó thật cụ thể, mà trạng thái đang le lói vấn đề gì thì trái tim khát khao muốn thể hiện điều ấy.

Không đặt ra sự nhất thiết về việc vẽ mỗi ngày, mỗi tuần, nhưng một chi tiết vui vui là hễ có tiền chị sẽ mua rất nhiều toan dẫu có khi cả tháng không đụng vào; dẫu có những tối nhoằng cái đã vẽ hết, vây quanh chị toàn toan.

Có những bức tranh cả năm chưa được vẽ tiếp, có bức 20 tiếng làm việc đã xong. Chị không ép mình về tiến độ mà có thể có sự chuyển đổi. Chỉ cần có cảm xúc trước một phệt màu thôi, chị sẽ làm việc để có đối thoại.

Họa sĩ Hoàng Lan (giữa) giới thiệu tác phẩm

Nếu tính dấu mốc từ năm 2003 vào học tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam thì tới năm 2023 là tròn dấu ấn 20 năm họa sĩ Hoàng Lan âm thầm, bền bỉ với đam mê hội họa. Dù vậy, 20 năm có lẽ thiên về sự tình cờ, trùng hợp, xứng đáng để làm một điều gì đó với Hoàng Lan nhiều hơn là kế hoạch cụ thể hay sự gượng ép.

Ở triển lãm đầu tiên trong đời mình, chị giới thiệu tới công chúng 20 bức tranh chất liệu acrylic trên toan, có bức khổ lớn tới 2 mét, còn lại đa dạng, thay đổi qua cả cảm xúc, tạo nên hiệu ứng và ngôn ngữ riêng.

Chọn trừu tượng nhưng để nhất quán trường phái trừu tượng nào, họa sĩ cũng không gò bó. Thực tế, gia tài tranh của chị tính đến thời điểm này khá đáng kể, song, không phải có bao nhiêu tác phẩm đều treo tất. Nhiều bức chị vẽ đã lâu, mọi người thích, đã sở hữu và treo ở nhà, dù được nhắc, chị cũng không mượn lại để triển lãm lần này.

Họa sĩ Hoàng Lan quan niệm, tác phẩm hội họa tồn tại độc lập. Chị chủ tâm để tác phẩm tự đối thoại với người xem chứ không bó buộc vào tình cảm, tâm tư họa sĩ. May mắn được đào tạo bài bản trong môi trường hàn lâm, trải qua nhiều phong cách từ hiện thực, biểu hiện đến trừu tượng, chị cho rằng trừu tượng phù hợp nhất với mình.

Đi sâu vào thế giới nội tâm trong tác phẩm của họa sĩ Hoàng Lan, có thể cảm nhận được chiều sâu ngôn ngữ, khát vọng ẩn giấu phía sau sự lặng lẽ, hy sinh đầy nhẫn nại, như những lúc khó khăn trong cuộc sống, ý nghĩ của chị luôn hướng về ngôi nhà nhỏ trong khu tập thể ở Nguyễn Công Trứ chị sống từ bé tận năm 27 tuổi. Hoàng Lan yêu không gian xưa cũ, không dứt khỏi niềm ưu tư, ám ảnh về nó. Chị tự nhận, điều này chị giống bố chị - một nghệ sĩ, cũng là một người lính trở về từ chiến trường Quảng Trị.

Ngôi nhà thấp thoáng ẩn hiện trong tranh chị. Đôi khi, chị mang góc nhìn của đứa bé, trong mùa đông mưa rét, trèo ra mái ngói cũ, để mưa táp vào mặt; những mùa hè rộn ràng hoa nắng cũng lại từ đó ngó xuống, không được nô đùa thỏa thích như bạn bè trang lứa, đành liệng chiếc máy bay giấy xuống mặt sân ẩn giấu bao mong chờ, thắc thỏm...

