Hóa giải nỗi sợ sai: Người 'Truyền lửa' cho tinh thần dám quyết, dám làm

Với những người đã từng có nhiều năm làm việc, tiếp xúc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt - ông không chỉ là người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì đất nước, vì nhân dân mà còn là người luôn cổ vũ, bảo vệ, truyền năng lượng tích cực để mọi người vững tin vào công cuộc đổi mới, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Vậy nên trong bối cảnh hiện nay, rất cần năng lượng tích cực từ những người dám nghĩ, dám làm để 'truyền lửa', xóa đi sự co cụm, sợ sai vốn đang tồn tại ở không ít nơi, ít chỗ.

Cuộc “trả bài” thành công

Một ngày cuối tháng 4/1993, trong khi cả chủ tịch và phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đi vắng, bà Phạm Chi Lan, Tổng thư ký VCCI nhận được điện thoại yêu cầu lên ngay số 4 Nguyễn Cảnh Chân để giải trình một việc với Tổng Bí thư Đỗ Mười tại cuộc họp Bộ Chính trị đang diễn ra. Tới nơi, bà sững sờ vì lần đầu tiên thấy các Ủy viên Bộ Chính trị ngồi đó. Song bà lại nhẹ nhõm ngay khi thấy Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phó Thủ tướng Phan Văn Khải đang mỉm cười nhìn bà.

Ông Võ Văn Kiệt - Người mở đường cho đường dây 500Kv Bắc - Nam. Ảnh: VOV

Kể lại câu chuyện này với Tiền Phong, bà Phạm Chi Lan cho biết, khi đó vấn đề mà Tổng Bí thư Đỗ Mười muốn nghe là liên quan đến bài báo “Trả lại Phòng Thương mại cho doanh nghiệp”. Do đã đọc cách đây ít ngày nên bà giải thích với Tổng Bí thư rằng: Tác giả bài báo nêu vấn đề cũng chỉ có ý muốn thúc đẩy hoạt động của VCCI hướng mạnh hơn vào phục vụ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi đó sẽ là lực lượng đông đảo nhất, quan trọng nhất trong việc tạo việc làm và thu nhập cho người dân, phát triển các sản phẩm xã hội.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng nói: Chúng ta đang chủ trương giải phóng sức dân, khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân để tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Tư nhân tham gia nhiều vào VCCI thì càng tốt, vì VCCI có thể giúp họ, đồng thời góp ý giúp Chính phủ có những chính sách “trúng” hơn để phát triển khu vực này…Sau khi nghe xong một loạt các ý kiến, Tổng Bí thư Đỗ Mười tuyên bố các ý kiến thế là đã rõ và kết thúc cuộc họp.

“Trợ lý Tổng Bí thư đưa tôi ra ngoài phòng họp và chúc mừng tôi đã “trả bài” thành công. Tôi cười, nói rằng may nhờ có hai ông Sáu (Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phó Thủ tướng Phan Văn Khải) “đỡ đòn””, Bà Lan kể lại và cho biết, sau cuộc họp này, trong một số chuyến công tác ở nước ngoài, Tổng Bí thư Đỗ Mười đều cho VCCI đi cùng. Khi đến một số nơi, tiếp xúc, tìm hiểu hoạt động của các doanh nghiệp ở các nước, Tổng Bí thư đều nhắn nhủ VCCI cố gắng hoạt động để các doanh nghiệp trong nước mạnh lên.

Giải thích với Tiền Phong vì sao sự có mặt của hai ông Sáu khiến mình nhẹ nhõm, bà Lan cho biết, trước đó đã từng gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phó Thủ tướng Phan Văn Khải. Cả hai người đều có tư tưởng đổi mới, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân. Câu chuyện này sau đó đã được bà Lan viết và đưa vào cuốn sách: “Võ Văn Kiệt - Trăm năm trong một chữ Dân”, xuất bản vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

Truyền lửa, tạo niềm tin với doanh nghiệp

Trước tình trạng sợ sai, sợ rủi ro, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ hiện nay, bà Phạm Chi Lan cho rằng, những bài học mà ông Võ Văn Kiệt để lại có giá trị rất lớn để chúng ta nhìn vào đó. “Thời đó, ông Võ Văn Kiệt luôn là người truyền lửa, ngọn lửa của tư duy đổi mới, sáng tạo; ngọn lửa của tinh thần học hỏi, lắng nghe; ngọn lửa của tâm tình bao dung, hòa hợp”, bà Lan chia sẻ.

