Hình tượng Bác Hồ trong điện ảnh Việt Nam

Xây dựng hình tượng Bác Hồ trong văn học nghệ thuật nói chung, trong tác phẩm điện ảnh nói riêng là niềm khát khao cháy bỏng, vinh dự, tự hào nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức trong cuộc đời của mỗi văn nghệ sĩ. Bởi bên cạnh những đòi hỏi khắt khe, sự chỉn chu của từng bộ môn nghệ thuật, thì nguyên mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh - một nhân vật đặc biệt, một nhân cách lớn, người anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại của mọi thời đại, một tấm gương mẫu mực cho muôn đời sau học tập, noi theo thì không dễ để chuyển tải qua tác phẩm điện ảnh, ghi dấu ấn trong lòng công chúng.

Cảnh phim “Nhà tiên tri”. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Cảnh phim “Nhà tiên tri”. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Những tác phẩm điện ảnh xuất sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong nền điện ảnh nước nhà, có thể thấy, từ những năm kháng chiến cứu nước gian khổ, Điện ảnh Việt Nam tuy còn non trẻ và thiếu thốn, nhưng đã có những bộ phim tài liệu đầu tiên về Bác Hồ kính yêu. Năm 1960, chúng ta có phim tài liệu đầu tiên về Người, nhưng cho mãi tới tận năm 1990 mới có phim truyện điện ảnh về Bác Hồ kính yêu.

Trong đó, các bộ phim tài liệu đặc sắc về Bác như: “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” (đạo diễn Quang Huy, 1960); “Bác Hồ sống mãi” (đạo diễn Nguyễn Quang Trung, Lại Văn Sinh, 1970); Chúng con nhớ Bác (đạo diễn Nguyễn Văn Thông, 1973); “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh” (đạo diễn Phạm Kỳ Nam, 1974); “Những giờ phút cuối đời Bác Hồ, Bác đi chiến dịch” (đạo diễn Phạm Quốc Vinh, 1990); “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người” (đạo diễn Bùi Đình Hạc, 1990)...

Phim truyện điện ảnh thì mãi tới kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người, năm 1990, chúng ta mới có phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn" (đạo diễn: Long Vân, kịch bản: Sơn Tùng), một bộ phim đã để lại dấu ấn cho khán giả đến tận hôm nay.

Sau bộ phim này, nhiều nhà biên kịch, đạo diễn bắt đầu tìm tòi thể hiện hình ảnh Bác với những lát cắt khác nhau. Năm 2003, đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi và Viên Thế Kỷ đưa lên màn ảnh câu chuyện “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”. Năm 2010, đạo diễn Vũ Châu làm “Nhìn ra biển cả” tái hiện một giai đoạn ngắn khi Bác làm giáo viên thể dục tại Trường Dục Thanh (khoảng năm 1910-1911). Năm 2015, đạo diễn Vương Đức làm phim “Nhà tiên tri”, khắc họa hình ảnh Bác trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp gian khổ. Năm 2015, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng hoàn thành bộ phim “Thầu Chín ở Xiêm” tái hiện quãng thời gian hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc tại Xiêm (Thái Lan) với bí danh Thầu Chín. Năm 2016, đạo diễn Triệu Tuấn và Phạm Đông Vũ cho ra mắt phim “Vượt qua bến Thượng Hải”, kể về hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vào năm 1934, khi Người vừa thoát khỏi vụ án ở Hồng Kông, đang chuẩn bị cho cuộc hành trình từ Hồng Kông tới Thượng Hải, rồi từ đây tìm đường sang Liên Xô...

Hai bộ phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn" và "Nhìn ra biển cả" cho khán giả thấy được tài năng, phẩm chất và bản lĩnh của vị Cha già kính yêu của dân tộc được nung nấu ngay từ khi còn là chàng trai trẻ mang trong mình khát vọng, hoài bão lớn lao, đó là giải phóng dân tộc, cứu nước, cứu dân; rồi những suy tư, trăn trở trước sự lựa chọn con đường đấu tranh, nếu theo các vị tiền bối thì sẽ lại rơi vào bế tắc, thất bại. Và chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết chí dấn thân tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, dẫn dắt nhân dân làm cuộc cách mạng tự giải phóng cho dân tộc mình.

