Hồ sơ bóng đá: Giải mã sự thành công của bóng đá Nhật Bản (Kỳ 2)

Có được thành công bước đầu từ J.League được tổ chức theo lộ trình khoa học và bài bản, các lãnh đạo nền bóng đá Nhật Bản nhận ra việc tiếp theo là xây dựng nền móng cho nền bóng đá quốc dân - tức bóng đá trẻ. Và một lần nữa những quyết định đúng đắn của bóng đá Nhật đã làm chấn động cả làng báo chí phương Tây.

Các giải trẻ Nhật Bản đã có từ sớm và được nhiều đội bóng hưởng ứng. Ảnh: Internet.

Sau khi J.League ra đời, các lãnh đạo của Liên đoàn bóng đá Nhật Bản nhận ra tầm quan trọng của công tác đào tạo trẻ. Đúng một năm sau khi J.League ra đời, Liên đoàn bóng đá Nhật Bản thành lập J-Youth Cup bên cạnh J3. Sau đó, tổ chức này bắt buộc các CLB đang hoặc sẽ hoạt động trong nền bóng đá chuyên nghiệp Nhật phải có các đội trẻ ở các lứa tuổi U15 và U18. Hơn thế nữa, một chính sách cực kỳ đặc biệt chưa đâu có cũng ra đời, đó là các CLB phải thành lập những đội bóng học đường bên cạnh các lứa trẻ chính thức.

1. Đòn bẩy từ bóng đá Trung học

Chính sách này giúp các cầu thủ trẻ nhận ra một điều, đó là con đường chuyên nghiệp đang rộng mở trước mắt họ. Vừa có thể yên tâm học hành để bảo đảm tương lai, họ còn tìm thấy cơ hội được thử thách để tiếp cận trình độ chuyên nghiệp. Và nếu tiến triển tốt, họ sẽ được các CLB chú ý và bổ sung vào lực lượng chính thức của mình. Điều này như hiệu ứng dây chuyền buộc các "măng non" thuộc biên chế CLB phải nỗ lực hết mình nếu không muốn bị đào thải.

Bóng đá trẻ Nhật Bản nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng. Ảnh: Internet.

Hiromi Hara, cựu Giám đốc kỹ thuật có thâm niên của Liên đoàn bóng đá Nhật Bản đã từng phát biểu trên tạp chí Leopold Method, tạp chí phân tích bóng đá hàng đầu của Úc như sau: "Chúng tôi quyết định cho các đội bóng Trung học Phổ thông và các đội trẻ chuyên nghiệp đá chung với nhau trong các giải trẻ. Những gì chúng tôi ngộ ra được đó là các cầu thủ trẻ chuyên nghiệp thường mạnh hơn nhiều so với các học sinh Trung học. Vậy nhưng, thực chất cũng có nhiều cầu thủ giỏi ở các đội bóng Trung học đó. Họ không hề muốn kém cạnh các đội chuyên nghiệp và đã có nhiều trận đấu rất hay diễn ra. Hai lực lượng này sẽ nâng tầm lẫn nhau thông qua sự cạnh tranh sòng phẳng."

2. Cạnh tranh khốc liệt ngay từ thời niên thiếu

Và ông Hiromi Hara đã đúng, các cầu thủ trẻ ở khối Trung học không những tiến bộ khi được thường xuyên thi đấu với các đội trẻ chuyên nghiệp, mà còn đi xa hơn thế rất nhiều. Một trong những trường hợp tiêu biểu là Mu Kanazaki, cầu thủ Nhật từng có trải nghiệm ở cả hai hệ thống bóng đá học đường và bóng đá trẻ chuyên nghiệp Nhật Bản và từng chơi cho CLB Portimonense của Bồ Đào Nha.

