Hình thành vùng nguyên liệu tập trung đối với sản phẩm chủ lực

Huyện Cầu Ngang có thế mạnh về nông nghiệp, cây trồng chính của huyện là lúa, màu thực phẩm (dưa hấu, bí đỏ, bắp...), màu công nghiệp ngắn ngày (đậu phộng); phát triển về chăn nuôi gia súc (bò, heo); thủy sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển mạnh về nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

Vuông nuôi tôm của gia đình nông dân Võ Văn Linh, ấp Năm, xã Mỹ Long Nam.

Vuông nuôi tôm của gia đình nông dân Võ Văn Linh, ấp Năm, xã Mỹ Long Nam.

Xác định tôm sú, tôm thẻ chân trắng là sản phẩm chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, đây là sản phẩm có tỷ trọng giá trị sản xuất lớn nhất so với giá trị sản xuất của các sản phẩm khác trên địa bàn huyện. Cùng với việc khai thác có hiệu quả vùng đất hoang hóa phèn mặn cánh đồng Tây để nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng; năm 2022, diện tích nuôi tôm sú là 2.750ha, sản lượng đạt 7.500 tấn; diện tích nuôi tôm thẻ 4.470ha, sản lượng đạt 22.550 tấn; tổng giá trị sản xuất của con tôm 2.595 tỷ đồng (chiếm 63,4 tổng giá trị sản xuất của ngành thủy sản), cao gấp 1,5 lần giá trị sản xuất của trồng trọt, gấp 4,3 lần giá trị sản xuất của chăn nuôi.

Huyện đã có 4.280ha vùng sản xuất tôm tập trung ở các xã: Hiệp Mỹ Tây, Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Đông, Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn có áp dụng sản xuất an toàn và phát triển bền vững; sản xuất không tác động xấu tới môi trường đất, nước và hệ sinh thái xung quanh khu vực sản xuất. Thực hiện áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hiện trên địa bàn huyện đã chuyển đổi từ nuôi tôm thâm canh sang thâm canh trên ao lót bạt với diện tích trên 130ha. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn huyện có 7.856 lượt hộ thả nuôi tôm với số trên diện tích 3.886ha; có 4.917 hộ thu hoạch với sản lượng 11.806 tấn.

Điển hình như nông dân Võ Văn Linh, ấp Năm, xã Mỹ Long Nam là một trong những hộ chuyển thành công từ nuôi tôm thâm canh sang nuôi thâm canh trên ao lót bạt đạt lợi nhuận bình quân từ 100 - 300 triệu đồng/năm.

Ông Linh cho biết: với 3,7ha đất nuôi tôm, ông thiết kế 08 ao, mỗi ao ông thả nuôi 250.000 con xoay vòng các ao liên tục trong năm. Vụ nuôi năm 2023, ông thả nuôi 02 đợt khoảng 03 ao được mùa nhưng thất giá, bình quân 70 con tôm/kg giá bán 102.000 đồng/kg, 50 con/kg, giá bán 110.000 đồng/kg, lợi nhuận 180 triệu đồng. Sắp tới ông chuẩn bị thu hoạch 01 ao, sản lượng ước đạt hơn 01 tấn, lợi nhuận ước đạt trên 100 triệu đồng.

