Hòa giải thành công 100% khiếu nại của người tiêu dùng

Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Kiên Giang hoạt động khá thuận lợi. Về kết quả nhiệm kỳ 2018-2023, bà Dương Mộng Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Kiên Giang cho biết:

Hội hiện có 2.040 hội viên cá nhân, 55 hội viên tập thể thuộc 10/15 huyện, thành phố trong tỉnh Kiên Giang có tổ chức hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Một số hội cấp huyện hoạt động tốt như An Biên, Hòn Đất, Vĩnh Thuận…

Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Kiên Giang luôn xem công tác tuyên truyền là hoạt động trọng tâm. Hoạt động này đã cung cấp thông tin mới đến người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin, kịp thời để tự bảo vệ mình và gia đình. Hội phối hợp các ngành có liên quan hưởng ứng ngày quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam 15-3, hưởng ứng tháng hành động vì an toàn thực phẩm (từ ngày 15-4 đến 15-5).

Đồng thời, tổ chức hội nghị tập huấn, hội thảo tại một số huyện, thành phố trong tỉnh với các nội dung liên quan đến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; những quy định về ghi nhãn hàng hóa, thương mại điện tử; phòng, chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hội nhập quốc tế; cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…

Năm 2019, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh được UBND tỉnh Kiên Giang tặng bằng khen tập thể và 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm 2009 đến năm 2019; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tặng giấy khen cho tập thể hội.

Nhiệm kỳ qua, hội phát huy vai trò đại diện và cầu nối giữa người tiêu dùng với các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận khiếu nại, tư vấn và hòa giải thành công 100% khiếu nại của người tiêu dùng.

Hội đã tiếp nhận, tư vấn và hướng dẫn 46 trường hợp khiếu nại của người tiêu dùng. Đồng thời, hội đã gửi công văn đến cơ quan có liên quan đề xuất ý kiến về quản lý các hoạt động quảng cáo không đúng sự thật trên các kênh thông tin đại chúng. Các khiếu nại của người tiêu dùng tập trung vào các vấn đề như bảo hành, đổi trả hàng hóa, hàng hóa có khuyết tật, người tiêu dùng sử dụng sản phẩm bị phản ứng phụ…

Người tiêu dùng mua thịt heo tại chợ Tròn, huyện Kiên Lương (Kiên Giang).

- Cộng tác viên: Bên cạnh những kết quả đạt được, hội còn những khó khăn gì trong hoạt động, thưa bà?

- Bà Dương Mộng Thu: Hoạt động của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Kiên Giang có một số khó khăn. Kinh phí hoạt động từ năm 2018-2021, UBND tỉnh giao cho hội 110 triệu đồng/năm chi cho các hoạt động. Nhưng từ năm 2022 đến nay không có kinh phí, nên hội gặp khó trong hoạt động và hội cũng không có nguồn thu khác.

Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh không thu hội phí và các khoản thu khác như tư vấn, hòa giải các khiếu nại của người tiêu dùng… Dù hội có nhiều hội viên, nhưng do tính chất đặc thù là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng yếu thế trong xã hội nên không thu hội phí. Một số hoạt động hội không được hỗ trợ kinh phí gồm tiếp nhận, tư vấn, tổ chức hòa giải các khiếu nại của người tiêu dùng, hoạt động tuyên truyền, khảo sát thị trường…

Hội đã kết nối hoạt động tư vấn người tiêu dùng với tổng đài tư vấn người tiêu dùng qua số điện thoại 18006838 của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công thương, nhưng đang thiếu người thực hiện; thiếu kinh phí để duy trì một số hoạt động…

- Cộng tác viên: Để khắc phục những khó khăn, hội có những đề xuất, kiến nghị gì đến các sở, ngành liên quan, thưa bà?

- Bà Dương Mộng Thu: Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Kiên Giang đề xuất UBND tỉnh xem xét, thẩm định kế hoạch của hội, giao thực hiện nhiệm vụ gắn với nhiệm vụ Nhà nước và hỗ trợ phần kinh phí hoạt động năm 2024 và những năm tiếp theo cho Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, huyện, thành phố theo khoản 2, Điều 4, Quyết định 1745/QĐ-UBND, ngày 30-7-2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang về việc phân công quản lý nhà nước đối với các tổ chức hội trên địa bàn tỉnh.

Kiến nghị các sở, ngành có liên quan kịp thời cung cấp thông tin cảnh báo đến người tiêu dùng đối với các vi phạm đã được kiểm tra và xử lý; công bố công khai danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành.

Đồng thời đề nghị Sở Công thương tỉnh Kiên Giang đề xuất Sở Tài chính tỉnh Kiên Giang hỗ trợ kinh phí hoạt động năm 2024 và những năm tiếp theo cho hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, quan tâm đến hoạt động tư vấn, tiếp nhận khiếu nại của người tiêu dùng qua tổng đài tư vấn người tiêu dùng 18006838.

- Cộng tác viên: Cảm ơn bà!

TRƯƠNG LAM thực hiện

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/trong-tinh/hoa-giai-thanh-cong-100-khieu-nai-cua-nguoi-tieu-dung-18462.html