Họa sĩ bị trộm nhiều tranh nhất thế giới

Tổng số tranh của Picasso bị đánh cắp hơn 1.000 bức, nhiều tác phẩm vẫn chưa được tìm thấy.

Pablo Picasso nổi tiếng với câu nói "Những nghệ sĩ giỏi vay mượn, những nghệ sĩ vĩ đại ăn cắp" ẩn ý về sự trùng hợp giữa các tác phẩm nghệ thuật. Ngoài đời thực, theo Art Loss Register, ông là họa sĩ bị trộm tranh nhiều nhất, theo đúng nghĩa đen với hơn 1.000 bức.

Họa sĩ Pablo Picasso. Ảnh: Dailysabah

Họa sĩ Pablo Picasso. Ảnh: Dailysabah

Khi còn sống, Picasso là người có tiếng tăm và giàu có. Sau khi ông qua đời vào năm 1973, những tác phẩm của ông tiếp tục thu hút khách mua. Các hãng đấu giá thường tổ chức phát trực tiếp phiên bán tranh của danh họa người Tây Ban Nha.

Picasso luôn ở trong danh sách nghệ sĩ có tranh bán được giá nhất thế giới, cùng với Vincent Van Gogh và Andy Warhol. Năm 2022, tác phẩm Femme Nue Coucheé (Người phụ nữ nằm khỏa thân) của ông được chốt giá 67,5 triệu USD. Bức tranh đắt giá nhất của ông, Les Femmes d'Alger (Những người phụ nữ ở Algiers, Phiên bản 0), được bán với giá 179,4 triệu USD vào năm 2015.

Theo The New European, với các mức giá như vậy, không có gì ngạc nhiên khi tranh của Picasso được săn lùng ráo riết, ở cả thị trường hợp pháp và chợ đen.

Những vụ trộm táo tợn

Năm 2021, cảnh sát Hy Lạp thu hồi bức Đầu người phụ nữ (sáng tác năm 1939) của Picasso bị đánh cắp cùng với một bức tranh của Mondrian trong vụ cướp bảo tàng năm 2012.

Năm 2010, 271 bức tranh, bản vẽ và bản in được trao trả cho gia đình Picasso. Pierre Le Guenne - một thợ điện về hưu từng làm cho gia đình họa sĩ, là người tàng trữ kho tranh trên. Tuy nhiên, Le Guenne khẳng định được vợ Picasso tặng với sự đồng ý của danh họa.

Một trong những vụ trộm tranh Picasso táo tợn nhất xảy ra năm 1976 tại Cung điện Giáo hoàng ở Avignon (Pháp). Ba tên trộm có súng đã trói và bịt miệng 3 bảo vệ rồi lấy đi 136 tác phẩm. Chúng để lại 17 bức ở cầu thang và tẩu thoát với 119 tác phẩm.

Báo New York Times cùng năm đưa tin, 125 tác phẩm của Picasso biến mất khỏi một gallery ở Paris.

Những tên trộm ở Avignon đã bị bắt và các bức tranh được thu hồi. Trong số đó có bức Les Demoiselles d'Avignon (Những cô nàng ở Avignon), một trong những bức tranh nổi tiếng nhất mọi thời đại.

Bức 'Le pigeon aux petits pois' (Chim bồ câu và hạt đậu)

Bức 'Le pigeon aux petits pois' (Chim bồ câu và hạt đậu)

Nhưng không phải lúc nào cảnh sát cũng lấy lại được các bức tranh dù kẻ trộm đã bị bắt. Năm 2010, một người đàn ông phá khóa cổng, đập vỡ cửa sổ bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Paris để trộm 5 bức tranh, trong đó có Le pigeon aux petits pois (Chim bồ câu và hạt đậu) của Picasso. Hung thủ khai đã ném tác phẩm ước tính 30 triệu USD vào thùng rác bên ngoài bảo tàng.

Dễ vận chuyển, giá trị cao và chỉ chuyên gia mới có thể thẩm định, các tác phẩm nghệ thuật được bọn tội phạm lựa chọn vào các mục đích bất chính khác. Hemingway's Picasso, một series podcast, từng kể về món đồ gốm sứ được cho là của Picasso dùng để thanh toán tiền mua bán ma túy giữa Pablo Escobar và Steve Kough.

Dù có được Picasso sáng tác hay không, món đồ gốm vẫn có giá trị sưu tập do gắn liền với câu chuyện trên. Trong thế giới ngày càng bấp bênh, một bức tranh của Picasso trở thành tài sản an toàn miễn đó là hàng thật.

Năm 2021, cảnh sát Hy Lạp thu hồi được bức 'Đầu người phụ nữ' của Picasso bị đánh cắp năm 2012. Ảnh: Reuters

Năm 2021, cảnh sát Hy Lạp thu hồi được bức 'Đầu người phụ nữ' của Picasso bị đánh cắp năm 2012. Ảnh: Reuters

Tranh giả nhiều hơn tranh thật

“Có nhiều tranh Picasso giả hơn tranh Picasso thật và có rất nhiều tranh Picasso thật”, Donna Yates, Phó giáo sư Luật hình sự và Tội phạm học tại Đại học Maastricht (Hà Lan), nói với France 24.

Ước tính, Picasso sáng tác trung bình 2 tác phẩm mỗi ngày trong hơn 75 năm. Tốc độ sáng tác và niềm đam mê thử nghiệm của Picasso khiến các chuyên gia nhiều khi không thể biết hết các kỹ thuật, phong cách, chủ đề của danh họa. Do đó, Picasso trở thành mục tiêu lý tưởng cho những kẻ giả mạo.

Không chỉ vậy, trước năm 2012, việc phân biệt tranh thật - giả khá phức tạp do hệ thống xác thực của Pháp phụ thuộc nhiều vào người thừa kế của nghệ sĩ. Pháp luật yêu cầu cần có sự xác thực của hai người thừa kế.

Trong khi đó, khi qua đời ở tuổi 91 tại Pháp, Picasso không để lại di chúc. 7 người thừa kế đã phải mất 6 năm để chia khối tài sản không hề nhỏ của ông: 45.000 tác phẩm bao gồm tranh, tác phẩm điêu khắc, bản in, sách minh họa, bản đồng, thảm trang trí, 150 cuốn phác thảo. Ngoài ra, còn có 2 lâu đài và 3 ngôi nhà khác. Picasso đã sống và làm việc ở khoảng 20 nơi từ năm 1900-1973.

Cuối cùng, con trai của Picasso, Claude, được chỉ định là người xác thực duy nhất những tác phẩm của cha mình. Mỗi năm, Claude nhận được 900 đề nghị xác thực cùng các yêu cầu cấp phép sao chép, bản quyền. Quá trình công nhận tranh chậm chạp bởi khối lượng lớn công việc cộng thêm sự xích mích giữa những người thừa kế, khác biệt quan điểm của các chuyên gia nghệ thuật.

An Yên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hoa-si-bi-trom-nhieu-tranh-nhat-the-gioi-2179155.html