Hồ Chí Minh và ánh sáng độc lập, tự do cho dân tộc

Cách đây 110 năm, với ý chí, khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ dưới chế độ thực dân, phong kiến, ngày 05/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Gần 30 năm từ lúc ra đi cho đến khi trở về Tổ quốc, Nguyễn Tất Thành, sau này đã trở thành lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử cao cả mang đến cho nhân dân Việt Nam ngọn cờ và khát vọng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua (Pháp), tháng 12/1920.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua (Pháp), tháng 12/1920.

Ảnh: Tư Liệu

Trên con đường tìm chân lý của mình, Nguyễn Tất Thành đã đi đến “những đất tự do, những trời nô lệ”, tìm hiểu đời sống của các tầng lớp nhân dân lao động, giới thợ thuyền, những người nông dân nghèo khổ đến các nông thôn hẻo lánh ở New York, Luân Đôn, Pari, Thái Lan, Trung Quốc... để tìm hiểu, tham gia vận động và tổ chức các phong trào cách mạng.

Tháng 11/1917, Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại thắng lợi, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử xã hội loài người. Giữa năm 1923, Nguyễn Ái Quốc rời Pháp sang Liên Xô trực tiếp tìm hiểu và hoạt động tại quê hương V.I.Lênin, tìm hiểu kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười, quan sát trực tiếp nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, đồng thời tham gia hoạt động của Quốc tế Cộng sản. Với tầm nhìn chiến lược của một nhà cách mạng, kết hợp với thực tiễn Cách mạng Tháng Mười, Người đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Đó là con đường giải phóng dân tộc bị áp bức, định hướng con đường cứu nước, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam.

Đến năm 1924, sau 13 năm tìm đường cứu nước, Người rời nước Nga Xô Viết trở về phương Đông, Quảng Châu (Trung Quốc) gần Tổ quốc Việt Nam để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; ra tờ báo “Thanh niên”, mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ để tuyên truyền phổ biến chủ nghĩa Mác-Lênin, tạo nên những tác động trực tiếp đến sự chuyển biến của phong trào công nhân và phong trào yêu nước, Người chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam; khẳng định những đóng góp to lớn, vĩnh cửu đối với cách mạng dân tộc; khẳng định vai trò vĩ đại của Người thanh niên yêu nước chân chính, tài ba, lỗi lạc - Nguyễn Tất Thành.

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta từ ngày thành lập Đảng. Kiên định và thực hiện sáng tạo đường lối nhất quán ấy. Ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài trở về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đưa cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; chứng minh sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện. Suốt cuộc đời vì nước vì dân, di sản vô giá mà Người để lại cho Tổ quốc ta, nhân dân ta chính là tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh sáng ngời cùng thời gian.

Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tây Bắc tại thành phố Sơn La.

Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tây Bắc tại thành phố Sơn La.

Ảnh: Huy Ngoan

Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2021), chúng ta luôn ghi nhớ đây là mốc son vàng của lịch sử dân tộc, có ý nghĩa trong muôn triệu trái tim của mỗi người dân Việt Nam. Đối với Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng, Bác luôn dành sự quan tâm sâu sắc với tình cảm đặc biệt nhất. Cách đây 62 năm, nhân dịp Kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 4 năm thành lập Khu tự trị Thái - Mèo; ngày 7/5/1959, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Tây Bắc vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và làm việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn đồng bào, cán bộ, bộ đội toàn Khu nhiệm vụ thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, xây dựng đời sống mới ấm no, hạnh phúc. Bác chúc đồng bào, cán bộ, chiến sỹ Khu tự trị: “Người người mạnh khỏe, Đoàn kết chặt chẽ, Hăng hái thi đua, Thành công vui vẻ”. Những lời dạy ân tình, sâu sắc của Bác đã trở thành tư tưởng, là hành động cách mạng soi đường, dẫn dắt Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tây Bắc, Sơn La trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện lời Bác dạy, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc đã không ngừng phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, ra sức thi đua để xây dựng đời sống văn hóa mới, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, cùng cả nước thực hiện công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi. Đảng bộ, nhân dân các dân tộc đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, làm rạng danh quê hương và đóng góp quan trọng vào cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; nỗ lực phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi mặt của đời sống xã hội. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ luôn quan tâm nghiên cứu, xây dựng và chỉ đạo thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, đẩy mạnh CNH, HĐH, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt những năm gần đây, kinh tế của tỉnh từ chỗ tăng trưởng thấp đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Hàng trăm ngàn ha cây ăn quả, cây cà phê, chè, mía, sắn... tạo vùng nguyên liệu tập trung cho các nhà máy chế biến sản phẩm ở địa phương. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Các cơ chế, chính sách rộng mở, thông thoáng đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát, triển khai thực hiện nhiều dự án lớn. Nhiều công trình công nghiệp, kinh tế, hạ tầng du lịch được đầu tư và đi vào hoạt động có hiệu quả như: Khu Công nghiệp Mai Sơn, các nhà máy chế biến chè, sữa, rau quả tại Mộc Châu, Mai Sơn, Vân Hồ... Xây dựng nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, may mặc, giày da..., tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương. Ngành du lịch có nhiều bứt phá về loại hình và sản phẩm, hạ tầng du lịch được tập trung quy hoạch và đầu tư ngày càng đồng bộ, nhất là phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La luôn quan tâm tiếp tục ổn định đời sống đồng bào vùng di dân tái định cư thủy điện Hòa Bình và Sơn La; đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới...

Sự nghiệp giáo dục, y tế được quan tâm phát triển mở rộng đến tất cả địa bàn dân cư; tổ chức bán trú và nấu ăn tập trung cho học sinh thuộc các xã, bản còn đặc biệt khó khăn. Sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân được phát triển; mạng lưới cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư nâng cấp. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được chú trọng. Truyền thống và bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được gìn giữ và phát huy. Cùng với đó, các chính sách xã hội được tỉnh quan tâm thực hiện tốt, cơ bản đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân; đời sống các đối tượng chính sách được cải thiện và nâng lên đáng kể.

Công tác xây dựng Đảng đạt được nhiều kết quả tích cực, bộ máy chính quyền các cấp tiếp tục được kiện toàn, tinh gọn, tinh giản biên chế đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiềm lực quốc phòng, quân sự được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục giữ vững; quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế được tăng cường, mở rộng.

Những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La đã giành được, thể hiện tình cảm, ý chí và khát vọng vươn lên của mỗi người dân Sơn La, luôn đoàn kết đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn. Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La càng thấm nhuần sâu sắc giá trị tư tưởng của Bác; nhận thức rõ thành quả vẻ vang đạt được của ngày hôm nay để mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tiếp tục ra sức thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; noi theo tác phong giản dị, hoài bão cống hiến của Bác Hồ làm kim chỉ nam cho suy nghĩ và hành động, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, quyết tâm xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh, xanh và bền vững, cùng cả nước vững bước trên con đường đổi mới.

Ao cá Bác Hồ gắn với Quảng trường Tây Bắc tại thành phố Sơn La.

Ao cá Bác Hồ gắn với Quảng trường Tây Bắc tại thành phố Sơn La.

Ảnh: Huy Ngoan

Huy Ngoan

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ho-chi-minh-va-anh-sang-doc-lap-tu-do-cho-dan-toc-40178