Hỗ trợ xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp

Thực hiện Nghị định số 68 của Chính phủ về quản lý, phát triển Cụm công nghiệp (CCN), đến nay, tỉnh đã thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng hạ tầng 16 CCN, đạt 61,5% tổng diện tích quy hoạch CCN đến năm 2030. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, vừa qua, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 24 về quy chế quản lý CCN trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở hành lang pháp lý thông suốt, cơ chế chính sách cụ thể, công tác quy hoạch, phát triển CCN được triển khai kịp thời sẽ góp phần giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu dân cư và thúc đẩy công nghiệp phát triển.

Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Vit Garment chuyên gia công hàng may mặc, tạo việc làm cho hơn 300 lao động với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.Ảnh: Nguyễn Lượng

Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Vit Garment chuyên gia công hàng may mặc, tạo việc làm cho hơn 300 lao động với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.Ảnh: Nguyễn Lượng

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 68 về phát triển CCN, năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 07, quy định trách nhiệm cụ thể đối với các sở, ngành, địa phương trong vấn đề quy hoạch, phát triển CCN.

Để khuyến khích phát triển CCN, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07 hỗ trợ chủ đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng CCN; trong đó quy định rõ, hỗ trợ 100% chi phí lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thẩm định, báo cáo đánh giá tác động môi trường CCN; hỗ trợ 700 triệu đồng/ha vốn thực hiện bồi thường GPMB (không quá 20 tỷ đồng/ CCN); hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng hệ thống điện phục vụ CCN theo quy định.

Sau gần 4 năm triển khai các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển CCN, đã có 2 CCN là CCN Đồng Sóc và CCN làng nghề Minh Phương được tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng với tổng số tiền hơn 40 tỷ đồng.

Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng hạ tầng 16 CCN với tổng diện tích 424 ha, đạt 61,5% tổng diện tích quy hoạch CCN đến năm 2030 của tỉnh; đến nay đã có 5 CCN cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Các CCN được thành lập đã thu hút hơn 500 cơ sở SXKD, trong đó có 17 dự án FDI, 86 dự án DDI, đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình 40%, giải quyết việc làm cho gần 6.000 lao động.

Là doanh nghiệp (DN) đầu tiên đầu tư tại CCN Đồng Thịnh (Sông Lô), Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Vit Garment chuyên gia công hàng may mặc chất lượng cao hiện đang tạo việc làm cho hơn 300 lao động với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lê Văn Đạt, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết: “Năm 2016, sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy, công ty bắt đầu xây dựng hạ tầng trên diện tích 2,2 ha tại CCN Đồng Thịnh.

Thời điểm ấy, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng CCN chưa được triển khai, công ty phải tự bỏ chi phí GPMB, san nền, xây tường rào, nhà xưởng với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng.

Sau khi HĐND, UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN, công ty đã ấp ủ kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất thêm 1,7 ha, dự kiến xây dựng thêm 2 phân xưởng, tạo thêm việc làm cho gần 1.000 lao động.

Hiện nay, công ty đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sớm chấp thuận chủ trương để công ty mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần phát triển KT – XH địa phương”.

Được biết năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19, Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Vit Garment vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định, đạt doanh thu hơn 150 tỷ đồng.

Theo Sở Công thương, toàn tỉnh đang có 7 CCN đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, với tổng diện tích đã thực hiện GPMB đối với các CCN đã thành lập và giao chủ đầu tư mới đạt 184 ha (43% tổng diện tích quy hoạch).

Hiện nay, việc triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng CCN gặp khó khăn trong công tác GPMB, diện tích quy hoạch xây dựng CCN hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của DN, hộ SXKD. Mặt khác, do công tác quy hoạch phát triển CCN còn manh mún, dẫn đến việc thu hút đầu tư hạ tầng CCN chưa đạt chỉ tiêu đề ra, một số CCN đã xây dựng chưa đảm bảo được hệ thống xử lý nước thải theo quy định do kinh phí đầu tư lớn.

Để khuyến khích chủ đầu tư, DN đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 24, bổ sung, hoàn thiện cho Quyết định số 07 về quy chế quản lý CCN trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh quy định cụ thể về đối tượng được hưởng hỗ trợ, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư, mức hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN theo quy định. UBND tỉnh giao Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng cơ chế quản lý, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN phù hợp với nhu cầu thực tế.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn liên quan đến công tác quy hoạch, GPMB, xây dựng và thẩm định các hạng mục xử lý chất thải trong quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN; nâng cao hiệu quả quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích trong các CCN.

Đồng thời, hỗ trợ chuyển giao, giám định công nghệ, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện cho DN, hộ kinh doanh cá thể yên tâm SXKD, góp phần tạo thêm việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, thúc đẩy công nghiệp phát triển.

Hoàng Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/82955/ho-tro-xay-dung-ha-tang-cum-cong-nghiep.html