Hòa Bình quyết liệt cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng. Trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Qua đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của tỉnh tăng 9 bậc so với năm 2021, xếp thứ 53/63 tỉnh, thành trong cả nước.

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu mỗi năm tăng 3 bậc trên bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đồng thời, xác định, cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một trong những đột phá chiến lược nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025. Tuy nhiên, năm 2021 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, chỉ số PCI của tỉnh rơi xuống vị trí 62/63 tỉnh, thành và thuộc nhóm được đánh giá thấp. Do vậy, việc cải thiện chỉ số PCI là trăn trở của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn.

Toàn cảnh hội nghị Bàn giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023. Ảnh T. Hảo

Theo đó, nhiều giải pháp đồng bộ đã được tỉnh Hòa Bình tập trung chỉ đạo quyết liệt. Cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn. UBND tỉnh đã bổ sung nhiều cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi, bình đẳng cho các thành phần kinh tế phát triển. Nhất là triển khai kịp thời nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: giảm, giãn thuế, ưu tiên giải quyết nợ đọng trong xây dựng cơ bản; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính… nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ xuyên suốt mà các cấp, các ngành nỗ lực triển khai là liên tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, nâng cao mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân.

Những giải pháp trên đã tạo được niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp. Kết quả chỉ số PCI năm 2022 của tỉnh đã được cải thiện 9 bậc so với năm 2021. Đáng chú ý, một vài chỉ số thành phần đã được cải thiện đáng kể về số điểm so với năm 2021, như: chỉ số chi phí không chính thức đạt 6.57 (năm 2021 đạt 5.32); chỉ số chi phí thời gian đạt 6.83 (năm 2021 đạt 6.11); chỉ số cạnh tranh bình đẳng đạt 6.01 (năm 2021 đạt 5.10); chỉ số tính năng động đạt 6.79 (năm 2021 đạt 5.89)… Đây là tín hiệu tốt cho tỉnh cũng như là lời mời hấp dẫn cho các nhà đầu tư quan tâm đến tỉnh Hòa Bình.

Quyết liệt nâng cao năng lực, thái độ phục vụ

Đã có bước chuyển biến tích cực nhưng chỉ số PCI của tỉnh còn ở top cuối; môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự bứt phá, việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; một số quy hoạch còn chồng chéo; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; hạ tầng khu công nghiệp chậm được đầu tư; công tác phối hợp giữa các cơ quan chưa kịp thời... Đó là nhận định chung của UBND tỉnh và các đại biểu tại hội nghị bàn giải pháp nâng cao chỉ số PCI tỉnh Hòa Bình năm 2023 vừa qua.

Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh khẳng định, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng trong đánh giá năng lực của tỉnh, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức đối với cộng đồng doanh nghiệp, người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, các cấp, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trên tất cả lĩnh vực.

Đặc biệt, phải nhanh chóng nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ tại bộ phận một cửa các cấp; các sở, ngành, địa phương chủ động cung cấp thông tin quy hoạch, kế hoạch, triển khai các dự án, giúp cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn với các thông tin chỉ đạo, điều hành và chủ trương, chính sách của tỉnh; tăng cường tổ chức gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Các sở, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện các giải pháp cụ thể, kịp thời chấn chỉnh hành vi nhũng nhiễu; tạo điều kiện thuận lợi, cơ hội cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nắm bắt thời cơ phát triển bền vững.

Năm 2023 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong bối cảnh kinh tế - xã hội đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tiến tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiếp tục đòi hỏi sự bền bỉ và quyết liệt trong tiến trình nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Trong đó, những giải pháp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, bảo đảm môi trường chính sách an toàn cho doanh nghiệp phát triển được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần chỉ đạo mạnh mẽ và tổ chức thực hiện quyết liệt trong thời gian tới.

Trần Tâm - Trọng Hiếu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/hoa-binh-quyet-liet-cai-thien-chi-so-nang-luc-canh-tranh-i343142/