Hỗ trợ người dân thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước thông qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Hàm Thuận Nam đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có điều kiện cải thiện cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Thiếu vốn sản xuất luôn là nỗi lo canh cánh và trở ngại lớn nhất trên con đường thoát nghèo của những hộ dân ở các xã của huyện, đặc biệt là xã vùng cao có đông đồng bào DTTS. Thấu hiểu và “không để ai bị bỏ lại phía sau”, đồng vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã chuyển tải kịp thời tiếp sức giúp người dân yếu thế vươn lên. Không chỉ được vay vốn tín dụng lãi suất ưu đãi với mức vay từ 50 - 100 triệu đồng/hộ để đầu tư sản xuất, trồng cây thanh long, cây trôm, cây xoài, chăn nuôi bò, dê, gia cầm gà vịt… mà họ còn được các hội, đoàn thể địa phương hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để gia tăng giá trị trên diện tích canh tác cải thiện sinh kế.

Vốn vay tín dụng chuyển tải kịp thời đến người dân

Xã Hàm Cần nằm cách xa trung tâm huyện, là địa bàn rộng, tỷ lệ hộ nghèo cao lại có đông đồng bào DTTS sinh sống đã đặt ra không ít thách thức trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững của xã. Cùng với chính sách hỗ trợ quan tâm đầu tư của Nhà nước thì đồng vốn vay từ NHCSXH như “chiếc phao” giúp đồng bào DTTS nơi đây vươn lên. Điển hình hộ anh Nguyễn Ngọc Vương, ở thôn 3, xã Hàm Cần thuộc diện hộ nghèo của xã. Kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào mấy sào trồng bắp. Anh Vương nhớ lại: “Lúc ấy gia đình đông con, các con lại đang tuổi ăn tuổi học nên thiếu trước hụt sau. Đang lúc loay hoay tìm nguồn vốn để đầu tư sản xuất thì tôi được Ngân hàng CSXH huyện giải quyết cho vay 50 triệu đồng, vợ chồng tôi mừng lắm. Khoản tiền vay đã giải “cơn khát vốn” giúp gia đình có tiền chuyển đổi sản xuất, trang trải cuộc sống lo cho con ăn học. Sau thời gian nỗ lực bây giờ gia đình tôi đã thoát nghèo, trồng thêm vườn thanh long vài trăm trụ và nuôi đàn trâu tăng gia sản xuất”. Trả xong món nợ cũ cho ngân hàng, anh Vương cho biết, mình vừa vay thêm 60 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo đầu tư thêm cho vườn thanh long, phấn đấu trả nợ đúng hạn. Còn trường hợp bà Phan Thị Hồng Thảo ở thôn Lập Phước - xã Tân Lập cũng nhờ số vốn vay từ chương trình cho vay hộ cận nghèo nay đã thoát nghèo. Sau nhiều năm sử dụng vốn vay hiệu quả cộng với số vốn tích lũy của gia đình, đến nay bà Thảo đã mở rộng sản xuất trồng được 500 trụ thanh long, 1,5 ha xoài, nhãn và đã trả nợ hết cho NHCSXH huyện.

Nhờ đồng vốn tín dụng ưu đãi người nghèo vươn lên

Thời gian qua ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nói chung và huyện Hàm Thuận Nam nói riêng. Đây là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế. Bà Trần Thị Ngọc Minh – Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hàm Thuận Nam cho hay: Sau 20 năm đi vào hoạt động, từ 2 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã triển khai cho vay 13 chương trình tín dụng với tổng dư nợ đạt 413,1 tỷ đồng, tăng 395,6 tỷ đồng; nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,2% trên tổng dư nợ. Hoạt động tín dụng chính sách đã phủ khắp 100% địa bàn các thôn, khu phố thông qua 227 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại 13 xã, thị trấn trong toàn huyện. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho 13.361 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho 5.250 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 4.000 lao động, giúp cho 9.456 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo 67.566 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn và xây dựng, sửa chữa 196 ngôi nhà cho hộ nghèo...

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/ho-tro-nguoi-dan-thoat-ngheo-nho-von-vay-uu-dai-109648.html