Hiệu quả từ những công viên cộng đồng

Công viên được hình thành từ cộng đồng đã mở ra một giải pháp mới trong cải tạo các không gian bị lãng phí thành không gian xanh.

Cộng đồng chung tay xây dựng không gian công cộng đa năng gồm vườn rừng, sân chơi khu vực phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Triệu Tâm

Biến điểm tập kết phế thải thành khu vui chơi

Cách đây không lâu, Công viên rừng Phúc Tân còn là điểm tập kết phế thải của khu dân cư trong nhiều năm, khối lượng rác rất lớn. Để có không gian sạch làm sân chơi, cộng đồng dân cư Tổ 1, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm đã chung tay dọn dẹp rác thải, trồng cây kiến tạo sân chơi rộng rãi với đầy đủ thiết bị vui chơi thể thao cho cư dân ở khu vực.

Tiếp sau Công viên rừng Chương Dương được triển khai từ năm 2021, đây là công viên rừng thứ hai trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nói riêng, Hà Nội nói chung và xuất phát từ sáng kiến của nhóm Think Playgrounds (Nghĩ về sân chơi trong phố) và một số tổ chức xã hội khác, thí dụ như tổ chức Vì một Hà Nội đáng sống trong việc cải tạo các không gian thành không gian xanh, hữu ích cho cộng đồng.

Phó Giám đốc, thành viên sáng lập Think Playgrounds Nguyễn Tiêu Quốc Đạt cho biết: “Xuất phát từ mong muốn thí điểm Giải pháp quản lý môi trường dựa vào cộng đồng của quận Hoàn Kiếm, chúng tôi đã đề xuất mô hình công viên rừng, trong đó, chủ thể của việc cải tạo không gian, gìn giữ chính là người dân. Chính quyền đóng vai trò tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ về mặt thủ tục và huy động, kết nối các đoàn thể của địa phương như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… tham gia”.

Theo ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, với một cái cách tiếp cận từ cộng đồng, người dân được tham gia từ việc xây dựng ý tưởng rồi trực tiếp tham gia triển khai cùng với các chuyên gia rồi cùng thợ thi công. Ông Phạm Tuấn Long chia sẻ: "Chúng ta khẳng định rằng là trước tiên xây dựng sự gắn kết của bà con đối với địa phương, hai nữa là qua đây người dân sẽ thay đổi ý thức hơn trong bảo vệ môi trường mà họ đang cư trú”.

Dự án vừa góp phần chống lấn chiếm hệ thống sông hồ, vừa tạo thêm điểm vui chơi không gian công cộng cho người dân, đồng thời khai thác các hoạt động văn hóa du lịch ven sông Hồng, ngay khu vực trung tâm TP.

Thêm nhiều dự án vì cộng đồng

Nối tiếp các dự án như Công viên vườn rừng Phúc Tân, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn Hà Nội cũng đã có nhiều sáng kiến, hoạt động trong công tác bảo vệ môi trường ở khu dân cư thông qua việc cải tạo các bãi rác ô nhiễm, trồng cây tạo mảng xanh, được tổ chức đến khu phố.

Điều đáng mừng, TP luôn lấy Nhân dân làm trung tâm triển khai, để chính Nhân dân là người tham gia thực hiện và là đối tượng thụ hưởng. Cùng với những dự án lớn của TP, hiện có nhiều nỗ lực của các tổ chức xã hội và cộng đồng người dân trong việc kiến tạo và mở rộng không gian công cộng.

Tại Tổ dân phố số 4 (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), thời gian qua, người dân cũng đã chung tay xây dựng thêm không gian xanh. Nhiều tuyến đường, trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn đã phủ bóng cây xanh, trở thành tiểu công viên, khu dân cư xanh - sạch - đẹp.

Tại huyện Thạch Thất, năm 2023, huyện phấn đấu trồng 10.000 cây xanh phân tán và một số loại cây ăn quả; bảo vệ và chăm sóc diện tích rừng hiện có, trồng mới và trồng bổ sung rừng. Mỗi cơ quan, đơn vị, DN, trường học, gia đình đều hưởng ứng chăm sóc tốt số cây hiện có, góp phần thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV.

Theo KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, phát triển không gian xanh trong đó có công viên, vườn hoa là vấn đề cấp bách của TP Hà Nội. Lấy ví dụ về chỉ tiêu không gian xanh của nhiều đô thị trên thế giới là từ 9 - 10 m2/người thì chỉ tiêu này ở nhiều quận, huyện của TP Hà Nội rất thấp, chưa được 2 m2/người.

Do đó theo ông Đào Ngọc Nghiêm xã hội hóa là xu hướng tất yếu trong công tác phát triển công viên, vườn hoa, cây xanh đô thị tại Hà Nội. Tuy nhiên, để có thể đẩy mạnh chủ trương này, TP cần tính toán có thêm các ưu đãi ngoài việc DN được khai thác, kinh doanh phần công trình xây dựng, với mật độ xây dựng 5% như hiện nay.

Ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, dự án Công viên rừng Phúc Tân hoạt động rất thiết thực cho cộng đồng dân cư, góp phần cải thiện môi trường sống cho người dân địa phương. Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Tân cảm ơn bà con đã tham gia nhiệt tình và hy vọng khi sân chơi, không gian sinh thái hoàn thành, người dân sẽ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi.

Triệu Tâm

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/hieu-qua-tu-nhung-cong-vien-cong-dong-374674.html