Hỗ trợ tìm việc qua ứng dụng công nghệ

Công tác truyền thông, định hướng việc làm cho sinh viên theo cách làm truyền thống hiện nay được các nhà chuyên môn đánh giá là chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của hơn 700.000 doanh nghiệp tại Việt Nam.

Vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung trong định hướng việc làm cho hơn 1,8 triệu sinh viên đang có nhu cầu tìm việc là vô cùng cần thiết.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Nguyễn Thị Nhung phải vất vả tìm việc ở nhiều nơi. Nhung tâm sự: “Mình đã lên mạng gửi hồ sơ ứng tuyển tại nhiều trang tìm việc làm, tham gia nhiều ngày hội việc làm nhưng vẫn chưa tìm được công việc như ý”.

Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim tuyển dụng nhân sự tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên.

Cũng như Nhung, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học thường tìm việc làm chủ yếu thông qua ngày hội việc làm, các sàn giao dịch việc làm, trung tâm dịch vụ việc làm, trung tâm hỗ trợ sinh viên...; các mạng thông tin việc làm như vietnamworks, linkedin; thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp đăng trên website, internet, báo đài... Nhìn thoáng qua có vẻ những nguồn cung cấp việc làm hiện nay khá phong phú. Thạc sĩ Nguyễn Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghệ giáo dục đánh giá, các nguồn cung cấp việc làm hiện nay khá phong phú nhưng còn đơn lẻ, thiếu tính liên kết khiến thị trường lao động chậm trong việc cung ứng việc làm cho sinh viên. Mặt khác, học sinh, sinh viên không được định hướng việc làm trước khi ra trường khiến khả năng thích nghi với thị trường lao động hiện nay còn thấp. Bên cạnh đó, sinh viên dẫu tốt nghiệp nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng vì còn thiếu kỹ năng lao động dẫn đến tình trạng phải làm trái ngành, trái nghề. Các doanh nghiệp khi tuyển dụng vẫn phải tốn thêm chi phí đào tạo lại nhân lực để bảo đảm hiệu quả công việc…

Đại diện Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) chia sẻ, nhờ lợi thế nhanh, mạnh và rộng rãi toàn cầu của internet hiện nay, sinh viên hoàn toàn có thể dễ dàng chủ động tìm kiếm thông tin, tài liệu về ngành học và công việc trong thời đại công nghiệp 4.0. Nhưng để có được kinh nghiệm và tìm được đúng địa chỉ, phát huy hết khả năng của mình là rất khó. Do vậy, các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo phải gắn kết với nhau, thực hiện "ba cùng" là cùng tuyển sinh, cùng đào tạo, cùng giải quyết việc làm sau đào tạo để tận dụng được cơ sở vật chất, giáo viên, hệ thống kỹ thuật. Khi thống nhất được cơ sở dữ liệu nhân lực, chúng ta sẽ có lý lịch “sống” về quá trình phát triển, vận động của một nhân sự. Từ đó, doanh nghiệp hoàn toàn có thể kiểm tra được thông tin nhân sự từ khi bắt đầu, từng thực tập ở đâu, kết quả thực tập như thế nào, doanh nghiệp đánh giá ra sao. Qua đó giúp tiết kiệm thời gian, công sức đào tạo của doanh nghiệp, bảo đảm tính minh bạch về hồ sơ nhân sự. Nhưng để được như vậy, trước tiên, sinh viên phải nhận thức rõ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến họ thế nào; từ đó, mỗi sinh viên cần phải chủ động, tận dụng được cơ hội đào tạo đang có, ví như chính sách hỗ trợ học nghề của doanh nghiệp. Đồng thời nhận biết khả năng của mình, trình độ thế nào để tự nâng cao tay nghề, có định hướng đào tạo, phấn đấu; tránh rơi vào vòng luẩn quẩn hiện tại mà nhiều người lao động Việt Nam đang phải đối mặt, như: Trình độ thấp, lao động phổ thông, không được đào tạo, công việc giản đơn, thu nhập thấp, đời sống khó khăn, dễ bị mất việc.

Tuy nhiên, việc thống nhất cơ sở dữ liệu nhân lực hiện nay vẫn là lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam nên quá trình duy trì tính cập nhật của dữ liệu; xử lý, phân tích, sử dụng dữ liệu còn nhiều hạn chế. Để triển khai đồng bộ cơ sở dữ liệu này, bà Nguyễn Hồng Anh cho rằng, cần cập nhật đồng bộ thông tin từ quá trình sinh viên học ở nhà trường đến khi đi thực tập và tìm được việc làm; nối liền mạch thông tin từ hệ thống các trường học, cơ quan, bộ, ngành, doanh nghiệp để rút ngắn khoảng cách giữa nhân sự và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà nước cần xây dựng thể chế, chính sách hỗ trợ nhà trường, doanh nghiệp, tổ chức,… về thuế; có định hướng, ưu đãi khi tham gia vào nền tảng dữ liệu chung; tăng cường lợi ích của những người tham gia trực tiếp để họ có thể tham gia cùng doanh nghiệp hoặc cá nhân trong tuyển dụng. Nhà trường cũng chủ động cập nhật thông tin vào hệ thống đó để thể hiện năng lực của mình qua kết quả đào tạo sinh viên khi ra trường tìm được việc làm phù hợp với doanh nghiệp tuyển dụng.

Bài và ảnh: THÙY DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ho-tro-tim-viec-qua-ung-dung-cong-nghe-611355