Hóa giải mâu thuẫn để phát huy vai trò chủ thể của nông dân

Phát huy vai trò của nông dân trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là vấn đề rất lớn, đụng chạm cả những vấn đề có chiều sâu lý luận và thực tiễn phong phú, rất cần vai trò Nhà nước trong kiến tạo các cơ chế, chính sách đột phá...

Nhận diện những mâu thuẫn

Có thể khẳng định, đổi mới đất nước bắt đầu khai mở từ nông nghiệp và đã giải phóng tiềm năng, sức mạnh của nông dân. Hội nghị BCH T.Ư lần thứ 7 khóa X (7.2008) đã khẳng định: “Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới”.

Khẳng định trên cho thấy, không ai có thể thay thế được vai trò chủ thể của người nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tính chủ thể phải bao hàm từ địa vị chính trị, vị thế xã hội, vai trò kinh tế, bản sắc văn hóa; không chỉ được ghi nhận về mặt quan điểm, chủ trương, mà phải được thể chế hóa về mặt lập pháp, được thực thi về mặt hành pháp và được bảo vệ về phương diện tư pháp.

Chủ tịch Lại Xuân Môn tiếp xúc cử tri phường 7 (TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) ngày 26.11. Ảnh: C.L

Bảo đảm vai trò chủ thể của người nông dân trên tất cả các chiều cạnh kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… đều cần đến sự tham gia chủ động, tích cực, đầy trách nhiệm của Hội Nông dân và qua đó Hội ND cấu trúc lại vị thế, chức năng của mình để đáp ứng tốt hơn đòi hỏi, nhu cầu của nông dân.

Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN
Lại Xuân Môn

Sau 30 năm đổi mới, 28 năm thực hiện chính sách “khoán 10”, nhiều cơ chế, chính sách đã bất cập trước tình hình mới, không những không cho phép phát huy đầy đủ vai trò chủ thể của nông dân mà còn đẩy nông dân trở thành đối tượng yếu thế, bấp bênh, chịu nhiều thua thiệt.

Giai cấp nông dân đang đối diện với những thách thức nghiệt ngã, nếu không định dạng và nhận thức đầy đủ có nguy cơ đẩy nông dân rơi vào vị thế bất lợi, đánh mất vai trò chủ thể. Có thể nhận diện những mâu thuẫn, nghịch lý sau đây để giải quyết cả trong nhận thức, chính sách và tổ chức thực tiễn nhằm phát huy đầy đủ vai trò chủ thể của nông dân trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Một là, mâu thuẫn giữa tình trạng ruộng đất manh mún, sản xuất nhỏ lẻ của hộ tiểu nông với yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của kinh tế nông nghiệp trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.

Hai là, mâu thuẫn giữa yêu cầu phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn với những nghịch lý của bản thân quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ba là, nghịch lý giữa yêu cầu phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn với những bất cập của những thiết chế xã hội bảo đảm năng lực chủ thể của nông dân.

Bốn là, xây dựng nông thôn mới đang đối diện với nhiều thách thức, nhất là phát huy vốn văn hóa, vốn xã hội, vốn con người của nông dân, những hủ tục lạc hậu ở nông thôn tái sinh dưới nhiều hình thức khác nhau.

Tăng cường năng lực tổ chức đại diện

Hóa giải các mâu thuẫn, nghịch lý nêu trên là phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn. Nói tới vai trò chủ thể của nông dân là nói tới một thành phần xã hội đóng vai trò chủ đạo, có vị trí trung tâm trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Xác định không đúng vai trò chủ thể của nông dân không những không phản ánh đúng bản chất của quan hệ kinh tế – xã hội nông thôn, mà còn gây nên tình trạng loạn chức năng xã hội... Nói tới vai trò chủ thể của nông dân không hẳn nói tới từng cá thể đơn lẻ hay hộ nông dân biệt lập, mà cơ bản hơn là nói tới một giai tầng xã hội, được tổ chức trong đoàn thể của mình, được thực hiện thông qua các hình thức kinh tế hợp tác giữa những người nông dân với nhau, giữa nông dân với các đối tác xã hội như doanh nhân, nhà khoa học...

