Hỗ trợ sản phẩm công nghiệp chủ lực phát huy thế mạnh

5 năm qua, thành phố Hà Nội đã công nhận 196 sản phẩm của 132 doanh nghiệp là sản phẩm công nghiệp chủ lực. Trước tình hình kinh tế nhiều khó khăn, thành phố đang tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ để sản phẩm công nghiệp chủ lực phát huy thế mạnh của mình.

Những sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố Hà Nội được quảng bá, giới thiệu tới nhiều khách hàng, doanh nghiệp.

196 sản phẩm công nghiệp chủ lực được thành phố Hà Nội công nhận thời gian qua là những sản phẩm nổi bật trong từng nhóm ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo; điện, điện tử; công nghệ thông tin; dệt may, da giày; công nghiệp hóa chất... Doanh thu của các sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn mỗi năm đạt hơn 200 nghìn tỷ đồng.

Các doanh nghiệp “sở hữu” những sản phẩm chủ lực này là những tên tuổi đi đầu trong lĩnh vực công nghiệp của Thủ đô. Trong số 132 doanh nghiệp có 22 doanh nghiệp có doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, 12 doanh nghiệp nằm trong tốp 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, 10 doanh nghiệp có thương hiệu toàn cầu. Đơn cử, một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Sơn Hà, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông... có doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm.

Thậm chí, có những doanh nghiệp đạt doanh thu tới hơn 4.000 tỷ đồng/năm như: Công ty cổ phần Vicostone, Tổng công ty May 10, Tập đoàn SunHouse... Mỗi năm, các doanh nghiệp này đã đóng góp vào ngân sách Thủ đô hàng nghìn tỷ đồng.

Tuy vậy, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực nói riêng và ngành công nghiệp trên địa bàn nói chung từ đầu năm 2023 đến nay gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thị trường thương mại toàn cầu suy giảm, xuất khẩu cũng giảm sút, sức tiêu thụ tại thị trường trong nước chậm, chi phí đầu vào tăng cao tạo áp lực lên sản xuất.

Tính chung 9 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022. Một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ như sản xuất máy móc, thiết bị giảm 26,2%; sản xuất da và các sản phẩm từ da giảm 5,4%; công nghiệp dệt giảm 4,8%...

Trước tình hình khó khăn này, thành phố Hà Nội đang triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực nói riêng. Mới đây, Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức Hội chợ sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2023.

Hội chợ có hơn 200 gian hàng của các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực của thành phố, các doanh nghiệp FDI trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài..., trưng bày, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, có thế mạnh về xuất khẩu hoặc thay thế hàng nhập khẩu...

Ông Nguyễn Văn Thế, Trưởng phòng Kinh doanh xe máy điện khu vực miền bắc, Công ty Xe máy điện (Tập đoàn Sơn Hà) cho biết, năm nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn do tình hình kinh tế suy giảm mạnh, nhu cầu tiêu dùng thấp. Nhờ được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực, doanh nghiệp đã nhận được nhiều sự hỗ trợ như ưu tiên tham gia các hội chợ, chương trình quảng bá, hỗ trợ chi phí gian hàng, vị trí trưng bày nổi bật...

Qua đó, giúp tiếp cận đông đảo khách hàng hơn. Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội (HAMI) Nguyễn Xuân Phú đánh giá, tham gia hội chợ, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội trở thành bạn hàng của nhau, chia sẻ kinh nghiệm thương trường, quản lý, quản trị doanh nghiệp...

Bên cạnh hoạt động hội chợ, Sở Công thương Hà Nội phối hợp các đơn vị tổ chức Hội nghị kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực và doanh nghiệp công nghiệp với chủ đầu tư các cụm công nghiệp. Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công thương Hà Nội) Ngô Quốc Ca cho biết, trong kế hoạch phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, thành phố đã yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai, đôn đốc tiến độ thành lập xây dựng mới và hoàn thiện đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn để phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư thành lập mới cụm công nghiệp để đến năm 2025, trên địa bàn có 159 cụm công nghiệp theo quy hoạch. Sở Công thương đang chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức thẩm định thành lập mới đối với 21 cụm công nghiệp; đôn đốc chủ đầu tư tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để tổ chức khởi công các dự án đã được phê duyệt thành lập.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ho-tro-san-pham-cong-nghiep-chu-luc-phat-huy-the-manh-post779047.html