Hỗ trợ phim nghệ thuật cách nào?

Trong cơn tranh cãi ồn ào trên mạng xã hội cũng như trên các kênh truyền thông chính thống, 'Đất rừng phương Nam' vẫn ra rạp gần như kín các suất chiếu. Ví dụ như ở Rạp Cinestar Hai Bà Trưng, TP Hồ Chí Minh chẳng hạn, số suất chiếu của 'Đất rừng phương Nam' trong ngày 19/10 lên tới con số 19. Ở những rạp lớn hơn, nhiều phòng chiếu hơn, con số này còn ấn tượng hơn nhiều.

Trong khi đó, lặng lẽ hơn là "Thành phố ngủ gật", một phim nghệ thuật nhận được khá nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên môn, chỉ khiêm tốn với đúng 3 suất chiếu cùng ngày, cùng rạp. Khung giờ của "Thành phố ngủ gật" cũng không thuộc diện lý tưởng, thường rơi vào buổi trưa. Và với tình hình như vậy, khả năng "Thành phố ngủ gật" sẽ rút lui khỏi rạp chỉ sau chục ngày ra mắt là chuyện dễ đoán.

"Thành phố ngủ gật" không phải là ngoại lệ. Từ xưa tới nay, quá nhiều phim thuộc dòng phim nghệ thuật luôn có khung giờ và suất chiếu bất tiện, khiêm tốn như vậy. Và từ đó dẫn tới một kết quả nghiễm nhiên: phim nghệ thuật có doanh thu cực ít, đã ra rạp là xác định lỗ.

Lý giải cho hiện tượng này, nhiều người cùng chung một quan điểm. Đó là phim nghệ thuật kén khán giả nên do đó, các chủ rạp không dành cho nó sự ưu ái. Thay vào đó, họ dồn toàn lực để phát hành những phim thương mại, ăn khách.

Trước tới nay cũng từng có vài lần các nhà sản xuất, đạo diễn lên tiếng trách móc các chủ rạp. Nhưng xem ra, lỗi thực tế không nằm ở chủ rạp.

Suy cho cùng, chủ rạp cũng chỉ là người kinh doanh. Họ thuê mặt bằng xây dựng hệ thống rạp, đầu tư trang thiết bị đắt tiền và sức ép doanh thu luôn luôn rất lớn. Như mọi thương nhân khác, chắc chắn chủ rạp sẽ phải cân nhắc giữa phim ăn khách và phim kén khách. Họ không thể nào chỉ vì tình yêu nghệ thuật mà chấp nhận thua lỗ. Điều đó là trái với mọi quy luật kinh doanh. Việc họ để dành suất cho các phim nghệ thuật được ra rạp nên được tưởng thưởng nhiều hơn là trách móc. Cơ bản, dù ít, họ cũng vẫn mở ra một hi vọng rất mong manh cho những nhà làm phim theo đuổi con đường nghệ thuật.

Vậy thì trước tình trạng này, phải làm thế nào để thúc đẩy phim nghệ thuật phát triển? Sau thành công của phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", nhiều người từng nghĩ hướng đi nhà nước đặt hàng các hãng phim tư nhân là giải pháp cho phim nghệ thuật. Song, trước một thị trường điện ảnh được đánh giá là khách hàng mục tiêu dưới 25 tuổi, thích giải trí hơn là nghệ thuật, các nhà sản xuất tư nhân cũng không mặn mà cho lắm với phim đặt hàng trừ phi số ngân sách được cấp là rất khủng.

Có lẽ, hướng hỗ trợ đối với dòng phim nghệ thuật nên là chính sách thuế thì phù hợp hơn. Nếu các suất chiếu phim nghệ thuật đều được ưu đãi miễn thuế, chắc chắn các chủ rạp sẽ nới tay hơn cho dòng phim này. Thêm vào đó, các hoạt động quảng bá, các hoạt động tạo doanh thu khác cho phim nghệ thuật cũng được hỗ trợ bằng các chính sách cụ thể tương tự như chính sách thuế, đất sống cho phim nghệ thuật sẽ mở rộng hơn. Thậm chí, một khi đã có ưu đãi về thuế, hoàn toàn cơ quan quản lý có thể có quy định về số suất chiếu và khung giờ chiếu cho các phim nghệ thuật như một nghĩa vụ bắt buộc với các rạp.

Tất nhiên, lúc ấy cũng sẽ phát sinh vấn đề. Định nghĩa thế nào là phim nghệ thuật sẽ là câu hỏi rất khó trả lời bởi sẽ có không ít phim mang tính giải trí cố chen chân được xếp suất ưu đãi như nghệ thuật. Ở vấn đề này, chúng ta vẫn phải quay lại với câu hỏi về con người thẩm định, cả ở năng lực chuyên môn, uy tín lẫn thái độ công chính.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/ho-tro-phim-nghe-thuat-cach-nao--i711598/