Hiệu quả và những thách thức mới

Động lực phát triển tại những địa bàn chiến lược

QĐND - Từ mô hình Binh đoàn 15 xây dựng ở Tây Nguyên năm 1998 và nhân rộng, phát triển trên các địa bàn chiến lược, đến nay mô hình Khu kinh tế-quốc phòng (KT-QP) trở thành nhân tố không thể thiếu trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo; bảo đảm quốc phòng-an ninh (QP-AN) và là động lực phát triển ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Mô hình này đã được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương đánh giá cao. Các đoàn KT-QP đã góp phần bố trí lại dân cư theo mục tiêu lâu dài của QP-AN và quy hoạch sản xuất; góp sức trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo; phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên khu vực biên giới, ven biển.

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 356 (Bộ CHQS tỉnh Lai Châu) hướng dẫn bà con địa bàn huyện Phong Thổ cách trồng lúa nước.

Sau hơn 10 năm triển khai, thực hiện, các đơn vị KT-QP đã phối hợp với chính quyền địa phương nơi đứng chân xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn đồng bộ, hình thành hàng trăm điểm dân cư mới trên vành đai biên giới, tạo việc làm cho hơn 62.000 hộ dân; khoanh nuôi, bảo vệ 36 nghìn héc-ta rừng… góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 4-6%/năm so với tổng số hộ vùng dự án. Đến nay, mục tiêu đỡ đầu, đón nhận 100.000 hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn hoang hóa theo Quyết định 135/QĐ-TTg ngày 31-7-1998 của Thủ tướng Chính phủ đã cơ bản hoàn thành. Nhiều Đoàn KT-QP như Đoàn KT-QP 379, 345, 313 (Quân khu 2); Đoàn KT-QP 327 (Quân khu 3); Đoàn KT-QP 337 (Quân khu 4); Đoàn KT-QP 207 (Quân khu 5)… được chính quyền cơ sở các cấp đánh giá là “điểm tựa” vững chắc về an ninh, chính trị trên địa bàn biên giới, góp phần không nhỏ trong quá trình làm thay đổi bộ mặt đời sống, sinh hoạt của bà con đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, nhất là đồng bào Mông, Dao, Dáy, Vân Kiều, Pa Kô, Khơ Mú… từ phía Bắc tới các khu vực miền Trung, Tây Nguyên…; tạo thế và lực mới cho các khu vực xa xôi, nhất là tiềm lực về kinh tế, QP-AN.

Thách thức mới phải đối mặt

Trao đổi với Thượng tá Nguyễn Tiến Bốn, Phó đoàn trưởng Đoàn KT-QP 356 (Bộ CHQS tỉnh Lai Châu) chúng tôi được biết, khó khăn, trở ngại mà Đoàn KT-QP 356 đang gặp phải hiện nay là tình trạng thiếu vốn, thiếu chuyên gia kỹ thuật cây trồng. Theo biểu biên chế hiện nay của các đội sản xuất, mỗi đội chỉ từ 3 đến 4 đồng chí cán bộ nên các đội không thể trực tiếp sản xuất ở những vùng khó khăn, thu hút người dân đến sinh sống mà chủ yếu làm công tác dân vận, hướng dẫn sản xuất cho bà con đồng bào trong khu vực đứng chân. Mặt khác, sản phẩm bà con làm ra trong vùng dự án hầu như không thể tiêu thụ được do chưa có dịch vụ cung ứng, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả triển khai dự án và quá trình sản xuất. Cũng theo Thượng tá Nguyễn Tiến Bốn, nơi ăn ở, sinh hoạt của Đoàn KT-QP 356 từ ngày thành lập đến nay vẫn chưa đủ nên nhiều bộ phận cơ quan, cán bộ, chiến sĩ phải quây cót ép ở tạm trong các khu nhà tuềnh toàng; mưa gió hắt vào tận giường ngủ… Thậm chí, nhiều đội sản xuất hiện nay vẫn phải mượn nhà dân làm trụ sở để sinh hoạt…

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 356 (Bộ CHQS tỉnh Lai Châu) giúp bà con gặt lúa trên địa bàn huyện Phong Thổ.