Hai trong số nhiều tác phẩm acrylic trên toan của nữ họa sĩ

Ký ức dội về tạo cảm xúc và mở ra không gian đa chiều cho họa sĩ. Chị bỗng nhớ chính hình ảnh mình và em gái thuở ấy, hai tay xách hai xô nước, xếp từng viên gạch lấy chỗ hứng nước, mua gạo… Vậy nên, dù không cố tình, nhưng những viên gạch xếp, những góc nhô ra lõm vào của căn hộ tập thể đã neo lại vào đời sống nội tâm và các sáng tác của chị một cách thật tự nhiên, tình cảm.

Họa sĩ Hoàng Lan tâm sự, những tác động bên ngoài vốn không liên quan nhiều tới đời sống và sáng tạo của chị. Có những đồng nghiệp lựa chọn đa dạng trong chủ đề, ý tưởng, song với chị, rất nhiều thứ mênh mang trôi chảy trong đời đôi khi sự chi phối không đủ mạnh bằng những điều thân thuộc như sự cảm nhận của chị về ký ức đã qua, phụ nữ, trẻ em.

Tiếp xúc với những em bé tự kỷ, thấy sự thay đổi tích cực mỗi ngày, chị thấy ngập tràn cảm hứng cảm hứng. Hay khi ngắm trẻ con tung tăng, chị cũng dấy lên câu hỏi: Những thiên thần kia, chúng có biết mình đang vui sướng nhất không nhỉ?

Chị cũng thường hay nghĩ về những người lao động, tự đặt ra câu hỏi: Ngày trẻ họ thế nào, họ làm gì, họ chọn nghề hay nghề chọn họ… Trong câu chuyện thân tình trước khi triển lãm được khai mạc, chị miên man trong ký ức về mẹ mình từng làm việc cho công ty thoát nước ở Hoa Lư nên từ khi còn nhỏ, Hoàng Lan biết chuyện nhiều người lao động phải lụi cụi dưới cống, mệt lả và ngất đi dưới đấy… nhưng sau tất thảy, họ hạnh phúc khi đã làm đời. Chị muốn ghi lại vẻ đẹp tâm hồn, sự hy sinh và hạnh phúc trong cuộc sống từ chính những điều bình dị nhất.

Cùng với việc chiêm ngưỡng tác phẩm, qua cách đặt tên tranh của họa sĩ, người xem cũng có thể gợi ra sự hình dung, tưởng tượng phong phú: Bình yên của tôi, Sự tin tưởng, Bay xa, Cuối con đường, Xoa dịu, Một ngày mới đến, Cầu nguyện, Tất cả chỉ mình tôi, Như tôi có thể, Nơi tôi sinh ra và lớn lên, Một ngày xanh…

Với triển lãm lần đầu tiên này, họa sĩ Hoàng Lan mong chờ sự tương tác, góp ý, cảm nhận của mọi người như cách chị đưa ra những món ăn tinh thần và sự đón nhận thuộc về khẩu vị, không có đúng hay sai. “Có những người trăn trở để không giống ai, tôi lại thấy trên con đường dạy học và hội họa, tôi dùng kiến thức để đi một mình - điều mà hồi bé tôi hay sợ. Một mình khiến tôi thấy thoải mái, cân bằng hơn, dù vất vả. Tôi dạy hàng trăm học sinh, vẫn chỉ một mình. Ý thức mình sai hay đúng, giỏi hay chưa, tôi sẽ tự rút kinh nghiệm”, nữ họa sĩ thổ lộ.

Nồng nhiệt mở cánh cửa tâm hồn, "Solo Art Exhibition: Ấn tượng" của họa sĩ Hoàng Lan mang đến cảm xúc riêng biệt. Ở đó, công chúng có thể nhận thấy đến chất liệu Acrylic trên toan là một phương thức giúp nghệ sĩ chuyển tải cảm xúc bảng lảng, chập chờn, dào dạt ùa tới rồi lướt nhanh, như bản chất đời sống này. Dường như, vì lẽ đó mà khi có tâm trạng hoặc cảm xúc ùa về là chị vẽ ngay, vẽ như chớp lấy từng cơ hội hiếm hoi mà quý giá.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hoa-si-hoang-lan-trien-lam-solo-art-exhibition-an-tuong-post787253.html