Hòa bình, độc lập: Giá trị vĩnh hằng

Với những người lính đã từng tham gia các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, hòa bình, độc lập là những giá trị mà họ sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân, không tiếc máu xương để gìn giữ và bảo vệ. Bước ra khỏi cuộc chiến tranh, họ càng trân quý những thành quả cách mạng, kỳ vọng thế hệ trẻ sẽ tiếp tục phát huy hào khí dân tộc, ý chí sắt đá của cha ông, gìn giữ cơ đồ đất nước.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn gay go, ác liệt, lớp lớp thanh niên đã không tiếc hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Từ miền Bắc, miền Trung, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi sẵn sàng vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Hành trang mang theo không gì khác ngoài khát khao thống nhất đất nước và niềm tin bỏng cháy về ngày chiến thắng, về khát vọng độc lập, tự do.

TỔ QUỐC LÊN TIẾNG GỌI…

Từ Hà Nội, vượt gần 2.000 cây số, ngày 27-7 năm nay, gia đình ông Nguyễn Ngọc Bảo lần đầu tiên vào ấp Suối Voi, xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương để tận mắt nhìn thấy cái tên thân thương của anh ruột mình, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Chỉ được khắc trang trọng tại nhà bia ghi công 582 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 28 Đặc công, Sư đoàn 7. Anh trai ông hy sinh năm 1971 tại khu vực sân bay Thiện Ngôn, xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, khi chưa tròn 30 tuổi. Người liệt sĩ quê lúa Thái Bình ngã xuống trên mảnh đất Tây Ninh đã hơn nửa thế kỷ, nhưng đến tận hôm nay, thân xác ông vẫn còn ở đâu đó nơi rừng sâu, núi thẳm, trong nỗi khắc khoải, thương nhớ của gia đình…

Các cựu chiến binh Tiểu đoàn 28 Đặc công (Sư đoàn 7) tỉnh Quảng Ninh, cùng người thân liệt sĩ trước bia ghi danh những liệt sĩ quê quán tỉnh Quảng Ninh hy sinh trên chiến trường

Hoài niệm về những ngày tháng đầy bi ai đó, giọng ông Bảo như chùng lại. Ông kể, gia đình có 3 anh em trai, ngoài liệt sĩ Nguyễn Ngọc Chỉ, người anh còn lại là thương binh. Hơn 50 năm kể từ ngày anh trai hy sinh, gia đình vẫn đau đáu khi chưa tìm được hài cốt. Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Chỉ cũng như hàng trăm ngàn liệt sĩ khác “tuổi xuân xanh gửi lại ở chiến trường, mãi mãi nằm vào lòng đất mẹ yêu thương”.

Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những nhân tố bất lợi, nhất là những nhân tố có thể gây đột biến; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch.

Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG, Bí thư Quân ủy Trung ương

Đáp lại lời sông núi, đã có hơn 1 triệu liệt sĩ ngã xuống cho đất nước vươn mình như hôm nay. Hàng triệu thương, bệnh binh vẫn đang mang trong mình thương tật. Đó là sự hy sinh bắt nguồn từ tình yêu Tổ quốc. “Chúng tôi hành quân vào đây là nghe theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ. Lớp thanh niên chúng tôi ra đi không tính đến hy sinh ác liệt mà chỉ biết chiến đấu và kiên quyết giành thắng lợi. Nhiều đồng chí vào Nam chiến đấu phải viết đơn bằng máu mới được đi” - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Chính ủy Trung đoàn 141, nguyên Phó tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 bồi hồi nhớ lại những ngày tháng lớp lớp thanh niên như ông luôn sẵn sàng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Những ngày băng rừng, vượt Trường Sơn, gian khổ không sao kể xiết. Nhưng bao mất mát, hy sinh càng thôi thúc quyết tâm của những người lính trẻ. “Từ khi mình nhập ngũ, chính truyền thống của cha anh đi trước đã hun đúc cho chúng tôi có một quyết tâm vượt muôn vàn khó khăn. Chúng tôi đi bộ từ cầu Hàm Rồng (tỉnh Thanh Hóa) vào miền Đông Nam Bộ mất hết 4 tháng 20 ngày, vượt Trường Sơn chúng tôi đeo trên mình bình quân mỗi người từ 40-45kg. Trung đoàn tôi đi 2.500 người, có 700 đồng chí mất dọc đường do ốm yếu, sốt rét, vào đến nơi chỉ còn được 1.800 người…” - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh không giấu được cảm xúc.