Phát huy vai trò của nông dân trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là vấn đề rất lớn, đụng chạm cả những vấn đề chiều sâu lý luận và thực tiễn phong phú. Vì vậy, rất cần đến vai trò Nhà nước trong kiến tạo các cơ chế, chính sách đột phá; vai trò của doanh nghiệp trong tạo lập mô hình chuỗi giá trị mà nông dân được tham gia với tư cách là đối tác bình đẳng, có tư cách đàm phán và được hưởng lợi xứng đáng đối với giá trị gia tăng mang lại. Vai trò của nhà khoa học để hiện đại hóa nông nghiệp, mở mang văn hóa cho nông thôn, ứng dụng thành tựu khoa học vào nông nghiệp; vai trò của hợp tác xã trong tạo ra sức mạnh liên kết giữa các hộ gia đình để ứng phó với bất lợi của thị trường; vai trò của các tổ chức xã hội, trực tiếp là Hội ND, làm “bà đỡ” cho nông dân phát triển bền vững, chống chịu tốt hơn với các rủi ro, thách thức, cao hơn là làm chủ chính mình...

Nói đến vai trò chủ thể của nông dân Hội ND là một bộ phận cấu thành, là bộ phận tích cực nhất, năng động nhất, hiện diện trong tư cách chủ thể mà từng cá thể nông dân hay hộ gia đình không thể đảm đương được. Làm được tất cả những vấn đề đó không chỉ cần đến nguồn lực tài chính, nguồn lực tổ chức, nguồn lực trí tuệ, mà sâu xa là cả lương tâm, trách nhiệm, tình cảm với người nông dân...

Tăng thêm quyền cho nông dân

Nhà nước nên để nông dân tham gia vào các quá trình chỉ đạo, ra quyết định, giám sát, điều hành. Ở cấp vĩ mô, các chương trình, hoạt động lớn phải có đại diện nông dân tham gia, như hiện nay là Hội NDVN. Hội NDVN phải tham gia vào việc hoạch định chính sách, chiến lược bao gồm tất cả các hoạt động của Nhà nước có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nông dân phải tham gia vào các hoạt động về sinh kế, quản lý xã hội, môi trường, và dân phải được quyết định.

TS Đặng Kim Sơn – nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn

Đi bằng 2 chân

Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cần xác định rõ nông nghiệp muốn phát triển thành công thì phải đi bằng 2 chân. Thứ nhất, là đưa khoa học công nghệ vào, chú trọng công nghệ hiệu quả cao; hai là tổ chức lại sản xuất. Khâu tổ chức lại sản xuất hiện nay đang nặng về tổ chức lại HTX, trong khi đúng ra phải là tổ chức lại nguồn lực lao động, tổ chức lại việc tích tụ đất đai; tổ chức lại các hình thức sản xuất phù hợp với điều kiện từng vùng và trình độ nông dân từng khu vực…

Ông Hồ Xuân Hùng-Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp-Phát triển nông thôn

Tập trung 4 vấn đề cốt lõi

Nhà nước cần rà soát, làm mới chính sách nông nghiệp thuộc 5 lĩnh vực quan trọng: Đầu tư; KHCN; hạ tầng cơ sở; chống biến đổi khí hậu và hỗ trợ vốn cho nông dân khởi nghiệp. Các chính sách mới cần chuyển từ cho, vì nông dân sang cùng nông dân. Các tổ chức: HTX, hiệp hội ngành hàng, Hội NDVN... cần quyết liệt đổi mới phương thức hoạt động đủ năng lực dẫn dắt nông dân đi từ thắng lợi mùa vụ đến thắng lợi hợp đồng. Điểm cốt lõi của tái cơ cấu nông nghiệp là sản xuất và xuất khẩu được nhiều nông sản vào thị trường có sức mua lớn, giá cao. Do vậy, cần tập trung vào 4 vấn đề cốt lõi đối với nông dân là khoa học công nghệ, liên kết sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm và kỹ năng giao thương…

Ông Hoàng Trọng Thủy - nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn mới

Trần Quang - Đông Hoàng (ghi)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/canh-bao-nong-nghiep/hoa-giai-mau-thuan-de-phat-huy-vai-tro-chu-the-cua-nong-dan-726228.html