Hình tượng rồng ở Hoàng thành Thăng Long

Di sản Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là một phần quan trọng của Cấm thành và Hoàng thành của Kinh đô Thăng Long xưa. Đây là trung tâm quyền lực của các vị vua từ triều đại Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Kinh đô Thăng Long thời vàng son chỉ còn lưu lại trong sử sách, hầu như không lưu dấu tích vật chất trên mặt đất. Sau rất nhiều cuộc khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dưới lòng đất khu di tích này hàng triệu di vật, trong đó, rất nhiều hiện vật gắn liền với hình tượng rồng – biểu tượng uy quyền của nhà vua, đồng thời là nguồn cảm hứng cho sáng tác nghệ thuật trên kiến trúc, vật dụng sinh hoạt hoàng cung với những họa tiết và trang trí độc đáo.

Bảo vật quốc gia - thềm rồng điện Kính Thiên.

Biểu tượng của uy quyền tuyệt đối

Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, rồng và những ý nghĩa mang tính biểu tượng đã góp phần tạo nên những giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Theo truyền thuyết, khi thuyền nhà vua đến nơi thì bỗng có rồng vàng hiện lên trên thuyền ngự. Nhân đó, vua Lý Thái Tổ quyết định đổi tên Đại La thành Thăng Long, có nghĩa là rồng bay lên. Biểu tượng rồng bay vừa mang ý nghĩa khát vọng cao đẹp, vừa phản ánh ý niệm thiêng liêng về cội nguồn Rồng Tiên của người Việt. Đó cũng là ước mơ về nguồn nước, mưa thuận gió hòa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Từ đó, Thăng Long trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng bậc nhất của quốc gia Đại Việt.

Tại kinh thành Thăng Long, rồng là biểu tượng của sự thiêng liêng, hiện thân cho sức mạnh và uy quyền tuyệt đối của nhà vua. Trải qua mỗi triều đại, hình tượng rồng lại có những thay đổi mạnh mẽ, chứa đựng những sắc thái riêng. Hiện nay, du khách đến tham quan khu di sản Hoàng thành Thăng Long có thể chiêm ngưỡng rất nhiều hiện vật độc đáo của kinh thành Thăng Long xưa, gắn liền với hình tượng này. Nổi bật và dễ thấy nhất có lẽ là 2 bảo vật quốc gia - bộ lan can đá thềm điện Kính Thiên với hai đôi rồng đá trang trí ở bậc thềm lên xuống phía trước và sau nền điện Kính Thiên. Đây được coi là những kiệt tác điêu khắc bằng đá còn sót lại ở Hoàng thành Thăng Long.

Báu vật Hoàng cung Thăng Long - bát sứ ngự dụng trang trí hình rồng.

Bảo vật quốc gia - hiện vật đầu rồng thời Trần.

Nhiều tư liệu cho thấy, điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 thời Lê, trên nền Điện Càn Nguyên thời Lý, Điện Thiên An thời Lý -Trần. Đến thời Nguyễn, vua Gia Long cho xây dựng một tòa thành mới theo kiểu Vauban, điện Kính Thiên thời Lê vẫn là trung tâm của khu hành cung thời Nguyễn, mặc dù quy mô đã thu hẹp hơn trước. Năm 1841, nhà Nguyễn đổi tên là điện Long Thiên. Năm 1886, người Pháp đã phá tòa điện này để xây dựng Sở chỉ huy pháo binh quân đội Pháp. Hiện nay chỉ còn nền cũ và hai bộ bậc thềm rồng đá. Thềm rồng phía trước điện Kính Thiên được tạo tác năm 1467 thời vua Lê Thánh Tông, từ Đông sang Tây dài 13m, tạo thành 3 lối lên xuống.

