Hồ nước ngọt nào ở nước ta nằm trên miệng núi lửa?

Hồ chứa nước ngọt này được xây dựng trên miệng núi lửa giống như lòng chảo, nhằm trữ nước phục vụ sinh hoạt cho người dân địa phương.

1. Hồ nước ngọt nào ở nước ta nằm trên miệng núi lửa?

Hồ Lắk (Đắk Lắk)
Hồ Thới Lới (Quảng Ngãi)
Hồ Ea Kao (Đắk Lắk)
Hồ Pá Khoang (Điện Biên)

Chính xác

Hồ Thới Lới (Lý Sơn, Quảng Ngãi) là hồ nước ngọt nằm trên miệng núi lửa. Huyện đảo này từng thiếu nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, trồng trọt nên vào năm 1898, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo xây dựng hồ chứa nước trên đỉnh Thới Lới. Đây là công trình thủy lợi đầu tiên và có ý nghĩa to lớn trong việc cung cấp nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất cho người dân huyện đảo Lý Sơn. Khi xây dựng, hồ có diện tích gần 10ha, trữ nước lên tới gần 300.000m3.

2. Tỉnh này còn có miệng núi lửa nào được xếp hạng di tích quốc gia?

Giếng Sỏi
Giếng Tiền
Chùa Hang
Hang Câu

Chính xác

Tháng 1/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với 21 di tích trên cả nước. Trong đó, huyện đảo Lý Sơn có 2 di tích là danh lam thắng cảnh núi Giếng Tiền (xã An Vĩnh) và danh lam thắng cảnh núi Thới Lới (xã An Hải). Đây là 2 trong số 10 miệng núi lửa được phát hiện tại khu vực đảo Lý Sơn.

Khác với bề mặt toàn đá của đỉnh Thới Lới, ngọn núi Giếng Tiền có đất đỏ bazan siêu màu mỡ. Người dân địa phương trộn đất đỏ lấy được từ núi Giếng Tiền với cát lấy từ biển để tạo nên những cánh đồng tỏi xanh mướt đẹp mắt.

3. Hồ nào sau đây cũng là miệng núi lửa đã ngừng hoạt động?

Hồ Tà Đùng (Đắk Nông)
Hồ Than Thở (Lâm Đồng)
Hồ T'Nưng (Gia Lai)
Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên)

Chính xác

Hồ T'Nưng (còn gọi Biển Hồ) là hồ nước ngọt nằm ở Pleiku, tỉnh Gia Lai. Đây là hồ nước ngọt quan trọng cấp nước cho thành phố này. Hồ T'Nưng là miệng núi lửa đã ngừng hoạt động từ hàng trăm triệu năm qua. Đứng từ xa nhìn hồ nước này vẫn thấy rõ hình dáng miệng núi lửa nhô cao. Hồ có hình bầu dục, rộng 2,28km2, độ sâu khoảng 12-19m.

Hồ T'Nưng là nơi ẩn náu của các loài chim như bói cá, cuốc đen, kơ túc, kơ vông, le le, ngỗng trời... Hồ còn là vựa cá lớn của Tây Nguyên, gồm đủ loại như cá chép, cá trắm, cá trôi, cá đá, cá niềng, cá chày, cá ngựa…

4. Hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam ở tỉnh nào?

Hà Giang
Lạng Sơn
Cao Bằng
Bắc Kạn

Chính xác

Hồ Ba Bể là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất nước ta. Hồ có diện tích khoảng 650ha, thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Hồ cách thành phố Bắc Kạn 70km về phía Tây Bắc và nằm trong Vườn quốc gia Ba Bể.

Hồ nằm ở độ cao 145m so với mực nước biển, được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi với nhiều hang động và suối ngầm. Độ sâu trung bình của hồ đạt 20-25m vào mùa mưa và khoảng 10m và mùa khô.

Năm 1995, hồ Ba Bể được Hội nghị Hồ nước ngọt Thế giới công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt cần được bảo vệ.

5. Hồ nước nào nằm trên địa phận 3 tỉnh?

Hồ Cửa Đạt
Hồ Tả Trạch
Hồ Ngàn Trươi
Hồ Dầu Tiếng

Chính xác

Hồ Dầu Tiếng là hồ trải rộng trên 4 huyện và 3 tỉnh, bao gồm: Dầu Tiếng (Bình Dương), Dương Minh Châu, Tân Châu (Tây Ninh), Hớn Quản (Bình Phước).

Mặc dù mang tên Dầu Tiếng, một địa danh của tỉnh Bình Dương, nhưng phần lớn diện tích hồ nằm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Diện tích hồ lên đến 27km2 và chứa trung bình 1,58 tỷ m3 nước, rộng gấp 2.225 lần Hồ Gươm và gấp 50 lần Hồ Tây.

Hồ Dầu Tiếng cấp nước cho 100.000ha đất sản xuất nông nghiệp tại một số tỉnh miền Nam. Hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng có 3 kênh chính bao gồm: kênh Đông, kênh Tây và kênh Tân Hưng, đưa nước đến 1.550km các tuyến kênh nhánh tại địa phương.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ho-nuoc-ngot-nao-o-nuoc-ta-nam-tren-mieng-nui-lua-2223116.html