Hỗ trợ các xã vùng cao vươn lên thoát nghèo

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/HU ngày 4/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thuận Châu về phát triển kinh tế, xã hội 6 xã vùng cao giai đoạn 2021-2025, các xã vùng cao của huyện Thuận Châu đã có nhiều thay đổi, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi phù hợp, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một nâng lên.

Nhân dân xã Co Mạ, huyện Thuận Châu trồng cây sa nhân trên đất nương.

Thuận Châu có 29 xã, thị trấn, trong đó 6 xã vùng cao, gồm: Mường Bám, Long Hẹ, Co Mạ, É Tòng, Co Tòng và Pá Lông, với trên 97% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Huyện đã chỉ đạo tập trung các nguồn vốn để đầu tư phát triển 6 xã vùng cao, trong đó đầu tư công giai đoạn 2021-2023 phân bổ gần 86,5 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư của 3 chương trình mục tiêu quốc gia; vốn hỗ trợ sản xuất thuộc tiểu dự án 2 - dự án 3 Chương trình 1719 dự kiến phân bổ là 9,5 tỷ đồng.

Từ năm 2021 đến nay, tại 6 xã vùng cao đã triển khai 7 mô hình trồng cây khôi nhung, cây gừng trâu, trồng cây vừng đen, trồng dứa, nuôi gà đen, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, trồng các giống lúa nếp hương và lúa lai 27P53. Các hộ tham gia mô hình đều được hỗ trợ 70% chi phí mua giống và vật tư nông nghiệp. Mô hình nuôi gà đen triển khai tại xã É Tòng, quy mô 3.000 con, đến nay đã nhân rộng trong xã và đã thành lập Hợp tác xã với quy mô 30.000 con/năm.

Bên cạnh đó, huyện còn kết nối với một số doanh nghiệp kêu gọi đầu tư phát triển cây dược liệu tại các xã vùng cao, gắn với xây dựng nhà máy sơ, chế biến sản phẩm. Trong hai năm (2021-2022), đã trồng mới 61 ha cây dược liệu. Đồng thời, phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn HTM Dragon Việt Nam triển khai dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây gai xanh tại xã Mường Bám, quy mô từ 120-200 ha. Đến nay, đã trồng 17 ha cây gai xanh, trong đó 12 ha đã cho thu hoạch. Cũng tại xã Mường Bám, còn duy trì, phát triển chuỗi liên kết sản xuất 7 ha xoài theo hướng sản xuất sản phẩm sạch.

Ông Vì A Sếnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Co Mạ, cho hay: Từ sự nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, xã đã mở rộng trên 54 ha xoài và nhãn, tập trung ở các bản Nong Vai, Cát, Mỡ. Năm 2022, xã ký hợp đồng với Công ty xuất khẩu thực phẩm Đồng Giao trồng 7 ha cây dứa Queen tại bản Cát, Nong Vai. Ngoài ra, năm 2020, chúng tôi chọn bản Pha Khuông trồng thí điểm 6 ha cây sa nhân trên diện tích đất nương. Cuối năm 2022, sa nhân đã cho thu hoạch quả, sản lượng chưa cao, nhưng bán được giá từ 11.000-12.000 đồng/kg quả tươi.

Tạo sự liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, huyện chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động thành lập HTX. Trong năm 2021 và 2022, đã thành lập thêm 5 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, trong đó 2 HTX ở xã Long Hẹ; 2 HTX ở Mường Bám; 1 HTX ở É Tòng. HTX Nặm Bám, xã Mường Bám được hỗ trợ 170 triệu đồng theo Nghị quyết 128/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, để xây dựng hệ thống tem truy xuất nguồn gốc, chứng nhận VietGAP, in bao bì sản phẩm. Hỗ trợ HTX Pú Chắn, xã Long Hẹ 100 triệu đồng in bao bì sản phẩm; Hỗ trợ HTX Nông nghiệp Nông Cốc, xã Long Hẹ, HTX nông nghiệp sinh thái EFRAM Tòng, xã É Tòng, hoàn tất thủ tục hồ sơ chứng nhận VietGAP, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hỗ trợ in bao bì sản phẩm, với tổng kinh phí là 340 triệu đồng.

Từ các nguồn kinh phí, huyện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho các xã vùng cao, trong đó tập trung cứng hóa các tuyến đường đến các bản, với gần 40% số bản có đường ô tô đến bản được cứng hóa; 99,2% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 94,54% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố, bán kiên cố; hơn 53% số bản có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng.

Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế chuyển biến tích cực. Duy trì chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học, xóa mù chữ và chống tái mù chữ; 99,5% trẻ mẫu giáo ra lớp; 98,5% học sinh bậc TH, THCS, THPT đi học đúng độ tuổi; 94,1% người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông. Duy trì tốt việc tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú tại 11/17 trường, với gần 3.600 học sinh. Trạm y tế các xã bảo đảm chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; 6/6 trạm y tế xã có bác sỹ, y sĩ sản nhi, có cán bộ dân số; 100% bản có nhân viên y tế bản, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của 6 xã còn 44,26%, giảm 12,3% so với năm 2021.

Tiếp tục hỗ trợ 6 xã vùng cao vươn lên thoát nghèo bền vững, huyện Thuận Châu đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó triển khai hiệu quả các dự án phát triển sản xuất, mô hình đa dạng hóa sinh kế thuộc các nguồn vốn chương trình MTQG, vốn sự nghiệp trên địa bàn. Tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường liên kết sản xuất thông qua việc thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác; áp dụng quy trình sản xuất an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập và thoát nghèo. Huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.

Bài, ảnh: Hồng Luận

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/ho-tro-cac-xa-vung-cao-vuon-len-thoat-ngheo-AHHFo77IR.html