Nghề nuôi thủy sản trên địa bàn huyện tuy phát triển, mở rộng trong nhiều năm qua nhưng từ quy hoạch vùng nuôi bán thâm canh sang thâm canh và thâm canh mật độ cao mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Tuy nghề nuôi thủy sản trên địa bàn còn gặp khó khăn nhưng huyện đang tập trung quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Song song đó, việc đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn từng bước phát triển. Các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã từng bước hình thành và phát triển đa dạng, phù hợp với điều kiện sản xuất của huyện, một số mô hình liên kết hiệu quả như: mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, năng suất bình quân 5,8 tấn/ha, có trên 6.000ha sản xuất lúa chất lượng cao tập trung ở các xã Kim Hòa, Hiệp Hòa, Nhị Trường, Trường Thọ, Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn; mô hình sản xuất lúa giống, năng suất trung bình 06 tấn/ha, thực hiện ở 02 xã Hiệp Hòa, Trường Thọ; mô hình sản xuất lúa hữu cơ, năng suất bình quân khoảng 4,5 tấn/ha thực hiện ở các xã: Long Sơn, Mỹ Hòa, Vinh Kim, Hiệp Hòa và Kim Hòa, có hợp đồng với công ty hỗ trợ đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra; mô hình nâng cao tầm vóc đàn bò (Zebu hóa đàn bò) bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo được xây dựng, triển khai và nhân rộng trên địa bàn huyện thông qua hình thức cho vay vốn… Hiệu quả từ các mô hình đã giúp cho nông dân có thu nhập ổn định, thay đổi cách nghĩ, cách làm, đưa khoa học - kỹ thuật công nghệ vào sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm và thân thiện môi trường, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.

Công tác phát triển nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp được tăng cường, công tác khuyến nông từng bước đi vào chiều sâu; trung bình hàng năm, tỉnh và huyện đầu tư xây dựng từ 05 - 10 mô hình trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương; đồng thời liên kết tổ chức các cuộc hội thảo về phân bón, thức ăn gia súc nhằm giới thiệu một số sản phẩm và các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới cho nông dân học hỏi.

Thực hiện chuỗi nâng cấp giá trị cây lúa, cây màu, nuôi tôm, áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, đến nay có hơn 70% diện tích sử dụng giống lúa chất lượng cao và sử dụng giống lúa xác nhận; 100% khâu làm đất, bơm tát nước, 90% khâu gặt tuốt lúa đều sử dụng bằng máy; áp dụng tưới tiết kiệm nước, trồng bằng màng phủ nông nghiệp, sản xuất trong nhà màng, nhà lưới, nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao,… tiếp tục mở rộng diện tích; việc sản xuất tuân thủ lịch thời vụ và chủ động phòng, trừ sâu bệnh, nhờ đó năng suất, sản lượng đều tăng hàng năm.

Đến nay trên địa bàn huyện đã thực hiện các mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ như: trồng xoài cát Hòa Lộc theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 23ha; nuôi tôm thâm canh mật độ cao với diện tích trên 130ha; mô hình trồng lúa hữu cơ diện tích 60ha; xây dựng 13 nhà lưới diện tích 2,44ha… Nhìn chung, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ, hướng đến công nghệ cao bước đầu đã khởi động và từng bước tạo sự chuyển biến về tư duy, phương thức tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chuỗi giá trị, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường có sự tham gia hợp tác của các thành phần kinh tế.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Ngà, Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang, việc xây dựng và phát triển “Mỗi xã một sản phẩm” được huyện quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện. Tính đến nay, trên địa bàn huyện đã có 22 sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận. Năm 2023, huyện đăng ký mới 21 sản phẩm và 05 sản phẩm cấp lại sao; đồng thời chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với các xã hỗ trợ xây dựng và củng cố các sản phẩm OCOP của huyện như: xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa và hoạt động thương mại điện tử Cầu Ngang.

Thời gian tới, huyện tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt nuôi thủy sản. Thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt công tác tiêm phòng trên đàn vật nuôi. Chỉ đạo xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP. Quản lý, khai thác tốt các công trình thủy lợi, vận hành nước, kịp thời ngăn mặn, ngăn triều cường đảm bảo phục vụ tốt sản xuất. Đẩy nhanh tiến độ thi công công trình thủy lợi nội đồng, đảm bảo phục vụ nuôi thủy sản.

Bài, ảnh: MẪN QUÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/hinh-thanh-vung-nguyen-lieu-tap-trung-doi-voi-san-pham-chu-luc-28908.html