HÒA BÌNH LÀ VÔ GIÁ

Không thể đếm chính xác bao nhiêu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống trong 2 cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc, bảo vệ biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam của Tổ quốc để giành lại độc lập cho đất nước, hòa bình cho dân tộc và tự do cho mỗi người dân. Hàng ngàn gia đình liệt sĩ hôm nay vẫn đang đau đáu mong tìm hài cốt người thân. Hàng ngàn cựu chiến binh vẫn đang trăn trở đi tìm đồng đội, đóng góp một phần tiền của, công sức để chăm lo đời sống các gia đình cựu chiến binh như một cách trả ơn bởi “Chúng tôi xác định nợ các anh một sự tri ân, vì các anh đã nằm xuống cho chúng tôi được sống” mà cựu chiến binh Đặng Phúc Định, chiến sĩ Đại đội Hỏa lực B41, Sư đoàn 7 từng chia sẻ.

Gia đình ông Nguyễn Ngọc Bảo (TP. Hà Nội) yên lòng khi thông tin về anh trai ông là liệt sĩ Nguyễn Ngọc Chỉ được khắc trang trọng tại nhà bia ghi công 582 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 28 Đặc công hy sinh trong giai đoạn 1967-1975

Cựu chiến binh Ngô Thịnh ở phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, từng tham gia trong Tiểu đoàn 28 Đặc công, Sư đoàn 7 chiến đấu trên chiến trường Đông Nam Bộ, sau đó tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Hơn 8 năm chiến đấu (1967-1975), Tiểu đoàn 28 Đặc công đã lập nhiều chiến công, đặc biệt trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, nhưng mất mát cũng rất lớn với 582 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh và phần lớn đến nay chưa tìm thấy hài cốt. Ông Thịnh nghẹn ngào: “Giá của hòa bình không thể nào đo, đếm. Nhưng nếu ai cũng phát huy được tinh thần yêu nước, nghĩa vụ của công dân, Tổ quốc ta sẽ ngày càng phát triển”.

Chung nỗi niềm mất mát, ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng cảm nhận rất rõ giá trị của hòa bình và khẳng định chúng ta phải chấp nhận đánh đổi. “Hòa bình không có giá. Không có cái giá nào có thể đổi được hòa bình. Nếu chúng ta không đứng dậy, không chiến đấu, không hy sinh thì không bao giờ có được hòa bình, độc lập cho dân tộc” - ông Bảo khẳng khái.

CHỦ ĐỘNG BẢO VỆ TỔ QUỐC TỪ SỚM, TỪ XA

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã đưa Việt Nam từ một nước thuộc địa trở thành nước độc lập, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ thành người dân độc lập, tự do, làm chủ nước nhà. Thế hệ sinh từ năm 1975 đến nay chưa thể hình dung được sự khốc liệt mà cha ông đã trải qua để giành lại hòa bình, độc lập, để bình yên lớn lên trong đất nước không tiếng súng. Nhưng với Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, cựu chiến binh Ngô Thịnh và hàng triệu cựu chiến binh khác… dẫu đã hàng chục năm bước ra khỏi cuộc chiến tranh, ký ức về những năm tháng ấy chưa bao giờ phai, hòa bình, độc lập luôn là một giá trị vĩnh hằng, mà thế hệ hôm nay chính là những người tiếp nối, giữ gìn, bảo vệ.

Khi mẹ tôi còn sống, mẹ có dặn chúng tôi cố gắng tìm ra chỗ hy sinh của anh. Nhưng nhiều năm gia đình đi tìm, đến tận miền Tây Nam Bộ vẫn không thấy, đến khi mẹ tôi không chờ được nữa... Gia đình tôi vẫn đau đáu trong lòng và dứt khoát phải tìm được anh. Đã bao nhiêu năm, đến nay chúng tôi tận mắt nhìn thấy đài tưởng niệm, là nơi tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh như anh tôi trên các chiến trường, gặp các đồng đội đã từng chiến đấu với anh, gia đình cũng yên lòng.

Ông NGUYỄN NGỌC BẢO, xã Minh Chí, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh cho biết, ông đặt rất nhiều niềm tin vào thế hệ trẻ. “Tôi rất mong tuổi trẻ không quên công ơn của các bậc tiền bối, nối tiếp truyền thống của ông, cha để xây dựng gia đình, đất nước ta ngày càng giàu mạnh. Các bạn trẻ cần bồi đắp lòng yêu nước, giữ trọn vẹn vùng trời, vùng biển, đất liền, hải đảo của nước ta như ông, cha ta đã từng giữ từ 4.000 năm lịch sử đến nay”.

Nam Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/136491/hoa-binh-doc-lap-gia-tri-vinh-hang