Tài năng, bản lĩnh và phẩm chất tuyệt vời ấy tiếp tục được các nhà làm phim khai thác, thể hiện qua những bước đường cách mạng của Người, từ Thái Lan trong phim "Thầu Chín ở Xiêm", qua Hồng Kông trong phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong", tới Hạ Môn, Thượng Hải trong phim "Vượt qua bến Thượng Hải", cho đến những ngày mùa Đông ở Hà Nội trong phim "Hà Nội mùa Đông năm 46" và những năm tháng khốc liệt nơi chiến khu Việt Bắc trong phim "Nhà tiên tri".

Từ kịch bản hay đến bộ phim đáng được mong đợi

Một thông tin vui đối với khán giả yêu điện ảnh, đó là, nhân dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024) và 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2024), bộ phim "Vầng trăng thơ ấu" do Công ty cổ phần phim Giải Phóng sản xuất sẽ ra mắt khán giả từ ngày 17/5/2024, tại các cụm rạp trên toàn quốc.

Dự kiến, bộ phim "Vầng trăng thơ ấu" sẽ ra mắt khán giả từ ngày 17/5/2024, tại các cụm rạp trên toàn quốc. Ảnh: Thủy Lê

Dự kiến, bộ phim "Vầng trăng thơ ấu" sẽ ra mắt khán giả từ ngày 17/5/2024, tại các cụm rạp trên toàn quốc. Ảnh: Thủy Lê

Kịch bản “Vầng trăng thơ ấu” từng đạt giải Ba Cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020 do Cục Điện ảnh tổ chức. Đảm nhận vai trò đạo diễn, Hồ Ngọc Xum cho biết, ông tin, bộ phim đến với mình như một cơ duyên. Giai đoạn đó, ông đang thực hiện một bộ phim truyền hình khác thì được ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần phim Giải Phóng gọi điện mời. “Lúc đó, tôi chưa có ý định làm bộ phim này. Nhưng khi đọc xong kịch bản, có một vài chi tiết khiến tôi rất thú vị. Trước khi đồng ý, tôi quyết định đi Huế và Nghệ An một chuyến để tìm hiểu tình hình thực tế” - đạo diễn Hồ Ngọc Xum cho biết.

Đạo diễn Hồ Ngọc Xum cũng hé lộ, điều khiến ông thích thú và tâm đắc nhất với dự án lần này, đó là khắc họa tuổi thơ của Bác Hồ là một thiếu nhi hồn nhiên, bình dị với không ít trò nghịch ngợm, tinh quái của trẻ thơ như bao đứa trẻ khác. Bộ phim cũng không đi theo hướng “thần thánh hóa” cuộc đời của Bác Hồ. Nhưng từ chính những tình huống đời thường dựa trên óc quan sát, sự thông minh, lòng hiếu thảo... đã góp phần nuôi dưỡng những hạt mầm để tạo nên một nhân cách lớn của một vị lãnh tụ sau này. Có thể nói, giai đoạn sống ở Huế với rất nhiều biến cố gia đình, cùng những biến thiên của lịch sử, xã hội đã giúp cậu bé Nguyễn Sinh Cung trưởng thành rất nhiều cả về tư duy, nhận thức và là tiền đề cho những quyết định đúng đắn về sau.

Ngoài việc bám sát lịch sử với phần cố vấn của các chuyên gia, phim cũng sẽ có những chi tiết hư cấu, song đều dựa trên những tư liệu truyền miệng để người xem dễ thuyết phục. Phim có sự tham gia của dàn diễn viên gồm: Trần Việt Bắc, Ngô Lệ Quyên, Phạm Hữu Đại, Lưu Văn An, Bạch Công Khanh, Nguyễn Ngọc Kim Ngân, Ali Quang Khải, Bùi Nguyễn Hoàng Phúc, Nguyễn Hồ Nhật Minh, Trần Đức Tuấn Hùng...

Có thể nói, tất cả những bộ phim kể trên đều là những lát cắt, gắn với từng giai đoạn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua mỗi bộ phim, người xem thấy được một phần chân dung vừa bình dị, vừa vĩ đại của Bác Hồ. Những thước phim về Bác luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả bởi không chỉ dựng lại hình ảnh của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, mà còn lột tả được từng chặng đường gian nan, đầy chông gai, thử thách trong hành trình cứu nước của Người. Phấn đấu thể hiện thành công hình tượng Bác Hồ trong văn học nghệ thuật nói chung và trên màn ảnh nói riêng, chính là mỗi nhà làm phim đang thiết thực cùng quân dân cả nước đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thủy Lê

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hinh-tuong-bac-ho-trong-dien-anh-viet-nam-post475770.html