Hiệu ứng domino có xảy ra khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo

Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ gây lo ngại về tình trạng thiếu hụt gạo và tiềm tàng lạm phát lương thực toàn cầu. Điều này đặt áp lực lên các quốc gia xuất khẩu gạo khác như Thái Lan và Việt Nam.

Các nhà phân tích nhấn mạnh rằng hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ có thể gây tác động sâu và rộng đến nguồn cung và giá cả vì Ấn Độ hiện chiếm hơn 40% thương mại gạo toàn cầu so với mức khoảng 22% cách đây 15 năm. Hiệu ứng này tương tự như những hạn chế đã xảy ra vào năm 2007 và 2008, khi nhiều quốc gia phải hạn chế xuất khẩu để bảo vệ người tiêu dùng trong nước.

“Việc một nước xuất khẩu gạo phải đối mặt với nguồn cung khan hiếm và giá trong nước cao là không thể chấp nhận được”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên.

Nguồn cung gạo toàn cầu có bị thắt chặt?

Thái Lan, Việt Nam và Pakistan, lần lượt là các nước xuất khẩu lớn thứ hai, thứ ba và thứ tư thế giới, cùng khẳng định sẽ đảm bảo nguồn cung gạo trong nước và tăng xuất khẩu mà không ảnh hưởng đến người tiêu dùng trong nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cho biết vào tuần trước: “Việc một nước xuất khẩu gạo phải đối mặt với nguồn cung khan hiếm và giá trong nước cao là không thể chấp nhận được”.

Một thương nhân tại một công ty thương mại quốc tế cho biết: "Khoảng 200.000 tấn gạo đã được xuất khẩu trong tháng này trong khi 300.000 tấn vẫn chưa được xếp tại các cảng Việt Nam". Ông nói thêm rằng người mua đã đồng ý trả giá cao hơn cho một số lô hàng mà họ mua cho lô hàng tháng 8.

Theo Cục trưởng Cục Ngoại thương Thái Lan, Ronnarong Phoolpipat, xuất khẩu gạo của Thái Lan dự kiến sẽ đạt 8 triệu tấn trong năm nay như mục tiêu sau khi xuất khẩu tính đến ngày 29/8 đạt 5,29 triệu tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Ronnarong Phoolpipat cho biết: “Với xu hướng xuất khẩu gạo, các chuyến hàng được dự đoán sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu đối với gạo Thái Lan tăng. Một số quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua gạo Thái Lan, đặc biệt là Philippines, Malaysia, Indonesia và Nhật Bản”.

"Philippines là quốc gia mới nhất liên hệ với chúng tôi về việc mua gạo Thái Lan, với thỏa thuận có thể sẽ hoàn tất vào tháng 9, trong khi Indonesia và Malaysia cũng tỏ ra quan tâm. Nhật Bản xác nhận sẽ nhập khẩu gạo Thái Lan đồng thời tìm kiếm sự đảm bảo về chất lượng và tuân thủ các quy định tiêu chuẩn của nước này."

Ông nói: “Chúng tôi có thể xác nhận lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati của Ấn Độ sẽ không ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Thái Lan”.

“Mọi người vẫn có thể mua gạo từ Thái Lan như bình thường”. Ông Ronnarong cho biết lệnh cấm của Ấn Độ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/7 đã ảnh hưởng đến thị trường gạo toàn cầu, khiến giá gạo tăng đột biến.

"Thái Lan có cơ hội tăng xuất khẩu do nhiều nước quan tâm đến ngũ cốc của chúng tôi và xu hướng giá đang cải thiện. Giá gạo trắng 5% tính đến ngày 29/8 được báo ở mức 620 USD/tấn, tăng từ mức 574 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước”. Đây là mức tăng đáng kể so với mức trung bình 437 USD/tấn trong cả năm 2022,” ông nói.

Ngoài ra, một số nhà xuất khẩu khác như Pakistan cũng đang cân nhắc tăng xuất khẩu gạo để đáp ứng nhu cầu.

Theo một quan chức của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Pakistan (REAP), Pakistan đang phục hồi sau trận lũ lụt tàn khốc năm ngoái, có thể xuất khẩu 4,5 triệu đến 5,0 triệu tấn từ mức 3,6 triệu tấn của năm nay.

Tuy nhiên, việc tăng xuất khẩu cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, đặc biệt trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt và lạm phát. "Pakistan khó có thể cho phép xuất khẩu không hạn chế trong bối cảnh lạm phát hai con số", quan chức này cho biết.

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati.

Phản ứng dây chuyền

Tuy nhiên, sự tăng giá có thể xảy ra gây lo ngại về tình trạng lặp lại cảnh tăng giá năm 2007/08.

Năm 2008, giá gạo đạt mức cao kỷ lục trên 1.000 USD/tấn sau khi Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh, Ai Cập, Brazil và các nước sản xuất nhỏ khác hạn chế xuất khẩu.

Trong tuần này, giá gạo tại Thái Lan và Việt Nam đã tăng đột ngột, đạt mức cao nhất trong 15 năm, do người mua đổ về mua gạo để bù đắp cho việc Ấn Độ giảm xuất khẩu.

