Hiệu quả tuyên truyền từ phiên tòa giả định

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) bằng mô hình phiên tòa giả định và đã mang lại hiệu quả tích cực.

Phiên tòa giả định là một trong những cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả cao trong tuyên truyền pháp luật. Ảnh: A.Nhơn

Phiên tòa giả định là một trong những cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả cao trong tuyên truyền pháp luật. Ảnh: A.Nhơn

Thông qua các phiên tòa giả định đã giúp cho người dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật.

* Kịch bản tuyên truyền từ các vụ án có thật

Phòng Tư pháp H.Định Quán vừa phối hợp với một số cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương tổ chức phiên tòa giả định với chuyên đề Trốn, tránh nghĩa vụ quân sự (NVQS) tại xã La Ngà (H.Định Quán). Phiên tòa có sự tham gia theo dõi của đông đảo người dân địa phương, đặc biệt là thanh niên trong độ tuổi thực hiện NVQS.

Phiên tòa giả định được xây dựng kịch bản từ các tình tiết của vụ án có thật và dựng lại đúng quy trình tố tụng một vụ án hình sự. Tuy nhiên, vụ án đã được Ban tổ chức thay đổi một số chi tiết như: tên nhân vật, địa điểm... cho phù hợp. Nội dung kịch bản của phiên tòa giả định là xét xử bị cáo Phan Quốc Việt (ngụ ấp 1, xã La Ngà) về tội trốn, tránh NVQS quy định tại Khoản 1, Điều 332 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cụ thể, theo phiên tòa giả định, ngày 10-3-2022, bị cáo Phan Quốc Việt bị UBND H.Định Quán ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2 triệu đồng về hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ. Bị cáo này đã nộp phạt số tiền trên từ ngày 1-4-2022, nhưng chưa hết thời hạn xóa tiền sự.

Không riêng quy định về NVQS, phiên tòa giả định còn được xây dựng các tình huống pháp lý, các vụ việc vi phạm pháp luật trên nhiều lĩnh vực sát với tình hình thực tiễn tại địa phương như: tội phạm mua bán ma túy, tội phạm xâm hại trẻ em… Thông qua mô hình này bằng hình thức trực quan, “sân khấu hóa” sinh động đã giúp cho những người tham dự các phiên tòa giả định có cơ hội tiếp cận các tình tiết vụ án, các quy định pháp luật một cách cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ.

Ngày 20-1-2023, Ban Chỉ huy quân sự H.Định Quán ban hành lệnh gọi công dân nhập ngũ lần 2 đối với bị cáo Phan Quốc Việt. Đến ngày 25-1-2023, lệnh gọi công dân nhập ngũ đã được tống đạt trực tiếp cho bị cáo Việt. Khi thời gian quy định đã đến thì bị cáo Việt bỏ trốn khỏi địa phương và không có mặt theo lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.

Là công dân Việt Nam trong độ tuổi chấp hành NVQS nhưng bị cáo Phan Quốc Việt không thực hiện nghĩa vụ. Đáng nói, trong khi chưa hết thời hạn xóa tiền sự nhưng bị cáo tiếp tục có hành vi không chấp hành lệnh gọi công dân nhập ngũ của Ban Chỉ huy quân sự H.Định Quán. Chính vì những lẽ trên, bị cáo đã bị tuyên phạt cách ly ra khỏi xã hội trong thời gian 2 năm nhằm mục đích giáo dục cho bị cáo trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (ngụ ấp 1, xã La Ngà) chia sẻ: “Phiên tòa giả định với các tình tiết, diễn biến và vụ việc xảy ra được “sân khấu hóa” đã giúp tôi tiếp thu nhanh hơn, hiểu hơn các quy định của pháp luật về NVQS. Từ đó, chúng tôi sẽ truyền đạt lại cho gia đình, người thân nắm và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tránh những vi phạm đáng tiếc xảy ra như câu chuyện của phiên tòa giả định”.

Chủ tịch UBND Xã La Ngà Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, phiên tòa giả định là cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực quan, dễ hiểu, có hiệu quả. Thông qua phiên tòa này sẽ có tác dụng răn đe và phòng ngừa các hành vi trốn tránh thực hiện NVQS; đồng thời, tăng cường công tác PBGDPL để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc vận động con em chấp hành NVQS ngày càng tốt hơn.

* Cách làm sáng tạo, hiệu quả

Phó trưởng phòng Tư pháp H.Định Quán Phạm Trung Tín cho biết, qua thời gian theo dõi cho thấy, việc tuyên truyền, PBGDPL bằng hình nói và nghe truyền thống không còn sự lôi cuốn, hấp dẫn đối với người nghe. Từ đó, Phòng Tư pháp cũng như các cơ quan tố tụng của huyện đã nghiên cứu tổ chức mô hình phiên tòa giả định và chọn những câu chuyện có thật để xây dựng kịch bản “sân khấu hóa” nhằm truyền tải những nội dung quy định của pháp luật đến người dân mà đặc biệt là đội ngũ thanh niên trong độ tuổi thực hiện NVQS. Qua đó, giúp người dân nâng cao ý thức hơn nữa để thực hiện tốt các quy định pháp luật về NVQS.

Theo ông Tín, điểm nổi bật ở mô hình phiên tòa giả định đó là đã “mềm hóa” những quy định của pháp luật; đưa các tình huống pháp lý về gần hơn với tâm lý của người tham dự. Thay vì phải nhớ những điều khoản, quy định một cách máy móc, khô khan thì mọi người sẽ nhớ đến hành vi vi phạm của các bị cáo trong buổi xét xử để từ đó tránh những vi phạm tương tự. Đặc biệt, việc xây dựng kịch bản những phiên tòa giả định bám sát thực tiễn đã thu hút được sự quan tâm, theo dõi của mọi người; giúp người dân dễ tiếp thu các nội dung kiến thức pháp luật.

Đến nay, phiên tòa giả định là một trong những cách làm sáng tạo, hiệu quả, sát thực tế mà các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện. Cùng với các hình thức truyền thông, giáo dục pháp luật trực tiếp tại các trường học, cộng đồng dân cư, hoạt động tuyên truyền bằng hình thức phiên tòa giả định đã tạo chuyển biến mới trong công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân trong tình hình hiện nay. Với những hiệu quả tích cực, các phiên tòa giả định đã giúp tuyên truyền, phổ biến sâu rộng kiến thức pháp luật, đồng thời giáo dục cho mọi người về hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, góp phần xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, tăng cường sự ổn định mọi mặt tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

An Nhơn - Hồng Thu

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202307/hieu-qua-tuyen-truyen-tu-phien-toa-gia-dinh-3172905/