Hiệu quả từ một đề án

Để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích, đẩy mạnh phát triển các cây trồng, vật nuôi thế mạnh của địa phương, hình thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh ứng dụng công nghệ cao, Tam Nông đã tập trung xây dựng Đề án 'Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa trên địa bàn huyện Tam Nông giai đoạn 2021-2025'.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, HTX rau, củ, quả sạch Mạnh Liên, xã Hương Nộn mỗi năm đạt sản lượng 80-90 tấn rau, củ, quả các loại.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, HTX rau, củ, quả sạch Mạnh Liên, xã Hương Nộn mỗi năm đạt sản lượng 80-90 tấn rau, củ, quả các loại.

Năm 2023 là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với lĩnh vực nông nghiệp bởi sự biến động giá cả vật tư đầu vào, giá xăng dầu, diễn biến bất thường của thời tiết... song với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, ngành Nông nghiệp của huyện đã có bước tiến mới.

UBND huyện đã tập trung chỉ đạo, khuyến khích bà con dồn đổi, tích tụ ruộng đất để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp sản xuất quy mô lớn. Hiện huyện đã thực hiện chuyển đổi 65,5% diện tích đất bãi ven sông (sông Hồng, sông Bứa, sông Đà), tương ứng khoảng 570ha, trước kia chủ yếu trồng ngô nay chuyển sang sản xuất tập trung các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, gần 30% diện tích đất bãi còn lại ổn định trồng ngô và cỏ phục vụ chăn nuôi bò chất lượng cao. Bước đầu huyện hình thành một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Tề Lễ; sản xuất liên kết chuối trên 120ha ở xã Hương Nộn, Dân Quyền, Lam Sơn; sản xuất cam canh trên 32ha tại xã Hương Nộn; trồng bưởi Diễn tập trung 22,5ha tại xã Dân Quyền, Tề Lễ; vùng liên kết sản xuất lúa giống 120ha tại xã Lam Sơn, Dân Quyền, Hương Nộn; sản xuất rau theo hướng an toàn 10ha đã chứng nhận VietGAP tại xã Hương Nộn, Dân Quyền...

Đồng thời, huyện đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn, góp phần bảo vệ môi trường. Năm 2023, trong lĩnh vực trồng trọt, huyện đã xây dựng được năm mô hình, trong đó có mô hình trồng cây gai xanh thử nghiệm tại đất đồi xã Vạn Xuân và đất ruộng xã Quang Húc; mô hình liên kết trồng ngô sinh khối 145ha tại các xã Lam Sơn, Quang Húc; dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ chuối tây xã Dân Quyền; mô hình trồng thâm canh nho Hạ đen tại xã Quang Húc; mô hình hoa ly trồng trong chậu phục vụ Tết Nguyên đán... Trong chăn nuôi, thủy sản, huyện xây dựng được ba mô hình: Chăn nuôi gà mía tại xã Lam Sơn, nuôi gà lông màu tại xã Dân Quyền và thụ tinh nhân tạo cho bò cái nền lai sind, bằng tinh bò giống BBB, giống bò Senepol nhập ngoại để nâng tầm vóc, trọng lượng bò tại Hương Nộn, Vạn Xuân.

Để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, các loại hình HTX, tổ hợp tác, các loại hình doanh nghiệp nông nghiệp. Việc đổi mới các loại hình tổ chức sản xuất, nhất là hình thành, phát triển mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản đã góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh các hoạt động về thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu gắn với từng sản phẩm hàng hóa; hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản. Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp, tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực đầu tư xã hội. Trong năm 2023, huyện đã có bảy sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP hạng ba sao.

Việc triển khai thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa trên địa bàn huyện Tam Nông giai đoạn 2021-2025” đã làm thay đổi căn bản mô hình sản xuất nông nghiệp của Tam Nông. Đến nay, toàn huyện đã có 32 mô hình trồng trọt, 14 mô hình chăn nuôi, 21 mô hình canh tác lúa cải tiến SRI cho hiệu quả cao. Kinh tế nông nghiệp của huyện có sự chuyển biến rõ nét, giá trị bình quân trên 1ha đất canh tác và nuôi trồng thủy sản đạt 126,5 triệu đồng/ha; đời sống của người dân được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người đạt 53,3 triệu đồng/người/năm. Kết quả trên là nền tảng quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Tam Nông.

Phương Thảo

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/hieu-qua-tu-mot-de-an/205501.htm