Hình tượng Bác Hồ trên sân khấu truyền thống

Ra mắt tối 19 - 20.5 tại Nhà hát lớn Hà Nội, vở kịch hát 'Nợ nước non' khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những ngày thơ ấu đến khi Người ra đi tìm đường cứu nước, góp thêm những hình ảnh đẹp về Bác trên sân khấu truyền thống.

Cách thể hiện phong phú, đa dạng

Kịch hát “Nợ nước non” của tác giả Nguyễn Thế Kỷ, NSND Triệu Trung Kiên đạo diễn, Nhà hát Cải lương Việt Nam thực hiện, là phần đầu dự án nghệ thuật mang tính sử thi về Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắc họa giai đoạn thiếu thời cho đến khi Người lên tàu sang Pháp tìm đường cứu nước. Hai phần còn lại sẽ được dàn dựng trong hai năm tiếp theo. Vở diễn có sự kết hợp giữa cải lương và nhiều loại hình âm nhạc truyền thống như dân ca ví dặm xứ Nghệ, ca Huế, bài chòi và dân ca Nam Bộ. Tác phẩm khắc họa hình ảnh Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, cùng mẹ Hoàng Thị Loan, cha Nguyễn Sinh Sắc… trong không gian văn hóa các vùng miền từ Bắc tới Nam; đặc biệt là sự đổi thay, trưởng thành về nhận thức, lòng yêu nước, chí căm thù quân xâm lược, nung nấu quyết tâm tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.

Theo NSND Triệu Trung Kiên, chuyện về Bác nhiều người đã biết, đã thuộc nhưng thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, mỗi nghệ sĩ sẽ kể lại theo cách riêng của mình, bảo đảm vở diễn mang tính nghệ thuật cao, khán giả thấy thuyết phục. “Nợ nước non” được dàn dựng với ngôn ngữ nghệ thuật tổng hợp, có cả ca, múa, nhạc, tạo nên nhiều cảnh diễn nghệ thuật xúc động, lôi cuốn…

Trước đó, vở tuồng “Không còn đường nào khác” của Nhà hát Tuồng Việt Nam, nhạc kịch “Người cầm lái” của Nhà hát Công an Nhân dân, hay chương trình nghệ thuật “Tên Người sáng mãi” với chùm kịch ngắn “Đoàn kết là sức mạnh”, “Đôi mắt sáng” và “Bác Hồ và mùa xuân năm ấy” của Nhà hát Kịch Việt Nam cũng lần lượt ra mắt công chúng Thủ đô. Các tác phẩm tập trung khai thác cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ lúc Người ra đi tìm đường cứu nước, chèo lái con thuyền cách mạng, giải phóng và thống nhất đất nước. Với nhiều cách chuyển tải, các câu chuyện nhắc nhớ mỗi người về những bài học mà Bác để lại, những lời dặn dò đầy sâu sắc và tình yêu của Bác dành cho Nhân dân, đất nước.

Một cảnh trong vở tuồng "Không còn đường nào khác" của Nhà hát Tuồng Việt Nam

Áp lực và tự hào

Thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu là vinh dự, tự hào nhưng cũng đầy áp lực với các văn nghệ sĩ. Theo PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, từng có hàng chục tác phẩm sân khấu thể hiện hình tượng Bác Hồ. Các tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên, thiết kế sân khấu, phục trang… đều có lợi thế riêng nhưng cũng gặp không ít khó khăn. “Nói như vậy bởi lâu nay tác phẩm văn học nghệ thuật về Bác, hình tượng Bác đã được xây dựng rất nhiều và khá thành công. Khai thác những gì người trước đã làm mà vẫn tìm được cái mới thực sự không đơn giản. Vì vậy, cần có những sáng tạo như xây dựng các câu chuyện của Bác trong đời thường, đối với đạo diễn; sức cảm hóa, lay động của Người tới Nhân dân và bạn bè quốc tế qua thể hiện ánh mắt, giọng nói, cử chỉ, nếu là diễn viên; hay việc tôn trọng lịch sử trong thiết kế sân khấu, phục trang… để tác phẩm có sức sống, hấp dẫn khán giả”.

Đồng quan điểm, NSND Lê Tiến Thọ cho biết, ông đã gặp một số thách thức khi xây dựng hình tượng Bác Hồ trong vở tuồng “Không còn đường nào khác”, nhất là cảnh diễn Bác Hồ gặp gỡ đồng bào miền Nam. Ở bản diễn trước đây do cố đạo diễn Đoàn Anh Thắng dàn dựng, hình tượng Bác Hồ chưa được xây dựng như một nhân vật chính mà chỉ xuất hiện ở thời khắc khi cách mạng miền Nam đang bị Mỹ - Diệm đàn áp khốc liệt. “Trong lần phục dựng, tôi đã để nhân vật Bác Hồ thoại và hát tuồng trong cảnh gặp gỡ đồng bào miền Nam. Đây là lần đầu tiên Bác Hồ hát và diễn trên sân khấu tuồng. Sự táo bạo này khiến tôi và nghệ sĩ trẻ Trần Long (vai Bác Hồ) đã rất vất vả để luyện tập từ giọng nói cho tới phong thái và cử chỉ. Xử lý này may mắn đã trở thành điểm nhấn cho thành công của tác phẩm”.

Nghệ sĩ Minh Hải, vai Nguyễn Tất Thành trong kịch hát “Nợ nước non” cũng khá lo lắng khi nhận vai diễn này. “Tuy nhiên, từ lòng ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự hào khi được hóa thân vào hình ảnh một vĩ nhân, qua thời gian tập tôi thấy tự tin hơn, áp lực cũng vơi dần. Tôi nhìn vào thành công của nghệ sĩ Tiến Hợi để thêm động lực cho mình, nỗ lực giảm 6 cân để có dáng hình thư sinh, khuôn mặt gầy xương xương; nghiên cứu tư liệu để thể hiện tinh thần, phong thái của Người… để có một hình tượng Nguyễn Tất Thành đúng với ý đồ mà tác giả và đạo diễn mong muốn.

Trực tiếp diễn, xem và tham gia nhiều chương trình, vở diễn về Bác Hồ, NSƯT Lê Chức cho biết, nghệ sĩ không chỉ đóng vai Bác mà là thể hiện hình tượng nghệ thuật về Bác bằng trái tim và lòng tôn kính đối với vị lãnh tụ của dân tộc. Mỗi nghệ sĩ đều có một Bác Hồ của riêng mình, thông qua trí tưởng tượng của chính họ. “Tôi tin các tác phẩm sân khấu thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sẽ luôn luôn hấp dẫn khán giả”.

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/hinh-tuong-bac-ho-tren-san-khau-truyen-thong-i289057/