Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Còn nặng hình thức

Các doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ nhưng chưa nhiều, hiệu quả của sự hỗ trợ chưa cao, nhiều cơ quan Nhà nước chưa mặn mà hỗ trợ cho doanh nghiệp... Đó là ý kiến của nhiều doanh nghiệp hiện nay đối với công tác hỗ trợ pháp lý của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Sản xuất mây tre đan tại Công ty TNHH Đức Phong (Nghi Lộc).

Sản xuất mây tre đan tại Công ty TNHH Đức Phong (Nghi Lộc).

Doanh nghiệp thiếu hiểu biết về pháp lý

Là một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các sản phẩm mây tre đan ra nước ngoài, tuy nhiên, Công ty TNHH Đức Phong chưa nắm được đầy đủ quy định của các nước khi xuất khẩu hàng hóa. Chính vì điều đó, hầu hết hàng hóa của công ty đều được nhập cho một đơn vị thứ 3 trước khi xuất ra nước ngoài. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN).

Ông Thái Đại Phong - Giám đốc công ty cho biết: Hiện nay, hiểu biết pháp luật, đặc biệt là hệ thống pháp luật của các nước đối với cán bộ trong công ty còn rất hạn chế. Khi mình làm việc với họ nhưng có một số vấn đề liên quan đến luật thì phải nhờ một bên thứ 3 để giải thích hoặc hỗ trợ nên ảnh hưởng đến quá trình giao dịch. Vì thế, không ít giao dịch phải trao đổi nhiều lần, thời gian kéo dài.

Không chỉ Công ty TNHH Đức Phong mà nhận thức về pháp lý của hầu hết DN trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế. Trong thực tế, các DN đều tự mày mò tiếp cận với các quy định của pháp luật. Do tự tiếp cận nên dẫn đến việc chưa đầy đủ, đồng bộ hoặc không hiểu đúng bản chất của văn bản pháp luật.

Ông Phan Thanh Miễn – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp đều chưa được đào tạo căn bản, đầy đủ. Nhiều người có tiền là mở DN hoặc thấy người khác làm có lãi là làm theo. Do hiểu biết pháp lý còn hạn chế, do thiếu vốn, không hoạch định được chiến lược kinh doanh rõ ràng nên không ít DN giải thể, bể nợ, vướng vào kiện tụng.

Với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung vào công tác hỗ trợ pháp lý cho DN. Ngày 24/8/2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4172/QĐ-UBND phê duyệt đề án “Tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ 2009 - 2015”. Trong 5 năm thực hiện đề án, UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức xây dựng, duy trì, cập nhật đầy đủ, kịp thời các văn bản QPPL do Trung ương và địa phương ban hành, đăng tải trên trang thông tin điện tử của UBND tỉnh và của các ngành. Tăng cường các hình thức hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp như cung cấp văn bản QPPL miễn phí, hỏi đáp pháp luật, tổ chức các hội nghị đối thoại với các DN.

Trong 5 năm, các cơ quan đã biên soạn và in phát hành hơn 8.000 cuốn cẩm nang pháp luật, phát hành 6 số tập san chuyên đề với số lượng gần 12.000 cuốn. Sở Tư pháp đã tổ chức 18 cuộc hội nghị tập huấn các văn bản pháp luật mới có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; chủ trì cùng các ngành tổ chức thành công 3 cuộc thi Doanh nghiệp với pháp luật, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tìm hiểu pháp luật và tuyên truyền rộng rãi các văn bản pháp luật có liên quan đến các doanh nghiệp.

Ông Hoàng Quốc Hào - Giám đốc Sở Tư pháp khẳng định: Hoạt động hỗ trợ pháp lý đã góp phần giải quyết các vướng mắc, khó khăn của các DN, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho DN phát triển. Nhờ đó, số DN trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh về chất, trong đó có những DN đang ngày càng khẳng định được thương hiệu trong cộng đồng DN chung của cả nước.

Hiện các DN hiện nay vướng mắc nhất là các thủ tục liên quan đến chính sách thuế, môi trường. Bên cạnh đó, do hệ thống văn bản pháp luật, đặc biệt là đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đánh giá của nhiều DN là vẫn còn chồng chéo, chưa rõ ràng, cộng với nhiều cán bộ hành chính xử lý chưa công tâm nên việc DN cần được hỗ trợ là rất lớn.