Lối chính giữa dành cho vua đi, hai bên dành cho quần thần. Đôi rồng ở giữa được tạo tác theo phong cách tả thực, bằng đá nguyên khối. Rồng dài 5,3m, chân có 5 móng tượng trưng cho vương quyền. Hai bên là rồng cách điệu vân mây, biểu tượng cho vũ trụ và trời đất. Thềm rồng phía sau điện được tạo tác khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Thân rồng dài 3,4m, chân có 5 móng như thềm rồng phía trước. Hai bên thành bậc trang trí hoa sen, uyên ương, sóng nước, mây lửa, đao mác, cá hóa rồng rất trau chuốt, tinh xảo. Đây là những di vật vô cùng quý giá, biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, trường tồn của văn hóa dân tộc Việt Nam.

Những dấu ấn độc đáo trong kiến trúc và đời sống Hoàng cung

Tư liệu của Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội cũng cho thấy, các đợt khai quật khảo cổ thời gian qua đã cho nhiều kết quả thú vị về hình tượng rồng trên trang trí kiến trúc Hoàng thành Thăng Long. Cụ thể, các loại gạch dẹt, gạch thông gió hình chữ nhật có in nổi hình rồng hoặc gạch ốp tường, gạch hai mặt trang trí rồng có kích thước, màu sắc và độ dày mỏng khác nhau. Thời Lý xuất hiện loại ngói úp nóc tạo theo hình khối lá đề, đặc biệt ngói ống lợp diềm mái kiến trúc trang trí hình rồng uốn lượn được tạo tác theo hình khối lá đề. Sang thời Lê, nhiều loại ngói ống, ngói trích thủy, ngói men vàng, men xanh lục được trang trí hình tượng rồng với chân 5 móng hoặc gắn vảy rồng nhấp nhô như sóng nước.

Trong khu di tích, các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy các phiến đá làm thành bậc hay lan can của nhiều công trình kiến trúc có chạm khảm hình đầu rồng hoặc phần thân rồng rất tinh tế. Tượng đầu rồng làm bằng đất nung với kích thước khá lớn còn được sử dụng để trang trí trên đầu hồi (góc mái) trong mối tương quan với phượng trong nhiều công trình kiến trúc. Đặc biệt, hiện vật đầu rồng thời Trần đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Đây là hiện vật nguyên gốc, là khối tượng tròn, cao 60cm và là một bộ phận quan trọng trong bộ sưu tập trang trí trên bộ mái kiến trúc truyền thống nói chung, kiến trúc thời Lý, Trần nói riêng.

Tượng đầu rồng thời Lê.

Các đợt khai quật khảo cổ những năm qua cũng cho thấy, một số lượng lớn đồ gốm có trang trí họa tiết hình rồng được phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long. Đa số những hiện vật này là những đồ dùng sinh hoạt của hoàng cung như bình, vò, bát, đĩa, chậu, âu, nắp với những dòng men trắng, men ngọc, men xanh lục, men vàng, men hoa nâu. Trong hàng triệu hiện vật được tìm thấy có rất nhiều loại đồ gốm sứ được sản xuất ở trình độ rất cao với họa tiết trang trí tinh xảo.

Trong số các hiện vật gốm trang trí họa tiết hình rồng được bảo quản tại khu di sản Hoàng thành, hiện có 2 bảo vật quốc gia. Trong đó, sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ - hiện vật độc bản, có giá trị đặc biệt về lịch sử, về văn hóa gắn với di tích khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long, với kỹ thuật chế tác gốm men lam ở trình độ cao, nhiệt độ nung cao, nung đơn chiếc, hoa văn tỉ mỉ và tinh xảo, cho thấy trình độ và thẩm mỹ của thợ gốm tài hoa. Hai bát sứ ngự dụng rất mỏng, trang trí hình rồng, ánh sáng có thể xuyên qua.

Nhiều chuyên gia nhận định, các hiện vật này đã cho thấy đẳng cấp và trình độ kỹ thuật sản xuất gốm sứ đích thực của Việt Nam trong lịch sử. Đây được coi là báu vật của Hoàng cung Thăng Long, qua đó khẳng định về trình độ công nghệ chế tác, về vẻ đẹp đỉnh cao và sang quý của những đồ sứ ngự dụng đích thực của các vua nhà Lê sơ do lò quan Thăng Long tạo tác…

Hoa Nguyễn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/hinh-tuong-rong-o-hoang-thanh-thang-long-i721140/