Họ đã đi qua những tháng ngày như thế

Điều dưỡng làm việc tại buồng bệnh trong khu dương tính, khi bệnh nhân COVID-19 nặng đang lọc máu liên tục. Ảnh: YÊN LAN

Trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng, tại Khu cách ly y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 (khu dương tính) thuộc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, y bác sĩ đến từ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc và các khoa lâm sàng khác đã dốc sức cứu chữa, giành giật sự sống cho bệnh nhân nặng, nguy kịch. Họ đã vượt lên chính mình, xứng đáng với sứ mệnh mà xã hội tin tưởng giao phó, trong thời điểm xã hội, người dân cần họ nhất.

Có những chuyện mà mãi sau này người trong cuộc mới kể, và người nghe không khỏi rưng rưng.

Mồ hôi, nước mắt và niềm vui ở khu dương tính

Tháng 6/2021. Bác sĩ trẻ Nguyễn Trần Ngọc Minh vừa trải qua 2 tuần đầu tiên của khóa đào tạo kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO) tại Bệnh viện Trung ương Huế. Tin nóng bay đến: Phú Yên đã ghi nhận ca COVID-19 trong cộng đồng. Dịch bệnh bùng phát. Bác sĩ Minh nhận lệnh trở về Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Cùng bác sĩ Đặng Bá Luân, bác sĩ Nguyễn Kỳ Đôn..., một số điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc và đồng nghiệp ở các khoa lâm sàng khác, bác sĩ Minh nhận nhiệm vụ mới: Đến khu dương tính.

Họ bước vào một “cuộc chiến” đầy cam go, cạn mồ hôi và có cả nước mắt. Họ hiểu thế nào là sự khủng khiếp của dịch bệnh, sự mong manh của sinh mệnh con người.

Khi chưa có vắc xin làm lá chắn, tỉ lệ diễn tiến nặng chiếm gần 20% tổng số bệnh nhân COVID-19, trong đó có khoảng 5% nguy kịch. Khu dương tính nhanh chóng đông người bệnh. Tuy đã được tập huấn nhưng chưa từng điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nên các y bác sĩ gặp nhiều khó khăn. Đặc trưng của COVID-19 là bệnh diễn tiến rất nhanh, từ viêm phổi đến hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, rối loạn đông máu, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, tổn thương thận, tổn thương cơ tim… dẫn đến tử vong.

Theo BSCKII Lê Hòa, người điều hành khu dương tính, COVID-19 làm rối loạn nhiều cơ quan trong cơ thể chứ không như những bệnh nhiễm trùng thông thường; ngày hôm nay có thể ổn nhưng hôm sau đã diễn tiến nặng; trước đó bệnh ở mức trung bình, nhưng chỉ 4-5 tiếng đồng hồ sau là nguy kịch. Chính vì vậy, bệnh nhân phải được theo dõi, chăm sóc 24/24.

Trong khi đó, nhân lực lại thiếu. Lúc đầu, mỗi tua trực có 1 bác sĩ chuyên ngành Hồi sức tích cực và 1 bác sĩ Nội khoa. Khi lượng bệnh nhân không ngừng tăng lên, số bác sĩ mỗi tua trực được nâng lên 3 người, trong đó có 1 bác sĩ Hồi sức tích cực. Làm việc cùng 3 bác sĩ có 7 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên và 1 hộ lý. Tua trực kéo dài trong 12 giờ. Họ luân phiên túc trực, chăm sóc, theo dõi tình trạng bệnh nhân. Phải luân phiên vì trang phục phòng hộ nóng bức khiến họ nhanh chóng bị mất nước, mệt lả. Những người khỏe nhất cũng chỉ trụ được trong vòng 3 tiếng đồng hồ!

Bác sĩ Minh chia sẻ: “Trước những ca COVID-19 nặng, tua trực luôn cố gắng hết sức để điều trị cho bệnh nhân”. Anh nhớ nhất là ca COVID-19 nặng đầu tiên - bệnh nhân T.T.G, sinh năm 1963, ở phường 2, TP Tuy Hòa, nhập viện ngày 23/6/2021 với tình trạng viêm phổi nặng. Tình hình tiếp tục diễn tiến xấu, bệnh nhân nguy kịch, phải thở máy và lọc máu liên tục. Bác sĩ Minh cho biết: “Chúng tôi đã áp dụng tất cả biện pháp, cố gắng hết sức để cứu bà ấy. Có lúc bệnh nhân ngưng tim ngưng thở, chúng tôi lập tức cấp cứu hồi sức tim phổi. Rất may là thời điểm đó, khu dương tính có sự hỗ trợ của các thầy ở Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội”.