Cùng với đó, các DN trên địa bàn chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, nhận thức của các chủ DN về các quy định của pháp luật chưa cao, nhiều DN chưa nắm bắt được các lợi ích khi tham gia các tổ chức trợ giúp pháp lý; phần lớn các DN chưa bố trí cán bộ phụ trách công tác pháp chế để giúp DN thực thi pháp luật; hoặc có thì cũng thường kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản, do đó, việc tiếp cận và hiểu các văn bản pháp luật rất khó khăn, hạn chế...

Hiệu quả chưa cao

Theo cộng đồng DN, thời gian qua, họ đã nhận được sự trợ giúp pháp lý từ các cơ quan nhà nước nhưng chưa nhiều... Hiện hình thức hỗ trợ pháp lý được áp dụng nhiều nhất là tập huấn các văn bản pháp luật và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, quản lý DN. Tham gia các buổi tập huấn có thể thấy, không nhiều doanh nghiệp mặn mà với hình thức này.

Ông Phan Thanh Miễn – Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh cho rằng, lâu nay các cuộc tập huấn, bồi dưỡng pháp luật cho DN hiệu quả chưa cao. Nội dung tập huấn còn hình thức, cứng nhắc và chưa đi sâu vào những cái doanh nghiệp thiếu. Cách tập huấn, tuyên truyền đang theo hướng những cái các sở, ngành có chứ chưa thực chất theo hướng những cái DN cần.

Sản xuất phân bón tại Nhà máy sản xuất phân bón Sao Vàng (Công ty CP VTNN Nghệ An)

Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, DN gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc từ cơ chế, chính sách đến hệ thống văn bản pháp luật. Khi đó, các DN phải nhờ đến sự tư vấn, hướng dẫn của các tổ chức, đơn vị am hiểu về pháp luật. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì thấy rằng, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đang lúng túng khi muốn được giúp đỡ.

Ông Trần Hoàng Hải - Tổng Thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh cho rằng, nhiều DN muốn được hỗ trợ pháp lý nhưng không biết tìm đến một cơ quan nào. Hiện nay, cách DN thường áp dụng là gửi ý kiến cho hội và từ đó hội tổng hợp lên có ý kiến với tỉnh qua các cuộc đối thoại hàng tháng. Tuy nhiên, không phải vướng mắc, băn khoăn nào cũng được giải quyết kịp thời nên làm cho DN cũng chán nản.

“Theo tôi, tỉnh nên thành lập một thể chế đứng ra chuyên giải quyết, tư vấn, hướng dẫn những vướng mắc, băn khoăn của DN liên quan đến pháp lý. Đồng thời, tăng cường cải cách hành chính, hỗ trợ DN tiếp cận vốn, xây dựng một môi trường đầu tư, cạnh tranh minh bạch”, ông Hải nêu quan điểm.

'Ngày 16/5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Trong đó, Nghị quyết nêu rõ không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự. Theo tôi, cần phải thể chế rõ vấn đề này, thế nào là không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự; không thể nói chung chung, mỗi nơi áp dụng một kiểu'- Ông Trần Hoàng Hải – Tổng Thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh.

Nhìn nhận thực tế này, trong báo cáo tổng hợp 5 năm thực hiện đề án hỗ trợ pháp lý cho DN, UBND tỉnh cũng đánh giá rằng, việc tổ chức thực hiện các đề án theo kế hoạch đề ra chưa đồng bộ, có ngành, đơn vị chấp hành chưa nghiêm, thiếu sự chỉ đạo kiên quyết, dứt điểm, còn có một số ngành, đơn vị chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm của mình trong công tác phối hợp.

Nội dung tuyên truyền từng lúc, từng nơi chưa kịp thời sâu rộng, hình thức tuyên truyền chưa thu hút nhiều đối tượng, chủ yếu là thông qua hội nghị, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh mà chưa có hình thức mang tính đa dạng, hấp dẫn, lôi cuốn nhiều đối tượng cùng tham gia học tập.

Để tạo điều kiện cho DN, ngày 7/4/2016, UBND tỉnh ban hành Chương trình 194 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020. Bên cạnh khắc phục những hạn chế, tỉnh đang đẩy mạnh việc hỗ trợ với nhiều nội dung thiết thực, cụ thể và hiệu quả. Mục tiêu của chương trình là triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chủ động nâng cao năng lực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế;

Đồng thời, các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phải tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức pháp luật, ý thức tìm hiểu, tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động phòng, chống rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp...

Phạm Bằng

TIN LIÊN QUAN

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/doi-song-phap-luat/201610/ho-tro-phap-ly-cho-doanh-nghiep-con-nang-hinh-thuc-2743735/