Hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ đồng cần tránh trùng lắp đối tượng

Để hiểu rõ hơn về các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoàng Điện - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xung quanh vấn đề này.

PPhóng viên: Xin ông cho biết cụ thể về các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP Chính phủ?

Ông Lê Hoàng Điện: Các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gồm có: Hỗ trợ người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong doanh nghiệp phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; mức hưởng hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng, hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương được tính từ ngày 1-4-2020 và không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6-2020. Thời gian hỗ trợ tính theo tháng (đủ 30 ngày). Trường hợp có ngày lẻ được làm tròn theo nguyên tắc: thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng, dưới 15 ngày thì không tính.

Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động. Đối tượng hỗ trợ là người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước 50% lương ngừng việc cho người lao động được vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội để trả phần lương còn lại cho người lao động theo Khoản 3, Điều 98 Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1-4 đến hết ngày 30-6-2020. Lãi suất vay vốn 0%/năm; lãi suất nợ quá hạn là 12%/năm. Người sử dụng lao động vay vốn không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.

Ông Lê Hoàng Điện - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ông Lê Hoàng Điện - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Hỗ trợ cho hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm dừng kinh doanh từ ngày 1-4-2020. Mức hỗ trợ: 1 triệu đồng/hộ/tháng. Thời gian hỗ trợ là thời gian tạm ngừng kinh doanh thực tế, nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6-2020.

Hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm. Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ hàng tháng; tối thiểu 1 tháng và tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6-2020.

Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ là 3 tháng, kể từ tháng 4-2020 đến tháng 6-2020.

Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, mức hưởng trợ cấp là 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6-2020. Còn đối với người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo trong danh sách hộ nghèo đã được phê duyệt qua rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đến ngày 31-12-2019 của địa phương, mức hỗ trợ là 250.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ là 3 tháng, từ tháng 4-2020 đến tháng 6-2020.

Phóng viên: Công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội như thế nào. Thời gian dự kiến triển khai ra sao, thưa ông?

Ông Lê Hoàng Điện: Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương tham mưu, dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, lấy ý kiến các sở, ngành trước khi hoàn chỉnh trình UBND tỉnh ban hành. Đồng thời, có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát, lập danh sách các đối tượng cần hỗ trợ.

Phóng viên: Xin ông cho biết kết quả rà soát các đối tượng của các huyện, thị xã, thành phố đến thời điểm này và đối tượng bán vé số dạo đã nhận tiền hỗ trợ từ chính sách an sinh xã hội có được nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ nữa không?

Ông Lê Hoàng Điện: Đến thời điểm này, các huyện, thị xã, thành phố đang chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức rà soát, lập danh sách các đối tượng. Qua đó, cơ bản hoàn thành các nội dung được giao. Nhiều người dân muốn biết đối tượng bán vé số dạo đã nhận tiền hỗ trợ từ chính sách an sinh xã hội có được nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ nữa không. Theo quy định tại Khoản c, Mục 1, Điều 7 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ thì đối tượng bán lẻ xổ số lưu động được nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ.

Tuy nhiên, lưu ý đối tượng bán lẻ xổ số lưu động được nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ phải thỏa với điều kiện: Không thuộc hộ nghèo, cận nghèo; không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội; không thuộc người có công với cách mạng. Trường hợp người bán vé số thuộc trong các nhóm đối tượng nêu trên thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất. Do vậy, trong quá trình rà soát, lập danh sách, các địa phương cần lưu ý tránh trường hợp trùng lắp đối tượng.

Phóng viên: Thưa ông làm thế nào để xác định đối tượng lao động tự do trong diện thụ hưởng?

Ông Lê Hoàng Điện: Theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ: Đối tượng được xác định là lao động tự do khi làm một trong các công việc như: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe môtô 2 bánh chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.

Để xác định đối tượng này, UBND cấp xã tổ chức rà soát, tổng hợp danh sách đối tượng đủ điều kiện hưởng hỗ trợ với sự tham gia giám sát của đại diện các tổ chức chính trị - xã hội và công khai với cộng đồng dân cư, niêm yết công khai danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ trong 2 ngày làm việc.

Trường hợp người lao động thường trú và tạm trú không trong phạm vi một tỉnh, thành phố trước ngày 1-4-2020, nếu đề nghị hưởng hỗ trợ tại nơi thường trú thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi tạm trú về việc không đề nghị hưởng các chính sách theo quyết định này và ngược lại.
Lưu ý: nếu đối tượng lao động tự do mà thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất.

Phóng viên: Công tác thực hiện ở cơ sở sẽ được tổ chức như thế nào để tránh việc bị chậm trễ, thưa ông?

Ông Lê Hoàng Điện: Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, các địa phương xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn chủ động tổ chức rà soát, lập danh sách đối tượng, đảm bảo thực hiện đúng theo thời gian quy định.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Chí Bảo (Thực hiện)

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/xa-hoi/ho-tro-tu-goi-62-000-ti-dong-can-tranh-trung-lap-doi-tuong-36954.html