Anh chia sẻ về sự khắc nghiệt của cả 2 hệ thống này như sau: "Tôi từng mài đũng quần trên ghế nhà trường nhưng đồng thời đã gắn bó với bóng đá ở cấp CLB từ năm 8 tuổi. Trong hệ thống của các CLB, các cầu thủ trẻ đều xác định sẽ chiến đấu cho cơ hội được chơi bóng ở đội 1, họ lao vào tập luyện kỹ thuật cho nhuần nhuyễn để tỏ ra mình giỏi hơn các cầu thủ khác từ các trường Trung học."

Kanazaki còn cho biết thêm: "Bên cạnh đó, các cầu thủ ở cấp Trung học thường rất đoàn kết và có tư duy chơi bóng đồng đội vì mục tiêu giành chức vô địch Shensaku Cup (Cúp Hoàng Đế). Lối chơi phối hợp đồng đội cũng cần nhiều thời gian, công sức để luyện tập nên bạn có thể thấy sự hy sinh và sự chăm chỉ ở các đội đó nữa. Rồi ở các địa phương còn có một số cầu thủ vừa chơi cho các đội trẻ chuyên nghiệp vừa chơi cho các trường Trung học. Nên cơ hội để tiến vào thế giới bóng đá chuyên nghiệp của các cầu thủ trẻ là rất nhiều nếu biết phấn đấu."

Các trận đấu ở giải trẻ luôn đầy ắp khán giả đến sân xem vì tính hấp dẫn và vô tư. Ảnh: Internet.

Hơn thế nữa, ngay ở cấp độ U13, bóng đá Nhật đã có những giải đấu dài và ngắn hạn khác nhau song song với các giải đấu của J.League. Vì có nhiều giải đấu, nên số lượng đội bóng cũng được gia tăng chóng mặt. Thống kê của Leopold Method cho biết, chỉ mới năm ngoái thôi số lượng các đội trên toàn nước Nhật ở lứa tuổi U14 là 49, trong khi ở lứa U13 là 120. Chưa hết, ban tổ chức J.league sẽ tuyển chọn các cầu thủ xuất sắc nhất theo từng lứa tuổi để thành lập "Đội tuyển J.league" đi tập huấn và tham gia các tour du đấu ở nước ngoài.

Từ đó, các cầu thủ trẻ Nhật Bản càng quyết tâm cho "phần thưởng" của các bác lãnh đạo. Họ không chỉ tìm thấy cơ hội ở trong nước mà còn "thả thính" đến tận các CLB lớn ở châu Âu. Những cái tên quen thuộc như Keisuke Honda , Yuto Nagatomo, Hasebe Makoto đều trưởng thành từ các CLB bóng đá ở trường Trung học. Và thế là mô-tuýp quen thuộc của các bộ truyện tranh nổi tiếng như Đội trưởng Subasa, Jindo...không còn chỉ nằm trên giấy nữa. Các nhận vật đó đang lừng lững xuất hiện ngoài đời nhờ chính sách phát triển bóng đá trẻ tuyệt vời từ các lãnh đạo nền bóng đá Nhật Bản.

Dù tuyết sương giá lạnh, vẫn có CĐV đến xem thông tin mà CLB thông báo trước của SVĐ. Ảnh: Internet.

Từ đây, nền bóng đá xứ sở hoa anh đào đã hoàn thiện hệ thống xuyên suốt của mình. Đã đến lúc họ hướng tầm mắt ra thế giới bên ngoài và tìm kiếm những nguồn ngoại lực hòng giúp bóng đá nước nhà đuổi kịp bạn bè năm châu, bốn biển. Vậy những nguồn ngoại lực đó là gì và Liên đoàn bóng đá Nhật Bản đã tiếp cận chúng ra sao? Đó sẽ là chủ đề chính của Hồ sơ bóng đá Kỳ 3.

Túc Cầu - Thể Thao Việt Nam | 20:31 02/11/2016

Nguồn Bóng Đá: http://www.bongda.com.vn/ho-so-bong-da-giai-ma-su-thanh-cong-cua-bong-da-nhat-ban-ky-2-d366126.html