Sau khoảng 2 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân G qua cơn nguy kịch. Trưa hôm đó, bác sĩ chỉ định rút ống nội khí quản, bệnh nhân thở oxy qua mặt nạ. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, từng hơi thở hụt đi, SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu) tụt nhanh, còn 70-80%. Bác sĩ lập tức chỉ định đặt ống nội khí quản để bệnh nhân thở máy trở lại. Gần 1 tuần sau, bệnh nhân G được rút ống nội khí quản lần thứ hai và cai máy thở thành công. “Chúng tôi đã cứu được bà ấy”, bác sĩ Minh nói và mỉm cười.

Ca COVID-19 nặng thứ hai, sau bà G, là bệnh nhân P.T.M.H, sinh năm 1978, ở phường 5, TP Tuy Hòa. Chị H nhập viện ngày 11/7/2021 với tình trạng viêm phổi nặng, bệnh diễn tiến nguy kịch, phải thở máy trong 1 tuần và lọc máu liên tục trong 3 ngày.

Điều dưỡng Võ Thị Bích Hiền, một trong ba điều dưỡng đầu tiên được điều động từ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đến khu dương tính phụ trách việc lọc máu cấp cứu, theo dõi và chăm sóc bệnh nhân nặng, nhớ lại: “Sau mấy ngày lọc máu, bệnh nhân ổn định. Bác sĩ chỉ định ngưng lọc máu, rồi đến giai đoạn cai máy thở cho bệnh nhân. Trước khi rút ống nội khí quản, chúng tôi chuẩn bị thuốc, mặt nạ khí dung và hệ thống oxy để sau khi rút sẽ cho bệnh nhân thở oxy, phun khí dung nhằm hỗ trợ đường thở cho bệnh nhân và giảm khả năng phát tán virus ra xung quanh. Giai đoạn theo dõi sau khi bệnh nhân cai máy thở cũng rất quan trọng. Chúng tôi theo dõi bệnh nhân kỹ lưỡng”.

Ngày 30/7/2021 là mốc thời gian khó quên đối với bà G và chị H. Có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2, hai người phụ nữ mang tư trang rời khỏi khu dương tính - nơi họ từng trải qua những giờ phút thập tử nhất sinh. Trong ngày xuất viện, bà G cảm động nói: “Tôi đi lại được rồi, khỏe nhiều rồi. Bác sĩ Phú Yên tận tình chữa trị, chăm sóc bệnh nhân. Các bác sĩ đã cứu sống tôi. Tôi rất cảm ơn y bác sĩ Phú Yên và y bác sĩ các nơi về hỗ trợ”. Chị H chia sẻ: “Tôi cảm ơn các bác sĩ đã sinh ra tôi lần thứ hai”.

Chuyện bây giờ mới kể

Không bút mực nào tả hết nỗi vất vả, áp lực của các y bác sĩ làm việc tại khu dương tính trong đỉnh dịch COVID-19. Có những thời điểm, khu điều trị này tiếp nhận gần 100 bệnh nhân, trong đó số ca thở oxy chiếm khoảng một nửa. Bốn máy lọc máu hoạt động liên tục. Còn tại các bệnh viện dã chiến, lượng bệnh nhân cũng rất đông. BSCKII Châu Khắc Toàn, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc bám trụ tại khoa gần 1 tháng, đồng thời phụ trách về chuyên môn khu điều trị COVID-19 nặng và hướng dẫn cách xử trí các ca COVID-19 có dấu hiệu diễn tiến nặng tại các bệnh viện dã chiến trong tỉnh. Rất nhiều đêm, ông chỉ có thể chợp mắt trong khoảng 1 tiếng đồng hồ!

Tại khu dương tính, điều dưỡng Bích Hiền cùng 2 đồng nghiệp Tú và Phan luân phiên tham gia các tua trực, theo dõi, chăm sóc bệnh nhân lọc máu và thở máy (mỗi tua có 1 điều dưỡng chuyên lọc máu cấp cứu); điều dưỡng đến từ các khoa lâm sàng khác chăm sóc những bệnh nhân khác.

