Hiệu quả từ nắm chắc cung cầu thị trường

Mặc dù vẫn còn không ít khó khăn nhưng với những cách làm hay, tư duy đổi mới đã khiến khu vực kinh tế tập thể tại Quảng Ninh đang trên đà tăng trưởng.

Không những thế, việc áp dụng Luật Hợp tác xã 2012 vào chuyển đổi mô hình sản xuất theo kiểu mới gắn liền với chuỗi giá trị tạo đầu ra cho sản phẩm đã được nhiều hợp tác xã trên địa bàn hưởng ứng.

Với vai trò là cầu nối từ khâu nuôi trồng sản xuất đến bao tiêu sản phẩm ra thị trường, hợp tác xã đang khẳng định vai trò nòng cốt của khu vực kinh tế tập thể trong sản xuất và tiêu thụ quy mô lớn, góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững.
*Mô hình hiệu quả
Về với Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Khê hoạt động trên địa bàn xã miền núi Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh vào những ngày này, chúng tôi mới cảm nhận được không khí thật sôi nổi của mùa thu hoạch.
Trên khắp những cánh đồng, nông sản được các xã viên tập kết thành từng đống lớn chờ ô tô của các hệ thống phân phối đến thu gom. Tiếng nói, tiếng cười pha lẫn tiếng ô tô chạy tạo nên một không khí náo nhiệt xua tan bầu không khí u ám của dịch bệnh COVID-19 đang tràn ngập bấy lâu.
Thực hiện chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 từ năm 2016, Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Khê đã liên kết sản xuất trồng khoai tây Atlantic, vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP và thu được hiệu quả kinh tế cao.
Với phương châm sản xuất gắn liền với chuỗi giá trị, Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Khê đã luôn bám sát thị trường để đề ra kế hoạch sản xuất cũng như bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Nhờ vậy, các xã viên, hộ nông dân gắn kết chặt chẽ hơn với hợp tác xã, chất lượng sản phẩm cũng dần được cải thiện đáng kể.
Hợp tác xã đã chắp nối được với nhiều hệ thống phân phối lớn khiến hàng hóa được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn.
Qua đó, đời sống xã viên hợp tác xã được nâng lên rõ rệt, quy mô hợp tác xã cũng được mở rộng và góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh.
Mô hình sản xuất gạo lứt của Hợp tác xã Dịch vụ nông, lâm, ngư nghiệp Quang Hải tại thôn Hải Tiến, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà, Quảng Ninh dù mới thành lập năm 2019 nhưng đến nay đã trồng được 2,7 ha lúa gạo lứt theo hình thức hợp tác xã cung ứng giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho các hộ dân.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Quế - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông, lâm, ngư nghiệp Quang Hải cho biết, cùng với hoạt động liên kết, sản xuất gạo lứt, hợp tác xã đã liên kết với các cơ sở sản xuất mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện, là đầu mối thu mua và trung chuyển sản phẩm này cung cấp cho một số trung tâm, điểm bán hàng OCOP tại các huyện, thành phố trong tỉnh.
Đặc biệt, hợp tác xã còn là đầu mối đưa các sản phẩm OCOP của huyện tham gia các hội chợ OCOP thường niên của tỉnh, các hội chợ giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các huyện, thị xã trên địa bàn.
Nhờ vậy, đến nay, sản phẩm gạo lứt của Hợp tác xã Dịch vụ nông, lâm, ngư nghiệp Quang Hải đã được nhiều người biết đến và đời sống xã viên cũng nhờ vậy mà ổn định hơn.
Còn theo quan điểm của chị Lê Thị Thà - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong, để hợp tác xã hoạt động gắn với chuỗi giá trị trước hết phải chuyển đổi theo mô hình kiểu mới, có nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ sản xuất.
Bên cạnh đó, hợp tác xã phải đề ra được mục tiêu chiến lược đúng đắn, nắm chắc thị trường cung, cầu; đội ngũ nhân viên có kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng và xây dựng được chuỗi các cửa hàng cung ứng, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng.
Tuy nhiên, chị Lê Thị Thà cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn từ việc thiếu vốn, thiếu đất đai để mở rộng sản xuất và nhất là đầu ra bền vững cho sản phẩm.
Chính vì thế, để mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả gắn với chuỗi giá trị, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong đặt mục tiêu sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao chất lượng cho sản phẩm.
Ngoài ra, hợp tác xã cũng xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm bao tiêu sản phẩm cho xã viên, hộ nông dân cũng như kết nối với hệ thống phân phối nhằm tạo đầu ra bền vững cho các sản phẩm của địa phương.
*Triển khai hiệu quả
Theo ông Vũ Công Lực - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Ninh, thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, nhiều hợp tác xã trong tỉnh đã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa.
Những hợp tác xã này đã được Sở Công Thương Quảng Ninh hỗ trợ tìm kiếm thị trường, kết nối đưa các sản phẩm vào tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, nhà hàng, khách sạn, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Thống kê của Liên minh Hợp tác xã Quảng Ninh cho thấy, các mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa có doanh thu bình quân 600 triệu đồng/năm, lãi bình quân đạt 290 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của thành viên, lao động hợp tác xã là 69 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều hợp tác xã còn trong tình trạng khó khăn, yếu kém kéo dài, năng lực nội tại còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu, không đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.
Ông Vũ Công Lực nhấn mạnh, thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về Luật Hợp tác xã 2012 cũng như vai trò tích cực của hợp tác xã kiểu mới, nhất là việc sản xuất hàng hóa gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.
Cùng với đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Ninh thường xuyên, phối hợp với các địa phương lựa chọn, hỗ trợ, hướng dẫn các hợp tác xã có sản phẩm OCOP tham dự và giới thiệu, quảng bá thương hiệu OCOP Quảng Ninh tại các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, Hội nghị chuyên đề do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên minh các tỉnh, thành phố tổ chức.
Nhằm thúc đẩy các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khẳng định: Ngay từ đầu năm 2020, hệ thống liên minh đã xác định đẩy mạnh phát triển hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng, địa phương.
Đây là giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững với mục tiêu xây dựng mới 200 mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực trong năm nay.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị các địa phương tiếp tục định hướng phát triển hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, trên cơ sở liên kết hộ sản xuất với doanh nghiệp, cơ sở chế biến, tiêu thụ hàng hóa.
Đặc biệt, các địa phương cần khuyến khích và hỗ trợ thành lập các liên hiệp hợp tác xã làm đầu kéo cho hợp tác xã thành viên tăng quy mô, phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị.
Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ triển khai hiệu quả Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chú trọng vào Đề án xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác, liên kết, phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Đây được coi là khâu đột phá để phát triển sản xuất và củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hieu-qua-tu-nam-chac-cung-cau-thi-truong/168517.html