Hiệu quả từ nguồn Quỹ hỗ trợ cộng đồng David Dương

Từ những đồng vốn nghĩa tình ban đầu của Quỹ hỗ trợ cộng đồng David Dương, hàng chục nông dân của huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Giúp người, giúp mình

Trong ngôi nhà của chị Lê Thị Điền (53 tuổi, ngụ ấp 1, huyện Thủ Thừa), hơn 10 chị em phụ nữ miệt mài, cần mẫn tách từng sợi lục bình khô đan thành những chiếc giỏ, kệ xinh xắn. Chị Điền cho biết, trước đây chỉ biết mần lúa, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" rất vất vả nhưng thu nhập không là bao. Với khát khao vươn lên thoát nghèo, năm 2017, chị học nghề đan lát và bắt đầu nhận đơn hàng đan lục bình về nhà làm.

Nhờ khéo tay, đơn hàng của chị Điền ngày càng nhiều. Thấy những phụ nữ trong xã chưa có việc làm, chị liền gợi ý dạy họ đan lục bình và trả lương theo sản phẩm. "Trung bình mỗi ngày, chị em có thêm thu nhập khoảng 100.000 đồng/người. Có người sau một tháng nhận được 2,5 – 3 triệu đồng, họ rất vui vì có thể tự kiếm tiền bằng chính đôi tay của mình" – chị Điền tâm sự.

Cơ sở đan lát của chị Lê Thị Điền vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 50 phụ nữ tại huyện Thủ Thừa tỉnh Long An

Kể về duyên nghề, chị Điền, cho biết: Khi tôi muốn tạo công ăn việc làm cho chị em, tôi rất lo lắng vì đa số họ đều có hoàn cảnh khó khăn. Họ nhận đan giỏ xong cái nào thì phải trả tiền cái đó. Trong khi mình lại chưa có vốn để trả công. Lúc này, chị được địa phương giới thiệu nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ cộng đồng David Dương. Ngay lập tức, chị làm hồ sơ và được xét duyệt 50 triệu đồng để trả lương cho lao động, mua thêm nguyên vật liệu làm nghề.

"Đồng vốn từ Quỹ này là "cứu cánh" đến rất đúng lúc, nhờ đó, tôi mạnh dạn đầu tư, mở rộng cửa đón những chị em muốn có việc làm vào cơ sở của mình. Thật sự tôi rất cám ơn nguồn Quỹ hỗ trợ cộng đồng David Dương này" – chị Điền nói, đầy hàm ơn.

Hiện, cơ sở đan lát lục bình của chị Điền có hơn 50 phụ nữ cùng tham gia, trong đó có nhiều người khuyết tật lớn tuổi.

Vươn lên làm giàu

Giới thiệu đủ các sản phẩm từ sữa dê như sữa tươi thanh trùng, sữa chua, anh Đỗ Cao Chí (ngụ ấp 3, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa) tự hào cho biết, đây là thành quả sau thời gian không ngừng cố gắng, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Trước đó, năm 2016, anh Chí từ TP HCM đến Long An khởi nghiệp nông nghiệp. Ban đầu anh nuôi bò kết hợp nuôi lươn và trùn quế.

"Thời gian đầu rất khó khăn do hiệu quả chưa có nhưng chi phí đầu tư trang trại, con giống rất cao. May mắn, tôi được tiếp cận nguồn vốn David Dương từ Hội nông dân huyện Thủ Thừa, vay được 50 triệu đồng để mua bò. Bắt đầu từ đây, tôi thực hiện ước mơ làm chủ của mình" – anh Chí cho biết.

Anh Đỗ Cao Trí đã được vay 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ cộng đồng David Dương để chăn nuôi bò, rồi chuyển sang nuôi dê đến nay việc chăn nuôi dê đã đem lại cho anh nhiều thành tưu và giải quyết được việc làm cho địa phương

Tuy nhiên, nuôi bò không đem lại nhiều lợi nhuận nên năm 2021, anh Chí quyết định chuyển sang nuôi dê lấy sữa. Sau thời gian không ngừng học hỏi, thử nghiệm… người nông dân này không chỉ nuôi dê thành công, mà còn chế biến sâu nhiều sản phẩm từ sữa dê. Hiện, anh Chí đang có 300 con dê, bình quân thu trên 50 lít sữa/ngày. Không chỉ thực hiện được ước mơ làm giàu từ nông nghiệp, anh Chí còn tạo việc làm cho 10 lao động tại địa phương, thu nhập trung bình từ 10 – 15 triệu đồng/tháng.

Cũng vay nguồn quỹ này với số tiền 15 triệu đồng từ năm 2014, ông Nguyễn Văn Sáu (ngụ ấp 1, xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa) bộc bạch: 15 triệu đồng vay cách đây 10 năm là số tiền không hề nhỏ, đã giúp tôi mua cá giống, cây trồng và phát triển dần.

Trên mảnh đất rộng hơn 10.000 m2, ông Sáu chia ra từng khu vực nuôi nào cá koi, bống tượng, thác lác cườm….Ở góc vườn khác, hơn 200 gốc xoài cát Hòa Lộc phục vụ mùa Tết cũng chuẩn bị cho thu hoạch. Theo ông Sáu, nếu chỉ tính riêng thu nhập từ bán cá, thì mỗi năm gia đình có khoảng 200 triệu đồng. "Tôi dự tính sẽ đầu tư thêm nhiều cây trồng, nuôi thêm nhiều giống cá mới và mở cửa đón khách đến câu cá giải trí trong vài năm tới" – lão nông dân bộc bạch.

Ông Nguyễn Văn Sáu, ở ấp 1, xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa, tình Long An đã vay vốn từ Quỹ hỗ trợ cộng đồng David Dương cách đây 10 năm để trồng trọt, chăn nuôi đến nay ông đã phát triển mô hình kinh tế ở nông thôn rất thành công và vươn lên làm giàu

Ông Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thủ Thừa cho biết, sau khi tiếp nhận nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ cộng đồng David Dương được 250 triệu đồng, Hội đã bình xét các nông hộ được vay vốn rất chặt chẽ. Đa số hộ nông dân đều có mục đích sử dụng vốn vay rõ ràng, sáng tạo trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, nuôi trồng hiệu quả.

"Thời gian qua, đã có hàng chục hộ nông dân được vay vốn của Quỹ hỗ trợ cộng đồng David Dương, với mức vay từ 15 – 50 triệu đồng/hộ. Hiệu quả từ chương trình rất lớn, góp phần tạo động lực để người dân vươn lên thoát nghèo; đồng thời xuất hiện thêm những nông dân giỏi, nông dân tiêu biểu của địa phương" – ông Bảy nhìn nhận.

Quỹ hỗ trợ cộng đồng David Dương do ông David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) khởi xướng. Tổng nguồn vốn 1 tỷ đồng đã được phân bổ về các cơ quan đoàn thể của huyện Thủ Thừa để vận động, hướng dẫn nông dân tham gia vay vốn tự tạo việc làm. Trong đó, phân bổ cho Huyện đoàn 300 triệu đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện nhận 160 triệu đồng, Hội Cựu chiến binh huyện 290 triệu đồng và Hội Nông dân huyện 250 triệu đồng.

Nguồn NLĐ: https://thitruong.nld.com.vn//doanh-nghiep-doanh-nhan/hieu-qua-tu-nguon-quy-ho-tro-cong-dong-david-duong-20231027142550284.htm