Hình thành thói quen phân loại rác cho người dân

Từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực. Trong đó, việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua hoạt động rác thải là một trong những điểm mới được Luật quy định. Lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần kiểm soát ô nhiễm, hướng tới phát triển bền vững.

Dây chuyền xử lý rác tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình.

Dây chuyền xử lý rác tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình.

Điểm mới tại Luật, người thu gom rác có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật (trừ những hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định tại Luật). Để người dân nâng cao nhận thức, chung tay bảo vệ môi trường, việc phân loại rác tại nguồn, từ hộ gia đình đã có sự vào cuộc, đóng góp, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương.

Đồng chí Lã Thị Anh Đào, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thịnh (huyện Yên Mô) cho biết: Thực hiện kế hoạch của UBND xã về công tác bảo vệ môi trường, các cấp Hội, đoàn thể đã tuyên truyền cho hội viên, nhân dân trong xã thực hiện tốt công tác phân loại rác thải. Việc tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường, phân loại rác thải qua các cuộc họp, qua hệ thống Đài truyền thanh, qua hệ thống mạng xã hội.

Hiện xã đã có 70% hộ phân loại rác thải. Xã cũng đã xây dựng được 15 bể rác hữu cơ và tổ chức thu gom tuần 2 lần (vào ngày thứ 5 thu rác hữu cơ, ngày chủ nhật thu rác hữu cơ và vô cơ). Rác hữu cơ được tổ thu gom xử lý ngay tại bể; rác vô cơ sẽ được chuyển đến Nhà máy xử lý chất thải rắn để xử lý, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Theo quy định, đối với chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải phù hợp với quy định của pháp luật về giá, dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Đồng chí Đinh Xuân Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần môi trường đô thị Tam Điệp cho biết: Thực hiện Đề án phân loại rác tại nguồn của UBND thành phố Tam Điệp, với chức năng là đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rác, Công ty đã tích cực tham mưu cho UBND thành phố cùng với UBND các phường, xã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại rác ngay tại hộ gia đình theo hướng, mỗi hộ dân sẽ được phát 2 thùng đựng rác, gồm chất thải dễ phân hủy và chất thải khó phân hủy. Khi rác được tập kết, Công ty sẽ sử dụng 2 phương tiện để thu gom và vận chuyển đưa vào Nhà máy xử lý chất thải rắn, giảm thiểu lượng rác cho đơn vị xử lý.

Ngoài công tác tuyên truyền, thành phố cần đầu tư trang bị thêm phương tiện cho đơn vị thu gom để thực hiện hiệu quả Đề án. Hiện nay, Công ty đã thực hiện thu gom rác tại 120/120 thôn, tổ dân phố và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố; quét dọn, vệ sinh vỉa hè, mặt đường đối với các tuyến phố, với trên 60 tấn rác mỗi ngày. Việc triển khai Đề án sẽ nâng cao nhận thức người dân về phân loại rác thải tại nguồn, xây dựng nếp sống đô thị văn minh.

Anh Đinh Văn Chương, công nhân Đội vận hành, Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình cho biết: Rác thải chưa được phân loại tại nguồn thường lẫn nhiều tạp chất như gạch đá, thủy tinh, vải, bóng đèn điện, bơm kim tiêm… Vì vậy, công nhân phải phân loại chất thải hữu cơ và chất thải rắn bằng tay trực tiếp trên băng tải để tăng hiệu quả sản xuất phân vi sinh, góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Lã Phú Dũng, Giám đốc Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình cho biết: Hiện có 8/8 huyện, thành phố trong tỉnh vận chuyển rác thải đến xử lý tại Nhà máy. Tháng 6/2014, khi đi vào hoạt động chính thức, lượng rác được vận chuyển vào Nhà máy trung bình khoảng 150 tấn/ngày. Đến thời điểm hiện tại, trung bình mỗi ngày, Nhà máy tiếp nhận và xử lý khoảng 340 tấn rác/ngày. Rác được xử lý bằng 2 hình thức chính, gồm phân loại, xử lý, sản xuất phân vi sinh khoảng 60 tấn/ngày và chôn lấp hợp vệ sinh khoảng 310 tấn/ngày (280 tấn rác vận chuyển trực tiếp đến khu xử lý và 30 tấn sau khi phân loại xử lý tại Nhà máy sản xuất phân vi sinh).

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là do lượng rác tăng nhanh, rác chưa phân loại tại nguồn, nên rất khó khăn cho việc xử lý và có nguy cơ quá tải khu chôn lấp rác trong khoảng 5 năm tới. Đồng thời, do tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19 hết sức phức tạp, đã phát sinh lượng rác thải sinh hoạt nhất định có lẫn các vật tư y tế từ các hộ dân đang cách ly và điều trị COVID-19 tại nhà hoặc tại các cơ sở khác…

Trên thực tế, trong quá trình phân loại rác thải để sản xuất phân vi sinh, công nhân thường xuyên phát hiện que test nhanh COVID-19 dương tính và các vật tư y tế phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19, tiềm ẩn nguy cơ cao lây lan dịch bệnh, nguy hiểm trực tiếp tới sức khỏe và gây tâm lý hoang mang cho công nhân viên trong quá trình phân loại, sản xuất.

Có thể thấy, việc thay đổi thói quen, nâng cao ý thức của con người là yếu tố quyết định đến việc phân loại rác thải tại nguồn, giảm ô nhiễm môi trường, giảm áp lực diện tích chôn lấp, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, hướng tới cuộc sống xanh, bền vững.

Bài, ảnh: Phương Anh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hinh-thanh-thoi-quen-phan-loai-rac-cho-nguoi-dan/d2022022405153227.htm