Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo: Nhiều bất cập trong triển khai

Thời gian qua, dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo (Dự án 5) mặc dù được phân bổ nguồn vốn khá lớn trong tổng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 phân bổ cho năm 2023, nhưng kết quả thực hiện đạt rất thấp do tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập.

Với chương trình giảm nghèo, người dân được hỗ trợ 40 triệu đồng… (Ảnh: T/L).

Với chương trình giảm nghèo, người dân được hỗ trợ 40 triệu đồng… (Ảnh: T/L).

Giải ngân thấp

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 đặt ra mục tiêu tối thiểu 100.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Ước năm 2023 có 25.500 hộ được hỗ trợ.

Riêng năm 2023, Dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được phân bổ hơn 1.125,2 tỷ đồng, gồm 1.020 tỷ đồng vốn sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương và 105,2 tỷ đồng vốn sự nghiệp từ nguồn ngân sách địa phương. Ngoài ra, còn có nguồn huy động khác là 62,24 tỷ đồng.

Báo cáo của Chính phủ, trong 7 tháng của năm 2023 cho thấy, tổng số nhà được hỗ trợ là 6.051 căn, trong đó xây mới là 4.406 căn, sửa chữa là 1.645 căn. Kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương là 196,188 tỷ đồng, đạt 19,23%. Nguồn vốn ngân sách địa phương cũng mới giải ngân được 18,88 tỷ đồng, đạt 17,95%. Nguồn huy động khác có mức giải ngân cao hơn cả, đạt 33,85%.

Phản ánh từ một số địa phương cho biết, công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… đạt thấp. Việc giải ngân cũng đạt rất thấp do một số địa phương rất khó huy động nguồn lực đáp ứng yêu cầu xóa nhà tạm cho hộ nghèo theo kế hoạch đến năm 2026…

Phân loại đối tượng hưởng chính sách chưa phù hợp

Tại một số địa phương như: Bắc Kạn, Quảng Nam, Bình Định, Cần Thơ, Trung ương chậm phân bổ kinh phí và chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách giảm nghèo về hỗ trợ nhà ở dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, theo Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025), định mức hỗ trợ đối với nhà xây mới là 40 triệu đồng/hộ, sửa chữa nhà là 20 triệu đồng/hộ từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương.

Tuy nhiên, với định mức hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ chưa đủ để đảm bảo được yêu cầu là “3 cứng” (nền cứng, khung – tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên theo yêu cầu tại Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Chưa kể, đối với nguồn vốn chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, người dân được hỗ trợ 40 triệu đồng và được Ngân hàng Chính sách cho vay thêm 40 triệu đồng nguồn vốn Trung ương. Còn đối với chương trình giảm nghèo, người dân chỉ được hỗ trợ 40 triệu đồng, nên người dân có sự lựa chọn trong việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Do đó, cần rà soát, nghiên cứu và phân loại đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở để áp dụng chính sách cho phù hợp.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 01/2022/BXD của Bộ Xây dựng quy định đối tượng thụ hưởng dự án không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 và các chương trình, đề án chính sách khác, nhưng không quy định cụ thể về thời gian tối thiểu từ khi hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ là chưa hợp lý.

Trong khi hiện nay, nhiều hộ được hỗ trợ theo các chương trình này vẫn thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hiện trạng nhà ở đã hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sụp đổ và có nhu cầu cấp thiết cần được hỗ trợ về nhà ở để ổn định cuộc sống.

Đến năm 2030 sẽ xóa bỏ hoàn toàn nhà dột nát, nhà tạm

Liên quan đến nguồn vốn hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, chương trình giảm nghèo đa chiều nhiệm kỳ này bố trí 4.000 tỷ đồng để tập trung giải quyết trên 100 nghìn căn nhà cho người nghèo ở 74 huyện nghèo. Đến đầu năm 2023, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới thống nhất được các phương án, do đó, thực chất bắt đầu đến năm 2023 mới phân bổ được vốn này.

Về hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, ngoài chương trình hỗ trợ của Trung ương, các địa phương đối ứng từ 10 đến 30%, sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, bản thân các hộ nghèo cũng phải chủ động vươn lên, làm sao để mỗi căn khi xây mới trị giá khoảng 70 triệu đồng, còn sửa chữa khoảng 30 triệu đồng.

“Toàn quốc hiện còn trên 400 nghìn căn nhà của người có khó khăn ở các địa bàn khác. Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã đồng ý và thống nhất giao cho Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với Chính phủ phát động phong trào thi đua "Cả nước chung tay cùng người nghèo" để xóa nhà tạm”, ông Đào Ngọc Dung cho biết thêm.

Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa XIII vừa qua cũng thống nhất trong nhiệm kỳ này, từ nay đến năm 2030 triển khai xây dựng 01 triệu căn hộ cho công nhân, người lao động, ký túc xá... Đến năm 2030 sẽ xóa bỏ hoàn toàn nhà dột nát, nhà tạm cho người dân, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sớm an cư lạc nghiệp, từng bước ổn định cuộc sống.

Linh Đan

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ho-tro-nha-o-cho-ho-ngheo-nhieu-bat-cap-trong-trien-khai-366238.html