Những khó khăn mà Đoàn KT-QP 326, Đoàn KT-QP 379 (Quân khu 2) gặp phải cũng có nhiều nét tương đồng như Đoàn KT-QP 356. Theo Đại tá Chu Ngọc Khanh, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 326, từ khi được đầu tư xây dựng đến nay, trang bị kỹ thuật cho cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 326 vẫn hầu như không có gì đáng kể ngoài mấy chiếc cuốc, xẻng. Đại tá Phan Quang Đại, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 379 cũng chỉ ra những bất cập trên những phương diện khác như: Các phương tiện tuyên truyền (bao gồm loa tay, loa to phát xa, băng, đĩa hình…) của Đoàn hiện nay vẫn còn thiếu nên công tác vận động bà con nhân dân các thôn, bản chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số khi nhận thức xã hội và trình độ văn hóa còn thấp.

Cũng theo Đại tá Phan Quang Đại, nhiều cán bộ chưa thạo tiếng địa phương nên khi tình huống nảy sinh, anh em đã không nắm bắt được kịp thời dẫn đến công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chưa được như mong muốn, nhất là những tình huống phức tạp về an ninh chính trị. Việc thiếu đất sản xuất, bố trí xen gộp nhiều dân tộc có trình độ dân trí, phương thức canh tác, phong tục, tập quán, khác nhau ở một số địa bàn Quân khu 1... vào cùng một điểm dân cư dẫn đến hiệu quả ở một số dự án còn thấp, không phát huy được hiệu quả. Tình trạng thiếu đất sản xuất ở một số nơi khiến cho tỷ lệ hộ dân ổn định được cuộc sống lâu dài chưa cao, ảnh hưởng đến quá trình bố trí lại dân cư ở một số địa bàn trọng điểm. Ngoài ra, vốn đầu tư cho các Khu KT-QP không phải là kênh vốn riêng mà bị hạn chế trong tổng nguồn vốn dành cho Chương trình 135 và sau đó là Chương trình 193 thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc thực hiện nhiệm vụ giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài của đoàn KT-QP gặp không ít khó khăn.

Cần nâng cao tiềm lực cho các đoàn kinh tế

Theo Quyết định số 1391/QĐ-TTg ngày 9-8-2010 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và phát triển các khu KT-QP đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, cả nước sẽ có 32 khu KT-QP; trong đó có 5 khu trên biển, đảo xa bờ, gần bờ. Vì vậy, việc bảo đảm ổn định cho người dân sống lâu dài tại các vùng dự án khu vực biên giới; tạo thế chiến lược liên hoàn trong khu vực phòng thủ, thế trận QP-AN cần phải được các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư hơn nữa.

Nước ta hiện có 22 đơn vị KT-QP; trong đó có 2 đơn vị KT-QP cấp binh đoàn, 5 đơn vị cấp sư đoàn, 4 đơn vị cấp lữ đoàn, 10 đơn vị cấp trung đoàn, một đơn vị cấp tiểu đoàn.

Theo một số đề xuất của các đoàn KT-QP, các Bộ CHQS tỉnh, thành phố ở một số khu vực biên giới, để nâng cao năng lực của các đoàn KT-QP, năm 2012 và các năm tiếp theo, các cơ quan chức năng, quân khu, tỉnh, thành phố cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương để tạo sự thống nhất cao trong xây dựng, hoạt động, triển khai dự án của các đoàn KT-QP. Mặt khác, các đoàn KT-QP cũng phải kiên trì bám sát mục tiêu xây dựng khu KT-QP, chủ động phối hợp tốt với chính quyền địa phương rà soát lại các địa bàn quy hoạch (từ khu vực đưa dân ra sinh sống đến khí hậu, nguồn nư­ớc, thổ nhưỡng, phong tục tập quán, trình độ dân trí) để bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư, giải quyết tốt các vấn đề phát sinh, bảo đảm khi tổ chức đưa dân đến sinh sống là có thể ở được ngay. Bên cạnh đó, các đoàn cũng phải thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức chuyên môn về quản lý kinh tế, kiến thức về khoa học, kỹ thuật nông-lâm-nghiệp, chăn nuôi, tổ chức sản xuất, kinh doanh; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nhân dân trong khu vực để phát huy sức mạnh của toàn xã hội tham gia vào các dự án KT-QP, giúp nhân dân khu vực dự án phát triển kinh tế-xã hội; giải quyết kịp thời các vướng mắc nảy sinh... và lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn đầu tư giữa Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành Trung ương vào các khu KT-QP trên các địa bàn. Chỉ như vậy mới giúp cho các Khu KT-QP dọc biên giới nước ta phát triển, đạt mục đích, yêu cầu đề ra trong năm 2012 và những năm tiếp theo.

Bài và ảnh: Hoàng Gia Minh

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/2/96/96/184911/Default.aspx