Hổ nuôi đi về đâu?

Bình Dương được xem như là địa phương có số lượng đàn hổ nuôi lớn nhất cả nước, thế nhưng cả 3 trại nuôi tại đây đều không đủ điều kiện để hoạt động theo Công ước CITES, trong khi giấy chứng nhận đăng ký của các trại này đều đã hết hạn.

Chuồng trại lỏng lẻo 3 doanh nghiệp (DN) có đàn hổ nuôi lớn nhất tại Bình Dương hiện nay là Công ty TNHH Vườn bách thú Đại Nam, Công ty TNHH bia Thái Bình Dương và DN tư nhân Thanh Cảnh. Theo kết quả thẩm định của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương, tại trại nuôi của Công ty TNHH Vườn bách thú Đại Nam, đến thời điểm giữa tháng 6.2009, tổng số đàn động vật hoang dã đang gây nuôi tại đây gồm 71 loài, 583 con, so với giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi thí điểm đã tăng 44 loài, 289 con. Riêng đàn hổ tăng 7 con so với giấy đăng ký. Tại Công ty TNHH bia Thái Bình Dương, đàn hổ mặc dù sinh sản thêm 15 con nhưng đã có 11 con chết vì đồng huyết, hiện tổng đàn còn 31 con. Tại trại nuôi của DN Thanh Cảnh, có 1 con hổ được sinh ra nhưng đã chết, hiện đàn hổ còn 9 con. Theo biên bản của đoàn kiểm tra, trong 3 DN nói trên, chỉ có Vườn bách thú Đại Nam là có điều kiện chuồng trại được thiết kế và xây dựng phù hợp với đặc tính của loài nuôi, có đội ngũ bác sĩ thú y chuyên môn để chăm sóc cho thú. Tuy nhiên phương án của trại nuôi Đại Nam chưa thuyết minh rõ được phương thức quản lý và kỹ thuật đảm bảo gây nuôi sinh sản bền vững trong điều kiện nuôi nhốt. Một cán bộ trong đoàn kiểm tra liên ngành Bình Dương băn khoăn: “Không hiểu sao đến nay Cục Kiểm lâm vẫn chưa triển khai việc gắn chip quản lý trên đàn hổ. Việc này sẽ dẫn đến tình trạng các trại nuôi vẫn giữ nguyên số hổ đã đăng ký, còn khi tăng đàn sẽ không báo cáo mà bí mật mua bán, trao đổi hoặc đem nuôi ở địa điểm khác”. Vấn đề này đã được kiến nghị lên Bộ NN-PTNT. Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT cho phép các trại được trao đổi con giống với nhau để tránh hiện tượng cận huyết. Tại DN tư nhân Thanh Cảnh, chuồng trại nuôi hổ ở đây kiên cố nhưng chưa phân khu riêng biệt, chưa báo cáo định kỳ tình trạng sức khỏe thú nuôi. Trại đã gia cố chuồng hổ nhưng khoảng cách các song sắt của cửa chuồng trại còn thưa, chưa bảo đảm an toàn tối đa cho du khách. Còn tại Công ty bia Thái Bình Dương, đoàn kiểm tra cảnh báo: “Hiện trại nuôi này nằm trong vùng dân cư, phải khẩn trương gia cố để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người nuôi và dân cư xung quanh”. Có được nuôi tiếp? Theo Công ước CITES, trại nuôi sinh sản, trại nuôi sinh trưởng động vật phải có các điều kiện như: Chuồng trại được xây dựng phù hợp với đặc tính của loài nuôi và năng lực sản xuất của trại nuôi; đăng ký trại nuôi sinh sản những loài động vật đã được cơ quan khoa học CITES VN xác nhận là có khả năng sinh sản liên tiếp qua nhiều thế hệ trong môi trường có kiểm soát; bảo đảm các điều kiện an toàn cho người và vệ sinh môi trường theo quy định của Nhà nước; có người đủ chuyên môn đáp ứng yêu cầu quản lý, kỹ thuật nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, chăm sóc loài vật nuôi và ngăn ngừa dịch bệnh... Chiếu theo những điều kiện trên thì cả 3 trại nuôi hổ và động vật hoang dã ở Bình Dương đều chưa đạt yêu cầu. Theo kết quả kiểm tra, cả 3 trại nuôi đều đã xây dựng phương án nhưng thực chất chỉ phục vụ cho việc đầu tư, củng cố chuồng trại là chính, chứ chưa rõ mục tiêu gây nuôi của từng loài và phương án kỹ thuật gây nuôi. Ông Trần Văn Nguyên - Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Dương cho biết: “Chi cục Kiểm lâm đã đề nghị các cấp lãnh đạo cho phép gia hạn giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi thí điểm động vật hoang dã đã cấp cho 3 trại nuôi trên. Tuy nhiên, do VN đã tham gia Công ước CITES và Diễn đàn hổ toàn cầu, vì vậy việc gây nuôi sinh sản loài hổ ở những trại này phải không vì mục đích thương mại”. Quang Thuần

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200931/20090728010912.aspx