Hít khói bụi nhiều dễ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

TTƯT.PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh có liên quan tới thuốc lá và ô nhiễm môi trường. Đây là bệnh mạn tính ở phổi, kéo dài không thể hồi phục trở lại như bình thường.

* Ngày 3/12/2016, BV Bạch Mai tổ chức khám và tư vấn miễn phí bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cho người dân

Một trong những bệnh hô hấp mạn tính hay gặp phải ở người thường xuyên phải tiếp xúc khói, bụi là COPD. Theo TTƯT.PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết, bệnh COPD là bệnh có liên quan tới thuốc lá và ô nhiễm môi trường. Đây là bệnh mạn tính ở phổi, kéo dài không thể hồi phục trở lại như bình thường. Sự suy giảm chức năng ở phổi nhanh hơn người bình thường, nếu không kiểm soát, nó sẽ tiến triển rất nhanh, thể hiện ở khả năng thở ra của mình.

TTƯT.PGS.TS Nguyễn Viết Nhung.

Về vấn đề khó thở, người bệnh COPD cần lựa chọn công việc phù hợp để tránh bị khó thở khi gắng sức. Khó thở có thể dẫn tới kích thích đợt cấp của tắc nghẽn phổi mạn tính. Bên cạnh đó cần phải giữ gìn để không bị viêm. Nếu ở người bình thường, bị viêm phế quản 1-2 tuần chữa rất đơn giản và sẽ nhanh khỏi, nhưng nếu ở bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản có thể là yếu tố để tạo ra một đợt cấp. Và theo đó, khó thở sẽ tăng lên, thở rít, ho nhiều hơn, đờm nhiều hơn.

PGS. Nhung cũng khuyến cáo, người bệnh mắc COPD cần tập luyện phù hợp. Tiếp theo là dinh dưỡng, đảm bảo không béo quá nhưng cũng không suy dinh dưỡng. Tập thở sẽ là biện pháp giảm quá trình suy giảm hô hấp, tập luyện giúp tăng sức bền và duy trì sức khỏe, không cần tập quá sức nhưng phải tập đều. Đối với vấn đề dùng thuốc, nên theo sự chỉ định và phác đồ của bác sĩ, và nên có một cơ sở y tế theo dõi điều trị.

Khám miễn phí bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cho người dân

Thông tin từ BV Bạch Mai cho biết, nhằm hưởng ứng ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu năm 2016 với chủ đề “Breathe in the knowledge – Thấu hiểu từng hơi thở”, trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án phòng chống Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và Hen phế quản, ngày 3/12/2016, BV Bạch Mai tổ chức khám và tư vấn miễn phí bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cho người dân khu vực Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Ảnh minh họa.

Người dân tới khám sẽ được các bác sỹ của Trung tâm Hô hấp của BV khám nội khoa, đo lưu lượng đỉnh kế, đo chức năng hô hấp, phát thuốc miễn phí cho các đối tượng mới được chẩn đoán mắc Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và đưa vào chương trình quản lý ngoại trú.

Những đối tượng đến khám là người dân trên 40 tuổi và có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau: Hút thuốc lá, thuốc lào trên 10 năm; Trực tiếp đun bếp (than, củi, rơm, rạ) trên 30 năm; Tiếp xúc khói, bụi, hóa chất nghề nghiệp; Khó thở nặng dần theo thời gian; Ho liên tục nhiều tháng, nhiều năm; Thường xuyên khạc đờm vào buổi sáng...

Người dân có thể đăng ký theo số điện thoại: (04) 3.629.1207; 0972.463.203 (liên hệ trong giờ hành chính). Email: duanbenhphoi@gmail.com để đặt lịch khám.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 12,6 triệu người trên thế giới tử vong vì ô nhiễm môi trường, tức là cứ 4 người chết thì có 1 người tử vong do hậu quả của việc sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm.

Tại Việt Nam, một kết quả đo và phân tích chỉ số không khí (AQI) trên địa bàn Hà Nội đầu tháng 10/2016 cho thấy, nhiều nơi tại thủ đô chất lượng không khí rất kém, do nồng độ bụi trong không khí cao, vượt mức cho phép, được xếp vào nhóm “rất không tốt cho sức khỏe” và nên hạn chế tiếp xúc. Điều này làm cho người dân thủ đô và dư luận rất lo ngại. Các chuyên gia y tế cảnh báo, con người sống trong môi trường bị ô nhiễm sẽ dẫn tới các căn bệnh nguy hiểm như các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, các bệnh về mắt hay thậm chí cả căn bệnh ung thư. WHO cho biết, mỗi năm có 1,4 triệu người chết vì mắc bệnh hô hấp mạn tính do ô nhiễm môi trường; 2,5 triệu người tử vong vì đột quỵ hay 1,7 triệu người chết vì ung thư đều có nguyên nhân do môi trường ô nhiễm.

D.Hải

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/hit-khoi-bui-nhieu-de-mac-benh-phoi-tac-nghen-man-tinh-n124681.html