Hình ảnh cây trôi cổ thụ hơn 300 tuổi ở Nghệ An chết khô sau khi tôn tạo

Sau khi tôn tạo chưa được bao lâu thì cây trôi cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở Nghệ An đã chết khô trong sự luyến tiếc của người dân.

Những ngày qua, hàng trăm người dân xóm Yên Lạc (xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, Nghệ An) vô cùng nuối tiếc khi cây trôi cổ thụ hơn 300 năm tuổi bị héo khô, chết dần. (Ảnh: Giáo dục và Thời đại).

Ông Nguyễn Mạnh Quý - Bí thư Chi bộ xóm Yên Lạc (xã Thanh Ngọc) cho biết, làng Yên Lạc hình thành từ cách đây 500 năm, cây trôi này là chứng tích lịch sử của làng. (Ảnh: Báo Phụ nữ TP HCM).

Người dân địa phương cho biết thêm, trong chiến tranh, máy bay Mỹ đã ném 2 quả bom xuống gần cây trôi, nhưng cây trôi không bị ảnh hưởng gì nhiều. Sau khi hố bom cạnh đó được san lấp lại, cây trôi tiếp tục phát triển xanh tốt. (Ảnh: Infonet).

Những năm qua, người dân xóm Yên Lạc đã kè đá, trồng cây ven sông để đất không bị lở, đe dọa đến cây trôi nhằm giữ gìn giá trị của di sản này. (Ảnh: Văn hóa và Phát triển).

Trong một thời gian ngắn, người dân xóm này đã tự nguyện đóng góp hơn 200 triệu đồng. Đầu năm 2020, kế hoạch này được thực hiện. Xóm này đã thuê người chở đất màu về để tôn cao nền đất quanh gốc cây và xây bờ kè để bảo vệ cây và tạo cảnh quan với mục tiêu là biến khu đất 4.000m2 này thành “công viên lịch sử” để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. (Ảnh: Văn hóa và Phát triển).

Trong quá trình thi công, ban xây dựng của xóm cũng đã bón 1 bao phân đạm NPK 25kg xung quanh cây và bù đất cao khoảng 1m quanh khu vực gốc cây. (Ảnh: Infonet).

Sau khi được chăm sóc, cây trôi ra lá non, nhưng sau đó một thời gian thì xuất hiện rất nhiều sâu ăn lá nên xóm đã thuê người đến phun thuốc trừ sâu cho cây. (Ảnh: Infonet).

Khoảng tháng 4/2022, cây trôi bị rụng hết lá và có dấu hiệu chết khô, thân cây, cành cây đã bị mục, nhiều mảng vỏ bị bong tróc… (Ảnh: Infonet).

Theo quan sát, gốc cây trôi này có đường kính hơn 4m (khoảng 10 người ôm không xuể), cao hàng chục mét, cành tỏa rộng, gốc cây có nhiều ụ lớn... (Ảnh: Văn hóa và Phát triển).

Cành cây trôi bắt đầu mục nát, chỉ còn lớp cây tầm gửi xanh tốt bám bên trên. (Ảnh: Tiền Phong).

Dưới gốc cây trôi, vỏ cây bị bóc ra từng mảng lớn. (Ảnh: Infonet).

Cây trôi cổ thụ chết khô sau khi được dân làng “bảo dưỡng”. (Ảnh: Infonet).

Ông Trịnh Văn Thưởng - Chủ tịch UBND xã Thanh Ngọc (huyện Thanh Chương) thông tin thêm, Chi bộ và Ban chỉ huy xóm đã tiến hành họp nhân dân để tìm phương án xử lý cây trôi này. (Ảnh: Văn hóa và Phát triển).

Khánh Hoài (Tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/hinh-anh-cay-troi-co-thu-hon-300-tuoi-o-nghe-an-chet-kho-sau-khi-ton-tao-1739335.html