Hiểu thêm về lịch sử Sài Gòn qua 5 cây cầu dưới đây

Nhắc đến Sài Gòn không thể không nhắc đến những cây cầu, bởi rất nhiều trong tổng số 200 cây cầu lớn nhỏ ở nơi này đã gắn bó với Sài Gòn từ thuở mới được khai phá.

1. Cầu Khánh Hội

Cầu Khánh Hội được gọi theo tiếng Pháp là “Le pont tournant”, nghĩa là cầu quay. (Ảnh: tư liệu)

Trước năm 1904, cầu Khánh Hội được gọi theo tiếng Pháp là “Le pont tournant”, nghĩa là cầu quay.

Tên gọi này dựa theo thiết kế độc đáo, khiến cầu có thể quay khúc giữa để mở đường cho tàu thuyền qua lại. Cầu bắc qua kênh Bến Nghé, gần bến nhà Rồng.

Cầu Khánh Hội là một cây cầu đặc biệt trong lịch sử Sài Gòn.

Người Sài Gòn gọi cây cầu này là cầu quay Khánh Hội hoặc cầu Bắc Bình Vương cũ (Ảnh: tư liệu)

Người Sài Gòn gọi cây cầu này là cầu quay Khánh Hội hoặc cầu Bắc Bình Vương. Đây là cây cầu quay duy nhất được xây dựng ở Việt Nam thời thuộc địa.

Tuy nhiên, những vòng quay của cầu quay Khánh Khội chỉ kéo dài một vài thập niên.Trong khoảng cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, cầu Khánh Hội từ thời Pháp thuộc được dỡ bỏ để xây cầu Khánh Hội mới bằng bê tông cốt thép.

Cầu Khánh Hội năm 2017

Ngày nay, cầu Khánh Hội được xem là 1 trong số 11 cây cầu trọng yếu trên toàn tuyến Đại lộ Đông – Tây

Cầu Khánh Hội còn nằm cận bên Bến Nhà Rồng...Khu di tích lịch sử Bến Nhà Rồng, hay Bảo tàng Hồ Chí Minh, khởi đầu là một thương cảng lớn của Sài Gòn.

Thương cảng Bến Nhà Rồng này nằm trên sông Sài Gòn và được xây dựng từ 1862, và hơn 2 năm sau đó, năm 1864, ngôi nhà Rồng này được hoàn thành, trên khu vực gần cầu Khánh Hội, nay thuộc quận 4.

Tại nơi đây, vào ngày 5 tháng 6 năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (chủ tịch Hồ Chí Minh) đã xuống con tàu Amiral Latouche Tréville làm phụ bếp để có điều kiện sang châu Âu sau này là ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Do đó, từ 1975 tòa trụ sở xưa của thương cảng Nhà Rồng đã được Việt Nam xây dựng lại thành khu lưu niệm Hồ Chí Minh..

2.Cầu Thị Nghè

Về lịch sử, cầu Thị Nghè hình thành do bà Nguyễn Thị Khánh, con gái quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân xây để chồng tiện đường qua Sài Gòn làm việc. Chồng bà làm chức thư ký, đương thời gọi là ông Nghè (vì thời đó đỗ Tiến sĩ), vì thế nhân dân cũng gọi là Bà Nghè. (Ảnh: tư liệu)

Vào năm 1867, cầu được làm lại bằng cầu sắt, đến năm 1970 được xây mới bằng bê tông cốt thép. Tên gọi cầu Thị Nghè được đặt từ giữa thế kỷ 19, cho đến nay tên này vẫn được giữ nguyên. (Ảnh: tư liệu)

Ngoài ra, cầu Thị Nghè cũng đã chứng kiến nhiều trận đánh ác liệt giữa quân ta và thực dân Pháp khi họ trở lại có ý định đánh chiếm Sài Gòn. Nhiều trận giao tranh đã nổ ra trên cầu Thị Nghè đã gây thiệt hại nặng nề cho quân địch.

Theo một số tài liệu ghi chép lại, vùng Thị Nghè xưa kia là nơi có khu ruộng Tịch Điền, đàn Xã Tắc, miếu thờ Thần Nông, đàn Tiên Nông, miếu Văn Thánh.

Trên địa bàn Thị Nghè từng có một số cơ sở công nghiệp như: hãng Chén (nay là Công ty sứ Thiên Thanh), nhà máy Dây thép Thị Nghè (nay là Công ty vật tư Bưu Điện), hãng Dầu Phú Mỹ, hãng ôtô buýt (nay là trường Phú Mỹ), hãng Mỡ Guyonnet…

Thị Nghè cũng là nơi xuất hiện một trong những nhà in đầu tiên của đất Sài Gòn: Nhà in kiêm nhà sách Joseph Nguyễn Văn Viết ra đời năm 1917.

Ngày nay, cầu Thị Nghè nằm trên trục đường Nguyễn Thị Minh Khai - Xô Viết Nghê Tĩnh, nối quận 1 với quận Bình Thạnh. Là một trong các cửa ngõ quan trọng dẫn vào trung tâm thành phố.