Bà Lan kể, khoảng năm 1992, theo yêu cầu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một cuộc gặp đã được tổ chức tại TPHCM để Thủ tướng tiếp xúc và nghe các doanh nghiệp phản ánh về những vấn đề trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tại đây, bà Lan đã nêu ra những khúc mắc đang tồn tại của một số doanh nghiệp và nói thẳng rằng, nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp còn nằm trên giấy, cả hai luật mới ra đời là Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân đều chưa đáp ứng được mong đợi, chưa gỡ được những rào cản gây trở ngại cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng nêu nhiều dẫn chứng cụ thể, phản ánh những khó khăn, trong đó không ít điều do chính các quy định phức tạp, trói buộc, các thủ tục phiền toái và cung cách làm việc quan liêu gây nên…

Bà Phạm Chi Lan và ông Võ Đại Lược trong cuộc tọa đàm về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Trước tình trạng sợ sai, sợ rủi ro, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ hiện nay, bà Phạm Chi Lan cho rằng, những bài học mà ông Võ Văn Kiệt để lại có giá trị rất lớn để chúng ta nhìn vào đó. “Thời đó, ông Võ Văn Kiệt luôn là người truyền lửa, ngọn lửa của tư duy đổi mới, sáng tạo; ngọn lửa của tinh thần học hỏi, lắng nghe; ngọn lửa của tâm tình bao dung, hòa hợp”. Bà Lan chia sẻ

Phát biểu kết luận, Thủ tướng cảm ơn các doanh nghiệp đã thẳng thắn nêu vấn đề giúp Chính phủ hiểu hơn thực trạng và khó khăn. Thủ tướng cảm thông và hứa sẽ giải quyết sớm nhất những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ có thể làm và bàn với các cơ quan liên quan tháo gỡ dần các khúc mắc. Ông cũng khuyến khích doanh nghiệp gắng làm tốt hơn và tiếp tục phản ánh kịp thời, để giúp Chính phủ, chính quyền các cấp cải thiện hoạt động của mình, phục vụ tốt hơn sự phát triển của doanh nghiệp và của đất nước.

“Khi đó các doanh nghiệp đứng lên vỗ tay rần rần sau khi Thủ tướng nói. Chúng tôi trào lên niềm tin mãnh liệt. Tin vì với một nhà lãnh đạo như thế, nhất định doanh nghiệp Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam sẽ phát triển mau lẹ…, mọi người sẽ chung tay thúc đẩy đổi mới”, bà Lan kể.

Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cũng cho rằng, ông Võ Văn Kiệt có một ưu điểm hết sức quan trọng là rất nhạy cảm với những vấn đề của thực tiễn đặt ra. Khi đã nghe và được thuyết phục rằng phải làm như vậy mới quyết được vấn đề, ông ấy quyết định ngay. Trước tình trạng sợ sai, sợ rủi ro, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ hiện nay, theo ông Lược, cần phải có cách thức để hóa giải theo tinh thần bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới vì lợi chung.

Thành viên Tổ tư vấn và các chuyên gia trong ngày ra mắt cuốn sách “Võ Văn Kiệt - Trăm năm trong một chữ Dân”

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh ở nhiều nơi, nhiều chỗ cán bộ sợ sai, sợ rủi ro, không dám quyết, dám làm dẫn đến công việc bị đình trệ thì tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì đất nước, vì nhân dân của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là bài học lớn để mọi người nhớ đến. Nhớ đến ông để nhớ đến những quyết định đổi mới, nhớ đến những quyết định “xé rào” vì lợi ích của nhân dân. Nhưng hơn hết, nhớ đến ông là nhớ đến những quyết định, nhớ đến tinh thần truyền lửa để rồi dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung - như lời một lãnh đạo đã từng chia sẻ tại Hội nghị công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI: “Nếu sợ trách nhiệm thì ai sẽ làm”.

(Còn nữa)

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hoa-giai-noi-so-sai-nguoi-truyen-lua-cho-tinh-than-dam-quyet-dam-lam-post1527601.tpo