Hỗ trợ hộ kinh doanh ảnh hưởng bởi dịch bệnh

ĐBP - Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (sau đây gọi là Nghị quyết 68), hàng trăm hộ kinh doanh tỉnh ta đã được phê duyệt hỗ trợ. Đây là sự động viên thiết thực về cả vật chất và tinh thần để các hộ vượt qua khó khăn.

Cán bộ Đội thuế liên phường Mường Thanh - Noong Bua (Chi cục Thuế khu vực TP. Điện Biên Phủ - Mường Ảng) tuyên truyền Nghị quyết 68 tới hộ kinh doanh.

Tính đến ngày 14/10, toàn tỉnh ta có 238 hộ kinh doanh được phê duyệt hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 với số tiền 714 triệu đồng. Công tác này vẫn đang được chi cục thuế các huyện, thị, thành phố và chính quyền các cấp tiếp tục triển khai rà soát, thẩm định, đề nghị UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ cho các hộ kinh doanh đủ điều kiện. Tại địa bàn TP. Điện Biên Phủ, đơn vị thuế đã thẩm định 94 hộ kinh doanh đủ điều kiện hưởng hỗ trợ và gửi lên UBND thành phố, đề nghị UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ. Các hộ chủ yếu kinh doanh các loại hình: Ăn uống, dịch vụ giải trí, karaoke... và có thời gian đóng cửa nghỉ dài từ đầu tháng 5 theo chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh.

Quán cà phê Mộc tại đường Nguyễn Chí Thanh, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ nằm trong danh sách đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết số 68. Bà Phạm Thị Loan, quản lý quán chia sẻ: “Đầu tháng 5, khi dịch bùng phát, UBND tỉnh chỉ đạo đóng cửa thì Mộc quán cũng nghỉ khoảng 2 tháng. Trong thời gian này, quán tạm dừng hoạt động hoàn toàn, tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch. Từ khi mở cửa trở lại đến nay, mọi người hạn chế tụ tập nên lượng khách cũng giảm mạnh 70 - 80%, chủ yếu chỉ có khách quen. Vì vậy khi được tuyên truyền về Nghị quyết 68, thủ tục lại nhanh gọn, đơn giản, Mộc quán đã làm đề nghị hỗ trợ”.

Tại quán thịt chó Hải Dương, tổ dân phố 23, phường Mường Thanh, chủ quán Bùi Văn Thiêm cho biết: Theo chỉ đạo phòng, chống dịch, quán tôi nghỉ bán 1 tháng. Đến khi tình hình ổn định, tỉnh cho phép, quán mở cửa trở lại nhưng chỉ bán mang về. Sau một thời gian khá dài mới hoạt động bình thường. Dù đóng cửa hay giảm số khách thì tiền thuê quán và nhiều chi phí khác vẫn phải chi trả. Riêng tiền mặt bằng của quán đã là 12 triệu đồng/tháng. Được các cán bộ phường, thuế hướng dẫn, tôi đã làm giấy đề nghị hỗ trợ. Dù ít hay nhiều thì sự hỗ trợ của Nhà nước đều đáng quý và ý nghĩa”.

Tại huyện Mường Ảng cũng tương tự, đã có 2 đợt rà soát, thẩm định hộ kinh doanh. Số hộ ban đầu được UBND xã, thị trấn rà soát là 61. Tuy nhiên sau khi cơ quan thuế thẩm định, số hộ kinh doanh đủ điều kiện để đề nghị cấp trên phê duyệt còn 33. Nguyên do bởi ngay sau khi có Nghị quyết, các xã, thị trấn đã tích cực vào cuộc triển khai sớm, nhưng có nhiều hộ không đúng ngành nghề phải tạm dừng hoạt động trong thời gian dịch bùng phát theo các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh hoặc hộ không có giấy phép kinh doanh, không đăng ký với cơ quan thuế.

Bà Hoàng Thị Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực TP. Điện Biên Phủ - Mường Ảng cho biết: “Trong thời gian dịch bùng phát, các hộ kinh doanh có ý thức tự giác cao, hầu hết ngành nghề không thiết yếu đều tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên theo quy định chỉ có những hộ thuộc loại hình kinh doanh, dịch vụ mà UBND tỉnh chỉ đạo yêu cầu tạm dừng hoạt động trong thời gian dịch bệnh và đã có giấy phép kinh doanh, đăng ký thuế mới đủ điều kiện nhận hỗ trợ. Cơ quan thuế đã phối hợp cùng các phường/xã, tổ trưởng tổ dân phố/thôn/bản tuyên truyền, thông tin rộng rãi tới người dân. Sau khi hộ kinh doanh làm giấy đề nghị, UBND phường, xã gửi danh sách, các đội thuế tại khu vực xuống từng hộ làm việc. Sau đó tổ thẩm định của Chi cục sẽ họp, xác định hộ có đúng đối tượng hay không. Trong vòng 2 ngày tiếp nhận, thẩm định, Chi cục hoàn tất thủ tục gửi lên UBND thành phố/huyện xem xét. Trên cơ sở đó, đề nghị UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ. Những hộ không đủ điều kiện đều được trả lời rõ ràng, nhờ vậy người dân hiểu và không có phát sinh vấn đề gì.

Khi dịch bùng phát trên cả nước đợt 4, từ ngày 2/5, Điện Biên dừng tất cả các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; đóng cửa tất cả các quán bar, karaoke, game. Đến ngày 4/6, sau nhiều ngày tỉnh nhà không có ca nhiễm mới, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các hoạt động giải khát trên địa bàn đã được hoạt động trở lại. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết như: Karaoke, mát xa, gội đầu, quán bar, vũ trường, quán internet… vẫn tiếp tục dừng hoạt động. Dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến cuộc sống, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh ta. Hàng trăm hộ kinh doanh phải dừng hoạt động thời gian dài, không có thu nhập, gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc triển khai Nghị quyết 68 là vô cùng cần thiết. Để chính sách thực sự phát huy ý nghĩa và kịp thời động viên, hỗ trợ hộ kinh doanh, các đơn vị liên quan cùng chính quyền các cấp cần thực hiện nhanh, đúng quy định các bước rà soát, thẩm định, phê duyệt và chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết 68.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/191638/ho-tro-ho-kinh-doanh-anh-huong-boi-dich-benh