3.Cầu Sắt Bình Lợi

Cầu Sắt Bình Lợi cũ (Ảnh: tư liệu)

Cầu được thiết kế kiểu vòm thép, mặt cầu bằng gỗ, có đường ray xe lửa nối Sài Gòn và Biên Hòa. Cầu có một nhịp quay, do nhà thầu Levallois Perret thi công với chiều dài 276m gồm 6 nhịp.

Cầu Bình Lợi được xây dựng vào tháng 02/1902, là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn, thuộc tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang.

Hiện nay, cầu-đường sắt Bình Lợi là phần lưu thông chính cho tuyến đường sắt Bắc - Nam, bên cạnh đó còn có đường phụ dành cho xe 2 bánh, di chuyển theo 2 chiều.

Sau 113 năm khai thác, cầu sắt này đã bị xuống cấp ở một số nhịp, chiều cao thông thuyền của cầu chỉ còn 1,8 m vì vậy mỗi khi có thủy triều lên, nhiều tàu không chú ý đã va chạm và mắt kẹt, càng làm cho cầu thêm phần hư hại.

Cây cầu đã chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của thành phố qua các thời kì...

Cây cầu đã chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của thành phố qua các thời kì nên việc bảo tồn những "nhân chứng" này cũng là điều cần phải tính đến.

Cầu mới được xây cách cầu cũ 12 m về phía hạ lưu với độ thông thuyền 7 m để không ảnh hưởng đến giao thông thủy, xe lửa chạy qua cầu Bình Lợi mới ước tính đạt 100 km/h.

Tháng 6/2014, cầu Bình Lợi 2 đã được khánh thành có chiều dài 975 m, với 8 làn xe mang kiểu dáng kiến trúc cầu vòm Nielsen do Công ty GS Engineering & Construction (Hàn Quốc) đầu tư.

4.Cầu Bông

Cầu Bông (còn có tên là cầu Cao Miên)

Theo một số tư liệu để lại, cầu Bông được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18, có sách ghi năm 1736. Ban đầu cầu có tên là Cao Miên vì có một Phó vương Cao Miên lúc đó đang xin tá túc tại Bến Nghé, cho bắc qua sông để tiện việc đi lại.

Cầu Bông ngày nay...

Về cái tên cầu Bông có nhiều giả thiết, nhưng giả thiết được nhiều nhà nghiên cứu vùng đất Sài Gòn nhắc đến nhiều nhất là sau khi Tả quân Lê Văn Duyệt xây dựng một vườn hoa gần cầu này thì dân gian bắt đầu gọi là cầu Hoa.

Sau này, người dân phải đọc trại thành cầu Huê vì kiêng tên bà Hồ Thị Hoa là vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị (triều Nguyễn).

Sau cùng, người dân Sài Gòn đổi hẳn tên cây cầu này là cầu Bông (bông là hoa theo cách gọi của người miền Nam) cho đến nay....

Cầu Bông nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, nối Quận 1 và Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh

5.Cầu Mống

Cầu Mống có thể được gọi chệch từ tên gọi "cầu Móng"

Cầu Mống có thể được gọi chệch từ tên gọi “cầu Móng”, do là một trong những cây cầu có móng đầu tiên được xây dựng ở Sài Gòn. Hoặc có thể do hình dáng của cây cầu trông giống vòng mống, nên người Sài Gòn xưa gọi luôn là cầu Mống.

Kết cấu ban đầu cầu chỉ có một nhịp, dạng vòm nên phần chịu lực dồn về hai mố cầu. Mặt cầu bằng sắt. Hai đầu cầu có đường dẫn và cầu thang bộ đi lên cầu.

Trong giai đoạn thi công Đại lộ Đông - Tây và Đường hầm sông Sài Gòn vào những năm 2000, cầu Mống đã bị tháo dỡ hoàn toàn.

Sau khi các công trình này hoàn tất, cầu Mống được lắp ghép lại theo nguyên bản.

Nhiều người vẫn quen gọi là “cầu xanh”.

Sau đó, cầu được sơn lại thành màu xanh ngọc bích để bảo tồn và vừa phục vụ nhu cầu đi lại của người dân đôi bờ quận 1 – quận 4, vừa phục vụ nhu cầu tham quan của du khách và người dân.

Có lẽ, khi nhìn thấy cầu được sơn mới bằng màu xanh, người dân và số đông là bạn trẻ đến tham quan vẫn quen gọi là “cầu xanh”.

Kiến trúc và hoa văn của cầu Mống đậm nét phương Tây, do công ty vận chuyển hàng hải Pháp Messageries Maritimes đầu tư và công ty Levallois Perret (tức Eiffel cũ) thi công vào năm 1893-1894.

Vào mỗi sáng sớm và buổi chiều, cầu Mống thu hút hơn trăm người đến đây để tập thể dục, vui chơi, chụp ảnh.

Đây là điểm đến được nhiều bạn trẻ và những đôi lứa yêu nhau lựa chọn để cùng hàn thuyên, trò chuyện dưới làn gió mát lạnh từ sông Sài Gòn thổi vào, hay đơn giản là tay trong tay ngắm hoàng hôn buông xuống, tận hưởng nhịp sống yên ả giữa Sài Gòn náo nhiệt….

Kiều Trang (theo Thế giới trẻ)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/hieu-them-ve-lich-su-sai-gon-qua-5-cay-cau-duoi-day-132932/