Hòa Bình cần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Hòa Bình cần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, tăng cường phát triển văn hóa đối ngoại; tiếp tục phát huy giá trị 2 di sản văn hóa lớn là Mo Mường và nền văn hóa Hòa Bình để nghiên cứu, lập hồ sơ, đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa thế giới...

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị.

Ngày 17/1, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị triển khai Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình" giai đoạn 2023-2030" (Đề án). Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nghệ nhân dân tham dự Hội nghị.

HƯỚNG TỚI HÌNH THÀNH KHÔNG GIAN BẢO TỒN NỀN "VĂN HÓA HÒA BÌNH"

Ngày 24/11/2023, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình" giai đoạn 2023 - 2030" nhằm nghiên cứu, đánh giá việc bảo tồn, khơi dậy, phát huy tiềm năng giá trị di sản văn hóa, hướng tới hình thành một số không gian văn hóa dân tộc Mường, không gian bảo tồn nền văn hóa Hòa Bình. Qua đó, huy động nguồn lực đầu tư, quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, di sản văn hóa khảo cổ gắn với phát triển du lịch bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Đề án tập trung đầu tư xây dựng một số khu bảo tồn, khu không gian bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Mường, Mo Mường; phục chế giá trị văn hóa vật thể; bảo tồn và phát triển 5 điểm du lịch cộng đồng; phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể dân tộc Mường; tăng cường quảng bá, phát huy nền văn hóa Hòa Bình…

Tại Hội nghị, các ý kiến phát biểu đều cho rằng, Đề án có ý nghĩa quan trọng, nhằm phát huy mạnh mẽ hơn nữa giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc Mường nói riêng và cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung.

Để thực hiện hiệu quả Đề án, các đại biểu đề nghị, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hòa Bình tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, gắn kết chặt chẽ tổng thể các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng; tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa nói chung, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, trong quá trình thực hiện Đề án, địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc phát huy vai trò của chủ thể văn hóa là nhân dân; xây dựng và hoàn thiện cơ chế hợp tác bền vững giữa Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - cộng đồng chủ thể; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, kiểm kê, hoàn thiện cơ sở dữ liệu số; tạo cơ sở bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa truyền thống dân tộc Mường và các dân tộc anh em, trên nền tảng giá trị đặc sắc của nền văn hóa Hòa Bình.

Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng tăng cường các chính sách thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật, gắn với phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian trong sáng tạo và trao truyền các giá trị di sản phù hợp với yêu cầu của thời đại mới; tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn...

Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị.

PHÁT HUY CAO ĐỘ GIÁ TRỊ VĂN HÓA DÂN TỘC MƯỜNG VÀ NỀN "VĂN HÓA HÒA BÌNH"

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chúc mừng và biểu dương những cố gắng, nỗ lực phấn đấu và những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã đạt được trong thời gian qua, nhất là trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hòa Bình.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Hội nghị triển khai Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình" giai đoạn 2023-2030" là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, khẳng định quyết tâm chính trị và tinh thần hành động của lãnh đạo tỉnh trong tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII và phát biểu chỉ đạo rất quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, là tỉnh miền núi cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội và vùng Tây Bắc của Tổ quốc, Hòa Bình có vị trí chiến lược quan trọng, sở hữu cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng. Hòa Bình còn được mệnh danh là "miền đất sử thi”, nơi có đông đồng bào dân tộc Mường cư trú và sinh sống, là cái nôi của nền "Văn hóa Hòa Bình” nổi danh trong lịch sử dân tộc ta.