Mặc trang phục phòng hộ kín bưng, nóng bức, họ chỉ có thể làm việc trong các buồng bệnh 2-3 tiếng đồng hồ rồi phải ra ngoài vì mất nước; hễ rời khỏi khu điều trị là phải thực hiện quy trình khử khuẩn nghiêm ngặt. Kỹ thuật lọc máu liên tục có những yêu cầu khắt khe, chỉ riêng việc thay dịch và thay dây quả lọc cũng phải tuân thủ chặt chẽ. Tùy vào cân nặng của người bệnh, sau 3-4 tiếng đồng hồ thay dịch một lần, và sau 24 tiếng thì thay dây quả lọc. Riêng với các ca bị rối loạn đông máu nặng, sau 10-12 tiếng, điều dưỡng thay dây quả lọc. Có những hôm, mệt lả, vừa ra ngoài thì máy báo trục trặc, phải lập tức mặc trang phục phòng hộ và chạy xuống buồng bệnh. Chị Bích Hiền nhớ lại: “Thời gian đầu, cực lắm. Có những ngày, kết thúc tua trực, về khách sạn cách ly, tôi cảm thấy kiệt sức, nước mắt cứ chực rơi”. Sau đó, bệnh viện điều thêm 2 điều dưỡng chuyên chăm sóc bệnh nhân lọc máu xuống, thành ra mỗi tua có 2 điều dưỡng phụ trách công việc này, hỗ trợ nhau. Rồi khu dương tính được Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tặng mấy chục túi chống nóng. Vượt qua thử thách từ trang phục phòng hộ, các điều dưỡng có thể làm việc tại buồng bệnh suốt 5, 6 tiếng đồng hồ.

Sự hồi phục ngoạn mục của các bệnh nhân COVID-19 từng trải qua giờ phút “ngàn cân treo trên sợi tóc” như bà G, chị H, hay cụ H.R (93 tuổi, ở xã An Mỹ, huyện Tuy An) và một số bệnh nhân khác chính là động lực lớn lao để các “chiến sĩ áo trắng” ngày đêm vững vàng trên một mặt trận đầy cam go.

Tại khu dương tính của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, thở máy và lọc máu liên tục là những biện pháp sau cùng, nỗ lực sau cùng để cứu bệnh nhân COVID-19 nặng. Trong nhiều trường hợp, nỗ lực đó không mang lại kết quả. Với 2 lá phổi đông đặc, các tạng bị suy không thể hồi phục, bệnh nhân COVID-19 lặng lẽ rời khỏi cuộc đời. Họ không có người thân ở bên cạnh, cũng không còn khả năng cảm nhận bất cứ điều gì. Chỉ có điều dưỡng ở bên, nhẹ nhàng rút ống thở, tháo hết các dây truyền dịch, lau gương mặt mà sự sống đã rời bỏ, và tấm ga trắng phủ lên thay lời tiễn biệt.

Điều dưỡng Bích Hiền ngậm ngùi: “Có 2 mẹ con mắc COVID-19. Bệnh diễn tiến nặng rất nhanh. Bác sĩ chỉ định cho thở máy và lọc máu hấp phụ nhưng cũng không cứu được. SpO2 tụt dần, tụt dần; bệnh nhân ngưng tim ngưng thở. .

Rồi có 1 đêm, 2 bệnh nhân trong 1 buồng bệnh lần lượt tử vong. Nửa đêm, y bác sĩ đứng giữa 2 thi thể. Họ cảm nhận rõ hơn bao giờ hết sự kinh hoàng của đại dịch, sự mong manh của kiếp người.

*

Đợt “ra quân” đầu tiên, các y bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc bám trụ tại khu dương tính gần 4 tháng, trong thời điểm nóng nhất của đại dịch COVD-19 trên quê hương Phú Yên. “Bây giờ nghĩ lại, tôi không hiểu sao mình và các đồng nghiệp vượt qua những ngày tháng đó”, Bích Hiền thổ lộ. Bác sĩ Minh chia sẻ: “Trải qua dịch COVID-19, mình càng thêm trân quý cuộc sống”.

Còn nhớ trước đó, tại một hội nghị tập huấn điều trị COVID-19, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên Nguyễn Thị Mộng Ngọc đã nói với đồng nghiệp những lời gan ruột: “Nếu như dịch lan rộng thì bác sĩ các chuyên khoa khác nhau đều phải tham gia điều trị COVID-19. Chúng ta phải chiến đấu để xứng đáng với sứ mệnh mà xã hội đã tin tưởng giao cho chúng ta, trong thời điểm xã hội cần chúng ta nhất”.

Các thầy thuốc mà người viết bài này đã gặp ở khu dương tính, cùng với rất nhiều “chiến sĩ áo trắng” từng tận tâm tận lực chống dịch trên tuyến đầu, đã xứng đáng với sứ mệnh của họ.

PHƯƠNG TRÀ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/89/294953/ho-da-di-qua-nhung-thang-ngay-nhu-the.html