Hiệu quả từ những mô hình đảm bảo an ninh trật tự ở Phú Yên

Trong những năm qua, cùng với việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp từ tỉnh đến huyện và xã tăng cường triển khai nhiều biện pháp đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, lực lượng Công an Phú Yên còn tập trung nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tình hình thực tế ở mỗi địa phương, đề xuất xây dựng và tổ chức hoạt động nhiều mô hình an ninh trật tự (ANTT). Trong số đó có không ít mô hình gắn kết với những cách làm sáng tạo, hiệu quả, thu hút sự tham gia của nhiều người dân.

Đại tá Nguyễn Khỏe, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên cho biết, đến nay trên địa bàn tỉnh này có 55 loại mô hình ANTT với 484 điểm mô hình; trong đó ở cấp xã có 46 loại mô hình với 361 điểm; khối cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục – đào tạo có 9 loại mô hình với 123 điểm. Trong số 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thì địa phương có nhiều mô hình nhất huyện Tuy An, Tây Hòa và TP Tuy Hòa.

Công an xã Xuân Quang 3, huyện Đông Xuân giám sát hình ảnh phục vụ công tác giữ gìn an ninh, trật tự từ mô hình “camera an ninh”.

Công an xã Xuân Quang 3, huyện Đông Xuân giám sát hình ảnh phục vụ công tác giữ gìn an ninh, trật tự từ mô hình “camera an ninh”.

Ở cấp xã, nhiều mô hình hoạt động rất hiệu quả như “Camera an ninh” lắp đặt tại hàng trăm khu dân cư, “Camera an ninh khu vực nuôi trồng thủy sản” ở 4 xã ven vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu; “Vùng giáo an toàn về ANTT” ở xã An Thạch, huyện Tuy An là nơi đông đảo giáo dân sinh hoạt tại Nhà thờ Mằng Lăng 132 năm tuổi, đang lưu giữ cuốn sách chữ Quốc ngữ đầu tiên “Phép giảng tám ngày” của linh mục Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1651 tại Roma, Italia; “Gia đình, dòng họ chấp hành pháp luật, không có người phạm tội, mắc tệ nạn xã hội”, “Buôn an toàn giao thông”, “Thôn - buôn không có vũ khí, vật liệu nổ”, “Quản lý giáo dục đối tượng FULRO, Tin lành Đêga, Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên”, “Vận động ngăn chặn phát triển đạo Tin Lành trái phép trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, “Khu dân cư không tội phạm, tệ nạn xã hội” ở các xã Ea Bia, Ea Lâm, Sông Hình thuộc huyện miền núi Sông Hinh.

Trong khối cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục – đào tạo có “Trung tâm Y tế an toàn về ANTT” ở TP Tuy Hòa; “Cơ sở giáo dục an toàn, thân thiện, bảo đảm ANTT gắn với phong trào 4 không, 3 có, 2 an toàn” ở phường Hòa Hiệp Trung và xã Hòa Xuân Đông, thị xã Đông Hòa…; “Liên kết bảo vệ an ninh an toàn kho hàng đặc biệt” ở Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tại Phú Yên, “Camera giám sát ANTT” ở Bến xe liên tỉnh Phú Yên…

Giữa năm 2023, Cục Xây dựng phong trào – Bộ Công an đã có văn bản thông báo nhân rộng trên toàn quốc mô hình “Bệnh viện Sản - Nhi an toàn về ANTT” đã được xây dựng và tổ chức hoạt động hiệu quả tại Phú Yên.

Đến nhiều xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Phú Yên, chúng tôi chứng kiến “mắt thần điện tử” đã lắp đặt tại nhiều giao lộ, địa bàn trọng điểm phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật, tạo nên thế trận ANTT từ mô hình “Camera an ninh”. Ông Võ Xuân Lý, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân hồ hởi cho biết, xã này đã lắp đặt 28 “mắt thần” tại ba tuyến, địa bàn phức tạp với hơn 100 triệu đồng từ nguồn ngân sách địa phương kết hợp xã hội hóa. Hệ thống “mắt thần” kết nối thiết bị truyền dẫn, lưu trữ dữ liệu đã hỗ trợ tích cực trong hoạt động giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật, truy xét những vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Thiếu tá Lê Xuân Huy, Trưởng Công an xã Xuân Quang 3 cho hay, sau gần 2 năm hoạt động, Công an xã đã trích xuất hơn 60 lượt hình ảnh, phục vụ điều tra, truy xét 14 vụ việc liên quan đến ANTT, TNGT, giải quyết và xử lý 35 trường hợp va chạm, vi phạm giao thông, 5 vụ mâu thuẫn phát sinh, kịp thời giải tán 35 lượt nhóm thanh niên tụ tập nửa đêm, mờ sáng có nguy cơ đánh nhau, gây rối trật tự.

Thiếu tá Nguyễn Tấn Trực, Trưởng Công an xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa cho biết, toàn xã có 1.477 hộ gia đình, gồm 5.155 người dân cư trú ở 5 thôn, trong đó có hơn 31% người theo đạo Thiên Chúa giáo. Sau hơn 2 năm xây dựng và tổ chức hoạt động, mô hình “Giáo xứ Sơn Nguyên an toàn về ANTT” đã tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của giáo dân. Mỗi năm giáo dân không chỉ cung cấp 15-20 nguồn tin về ANTT, hỗ trợ cho Công an xã kịp thời đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nhiều vụ việc mà còn tích cực tham gia hòa giải ổn thỏa 75-80% vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp dân sự, tạo thế chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

Từ mô hình này, các Giáo khu và Ban hành giáo phối hợp Công an xã Sơn Nguyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật sâu rộng, kết hợp cảnh báo những thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm để giáo dân nâng cao nhận thức cảnh giác phòng, chống tội phạm, đồng thời phản bác những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch, vạch trần âm mưu phá hoại chính sách đại đoàn kết tôn giáo và dân tộc… góp phần bảo đảm ổn định ANTT và phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Nói về mô hình “Hai gặp, ba biết”, Trung tá Nguyễn Minh Thám, Trưởng Công an xã An Ninh Tây, huyện Tuy An chia sẻ, sau hơn 2 năm triển khai, xã thường xuyên gặp gỡ 8 đối tượng tái hòa nhập cộng động sau khi chấp hành xong hình phạt tù, người đang thi hành án treo và người thân để tìm hiểu gia cảnh, đời sống kinh tế, trạng thái tâm lý… từ đó cảm hóa giáo dục, hỗ trợ tìm kiếm việc làm để tạo cơ hội hoàn lương hướng thiện; đồng thời lập thủ tục đề nghị Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tuy An xét duyệt cho 8 trường hợp vay vốn sản xuất kinh doanh...

“Trong thời gian tới, Công an tỉnh, huyện và xã tiếp tục tham mưu các cấp ủy, chính quyền địa phương nhân rộng những mô hình hoạt động hiệu quả, để đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, bảo đảm ổn định ANTT và bình yên cuộc sống, góp phần đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương” – Đại tá Nguyễn Khỏe cho biết thêm.

Hữu Toàn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-an/hieu-qua-tu-nhung-mo-hinh-dam-bao-an-ninh-trat-tu-o-phu-yen-i731654/