"Hòa cùng dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc ta, đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã sắt son một lòng, phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn, đoàn kết gắn bó keo sơn, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp", đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Theo đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, trong lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hòa Bình, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai những cách làm sáng tạo, hiệu quả. Hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú và hết sức quý báu của các dân tộc đã được quan tâm đầu tư bảo tồn, phát huy tương đối hiệu quả, làm cho giá trị các di sản văn hóa thấm sâu, lan tỏa rộng rãi trong đời sống xã hội. Mối quan hệ giữa bảo tồn, bảo vệ và khai thác, phát huy di sản văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được xử lý tương đối hài hòa. Đây là cơ sở, tiền đề rất quan trọng để tỉnh Hòa Bình tiếp tục phát huy thành tựu, kinh nghiệm, tập trung khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập trong công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Hòa Bình trong giai đoạn mới.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Để thực hiện hiệu quả Đề án, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh Hòa Bình và Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm văn hóa của Đảng; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, gắn kết chặt chẽ nội dung Đề án với tổng thể các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hòa Bình. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng; về vị trí, vai trò của nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững tỉnh Hòa Bình là điều kiện tiên quyết để thực hiện tốt các mục tiêu của Đề án. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền sâu rộng, sáng tạo, hiệu quả nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021, gắn với các nội dung của Đề án. Xác định rõ, xây dựng, phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” đảm bảo cân đối, hài hòa trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc anh em; để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, góp phần xây dựng và củng cố vững chắc thế trận lòng dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai, trong quá trình triển khai Đề án và thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hòa Bình, chú trọng xử lý hài hòa hơn nữa mối quan hệ giữa gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Thực tiễn đã chứng minh, mỗi di sản văn hóa là báu vật vô giá mà cha ông ta để lại, có vai trò rất quan trọng nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; trực tiếp góp phần xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Di sản văn hóa, truyền thống văn hóa là động lực nội sinh quan trọng, thúc đẩy con người phát triển toàn diện. Vì vậy, cần tập trung làm tốt hơn nữa công tác giáo dục di sản văn hóa trong các nhà trường; khẳng định vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách căn cơ và bền vững.

Quang cảnh Hội nghị.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa nói chung, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng trên địa bàn tỉnh. Quán triệt sâu sắc quan điểm: bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng. Trong quá trình thực hiện Đề án, quan tâm hơn nữa đến việc phát huy vai trò của chủ thể văn hóa là nhân dân trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế hợp tác bền vững giữa nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - cộng đồng chủ thể. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, kiểm kê, hoàn thiện cơ sở dữ liệu số; tạo cơ sở bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa truyền thống dân tộc Mường và các dân tộc anh em, trên nền tảng giá trị đặc sắc của nền "Văn hóa Hòa Bình”. Thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật, gắn với phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian trong sáng tạo và trao truyền các giá trị di sản, phù hợp với yêu cầu của thời đại mới.

Thứ tư, tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Việc bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho các nội dung Đề án là nỗ lực, cố gắng lớn của tỉnh. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, một mặt phải quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước; đồng thời, không ngừng bổ sung cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực xã hội tham gia bảo tồn và phát huy hiệu quả các di sản văn hóa. Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế là "cửa ngõ” của Thủ đô Hà Nội, tỉnh có kế hoạch liên kết, hợp tác chặt chẽ với các trung tâm nghiên cứu và đào tạo văn hóa lớn, tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa trong môi trường hội nhập quốc tế; trong đó ưu tiên phát triển nguồn nhân lực đảm đương nhiệm vụ phát huy mạnh mẽ giá trị tốt đẹp cốt lõi của văn hóa Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm.

Một tiết mục trong chương trình văn nghệ chào mừng Hội nghị.

Thứ năm, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, tăng cường phát triển văn hóa đối ngoại. Tỉnh tiếp tục phát huy giá trị 2 di sản văn hóa lớn là Mo Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” để nghiên cứu, lập hồ sơ, đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa thế giới; tăng cường kết nối vùng, liên vùng và với các quốc gia, tổ chức quốc tế để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của Hòa Bình; đồng thời thu hút nguồn lực và kinh nghiệm quốc tế trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn./.

HOÀNG MINH

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/hoa-binh-can-chu-dong-tich-cuc-hoi-nhap-quoc-te-ve-van-hoa-152635