Hình tượng hổ trên cổ vật nổi tiếng thế giới của Việt Nam

Trên cổ vật tầm vóc quốc tế này, con hổ được tạo hình trong tư thế ngồi, đầu ngoảnh sang bên phải, giửa khung cảnh rừng rậm với cây cối, núi non, mây vờn...

Tháng 10/2021 vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chọn Bảo vật quốc gia Cửu Đỉnh nhà Nguyễn làm đối tượng xây dựng hồ sơ, trình Ủy ban Di sản Ký ức thế giới của UNESCO nhằm đánh giá và tôn vinh Bảo vật này ở tầm vóc quốc tế.

Di sản Ký ức thế giới là một trong những loại hình di sản được UNESCO quy định và vinh danh. Theo nhận định của TS. Phan Thanh Hải (Phó Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam) trong bài viết trên báo Văn hóa, Cửu Đỉnh hoàn toàn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của UNESCO về loại hình di sản này.

Cao đỉnh, chiếc đỉnh có vị trí trung tâm trong Cửu Đỉnh nhà Nguyễn.

Cụ thể, giá trị Di sản ký ức của Cửu Đỉnh được thể hiện qua 162 hình tượng khắc trên thân đỉnh, có thể ví như một bộ “Địa dư chí” về đất nước Việt Nam thế kỷ 19. 162 hình tượng này được ghi lại bằng một ngôn ngữ tạo hình đặc sắc, tuy không nhiều về số lượng, nhưng rất điển hình và hàm súc. Đó là những bức chạm độc lập, hoàn chỉnh, là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng của Việt Nam, giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học của người Việt xưa.

Trong Cửu Đỉnh nhà Nguyễn, Cao đỉnh là một chiếc đỉnh có vai trò đặc biệt. Đỉnh này nặng 2.603kg, được đặt ở vị trí trung tâm của 9 chiếc đỉnh, ứng với khám thờ vua Gia trong Thế Miếu ở hoàng thành Huế. So với 8 đỉnh còn lại, Cao đỉnh được đặt nhích về phía trước 3 mét với hàm ý thể hiện sự tôn kính vị vua sáng lập triều đại.

Hình tượng hổ trên Cao đỉnh.

Trên Cao đỉnh có khắc hình tượng “Hổ”, nghĩa là con hổ. Con vật này được tạo hình trong tư thế ngồi, đầu ngoảnh sang bên phải, giửa khung cảnh rừng rậm với cây cối, núi non, mây vờn. Theo quan niệm của người xưa, con hổ được coi là một biểu tượng cho sức mạnh tinh thần. Hình tượng hổ xuất hiện trong nhiều đến miếu của người Việt như một linh vật trấn trạch, có khả năng đuổi các thế lực tà ác, thường thể hiện qua biểu tượng “Hổ phù” hoặc “Tả Thanh long, Hữu Bạch hổ”.

Trên phương diện khoa học, hổ là loài thú thuộc họ Mèo, pháp danh là Panthera tigris. Trên thế giới còn 6 nòi (phân loài) hổ hiện hữu là hổ Hoa Nam, hổ Sumatra, hổ Siberia, hổ Mã Lai, hổ Đông Dương và Hổ Bengal. Tất cả các nòi này đều đã rơi vào tình trạng nguy cấp, số lượng không còn nhiều trong tự nhiên.

Các khu rừng rậm ở Việt Nam xưa từng là nơi sinh sống của nòi hổ Đông Dương. Cho đến giữa thế kỷ 20, số lượng của chúng vẫn còn khá nhiều. Do các hoạt động của con người như săn bắn và phá rừng mà số lượng hổ Đông Dương giảm dần và ngày nay gần như đã tuyệt chủng trong môi trường hoang dã ở Việt Nam.

Có thể nói, hình tượng hổ hiện diện trên cửu đỉnh Cửu Đỉnh vừa là sự tôn vinh loài hổ, vừa có ý nghĩa như một lời nhắc nhở của tiền nhân về trách nhiệm bảo tồn một loài vật có vai trò đặc biệt trong nền văn hóa dân tộc. Sẽ là điều vô cùng đáng buồn nếu con vật từng được khắc hình trên bộ cổ vật đẳng cấp thế giới của Việt Nam mãi mãi biến mất trong những khu rừng xanh.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/hinh-tuong-ho-tren-co-vat-noi-tieng-the-gioi-cua-viet-nam-1650835.html