Các thương nhân cho biết gạo thơm từ Việt Nam được chào ở mức cao tới 700 USD/tấn nhưng giá đã được đàm phán lại khoảng 580-630 USD/tấn.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đang được chào ở mức 650-655 USD/tấn, trong khi loại gạo tương tự của Việt Nam được chào ở mức 620-630 USD/tấn.

Giá gạo Thái Lan được báo giá ở mức 545 USD/tấn và Việt Nam ở mức 515-525 USD/tấn trước khi Ấn Độ quyết định hạn chế xuất khẩu vào tháng 7.

Giá cả trên toàn cầu đã tăng khoảng 20% kể từ khi Ấn Độ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo. Các chuyên gia giao dịch ở các công ty thương mại quốc tế cho biết, nếu giá tăng thêm 15%, có thể sẽ xảy ra hạn chế về gạo từ Thái Lan và Việt Nam.

Một người kinh doanh ở New Delhi đã nói: "Không phải là việc xem liệu họ sẽ ngừng xuất khẩu hay không, mà là họ sẽ hạn chế bao nhiêu và thực hiện điều đó vào thời điểm nào".

Philippines đã đặt trần giá gạo để kiểm soát chi phí cao do thiếu nguồn cung, nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng việc can thiệp này có thể không ngăn được sự tăng giá của lương thực.

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. ngày 1/9 đã ra lệnh áp dụng giá trần và cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ chính phủ trong việc thực thi việc này. Theo đó, cơ quan Hải quan nước này sẽ tăng cường kiểm tra và kiểm soát, đột kích các kho chứa gạo để ngăn tích trữ và nhập lậu.

Các nhà nhập khẩu gạo non-basmati hàng đầu bao gồm Philippines, Trung Quốc, Senegal, Nigeria, Nam Phi, Malaysia, Cote d'Ivoire và Bangladesh.

Gạo trắng và gạo tấm không phải là loại basmati chiếm hơn 9 triệu tấn trong tổng số 20 triệu tấn gạo Ấn Độ xuất khẩu năm trước.

Ấn Độ xuất khẩu gạo đến hơn 140 quốc gia. Những quốc gia chủ yếu mua gạo không phải là loại basmati của Ấn Độ bao gồm Benin, Bangladesh, Angola, Cameroon, Djibouti, Guinea, Bờ Biển Ngà, Kenya và Nepal.

Meera Ashar, giám đốc Viện nghiên cứu Nam Á tại Đại học Quốc gia Australia, nói rằng tác động tiềm ẩn lên thị trường toàn cầu là điều đáng lo ngại.

Tuy nhiên, quan trọng là lệnh cấm chỉ áp dụng cho gạo không phải là loại basmati. Bà nói: "Điều này có thể dẫn đến việc tăng cường xuất khẩu cả gạo basmati và gạo không phải là loại basmati mà một số quốc gia nghèo đang nhập khẩu, và họ cần một thị trường lớn hơn".

Ấn Độ đã thảo luận về vấn đề này với nhiều nước và đang tiếp tục thương lượng với một số quốc gia khác.

Chẳng hạn, Singapore gần đây đã liên hệ với Ấn Độ để mua 110.000 tấn gạo trắng và chính phủ Ấn Độ đã chấp thuận thương vụ này vào ngày 29/8. Bhutan yêu cầu 90.000 tấn gạo, trong đó 79.000 tấn đã được bán, trong khi Mauritius yêu cầu 14.000 tấn và tất cả đều đã được bán.

Vì vậy, tình hình này có thể xảy ra với một số quốc gia khác, đặc biệt là những nước phụ thuộc nhiều vào gạo không phải loại basmati của Ấn Độ và đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.

Bà Meera Ashar cho biết các nước ở Châu Phi và Đông Nam Á có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lệnh cấm này, nhưng có thể sẽ có các trường hợp ngoại lệ. Bà nói: "Ấn Độ đã chỉ ra rằng họ sẽ cho phép xuất khẩu đối với các nước đang đối mặt với tình trạng thiếu an ninh lương thực do lệnh cấm này, nếu có yêu cầu từ phía chính phủ của những nước đó".

Vào tháng 7, chỉ số giá gạo của Liên hợp quốc đã tăng 2,8% so với tháng trước, lên mức cao nhất trong gần 12 năm.

Cơ quan này cho biết giá tại các nước xuất khẩu chủ chốt tăng vọt do nhu cầu mạnh mẽ và động thái hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ.

Như vậy, dấu hiệu của hiệu ứng domino đã bắt đầu xuất hiện khi giá gạo tại Thái Lan và Việt Nam tăng cao, và các quốc gia khác cũng đang tăng cường hoạt động xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, tác động thực sự của hiệu ứng này còn phụ thuộc vào cách mà các quốc gia khác phản ứng và áp đặt những hạn chế xuất khẩu tương tự để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

Mỹ Châu

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//the-gioi/hieu-ung-domino-co-xay-ra-khi-an-do-han-che-xuat-khau-gao-1095086.html