Hiệu quả từ Dự án giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu

Bằng cách làm sáng tạo, công trình nước sinh hoạt bản Ngà Phát, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, được đầu tư 23 năm trước đã hoạt động trở lại, phục vụ tốt đời sống sinh hoạt của 230 hộ dân. Đây là kết quả từ thực hiện từ Dự án 'Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp tại vùng núi Tây Bắc'.

Người dân bản Noong Ỏ, xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh bản Ngà Phát được đầu tư xây dựng năm 1999, từ nguồn vốn ODA Nhật Bản tài trợ, gồm: 1 bể đầu mối và hệ thống đường ống dẫn nước về các hộ dân trong bản. Công trình sau nhiều năm hoạt động đã xuống cấp, đường ống bị hỏng, nhiều hộ cuối nguồn thiếu nước sinh hoạt. Năm 2017, bản Ngà Phát đã thành lập tổ quản lý và điều tiết nước, xây bể chia nước đầu nguồn chia đều nước chảy về 27 nhóm hộ gia đình (mỗi nhóm từ 5 đến 10 hộ).

Anh Lò Văn Kiên, Trưởng bản Ngà Phát nói: Các nhóm hộ tự nhắc nhau bảo vệ, sửa chữa đường ống dẫn nước bị hỏng và luân phiên lấy nước vào mùa khô, vì vậy mà hộ ở cuối nguồn không bị thiếu nước sinh hoạt như trước, cũng không có tình trạng sử dụng nước sinh hoạt sai mục đích, không có hiện tượng phá hoại đường ống nước của nhau.

Đại diện ban quản lý 16 bản tại 4 xã: Muổi Nọi, Bon Phặng, Nậm Lầu, Chiềng Pha tham quan, học tập mô canh tác cà phê thích ứng với biển đổi khí hậu tại xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu.

Mô hình quản lý và điều tiết nước bản Ngà Phát là một trong những điểm được Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững (SRD) ở Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Sơn La và huyện Thuận Châu tổ chức cho đại diện Ban quản lý 16 bản tại 4 xã của huyện Thuận Châu, gồm: Muổi Nọi, Bon Phặng, Nậm Lầu, Chiềng Pha tham quan, học tập. Cùng với đó, Trung tâm SRD còn phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tham quan mô hình nhóm tiết kiệm tại bản Bon, xã Bon Phặng; mô hình canh tác cà phê xen mận tại bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi và mô hình trồng cà phê và nông, lâm kết hợp tại xã Phổng Lái… Đây là các mô hình thành công thuộc Dự án “Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp tại vùng núi Tây Bắc”, được tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới tài trợ, giao cho Trung tâm SRD thực hiện phối hợp với Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La, UBND huyện Thuận Châu triển khai.

Buổi hoạt động của nhóm tiết kiệm bản Bon, xã Nậm Lầu, huyện Thuận Châu.

Đến nay, Dự án đã tổ chức được nhiều hoạt động; trong đó, đã thành lập và vận hành các nhóm sở thích tại 2 xã: Nậm Lầu và Chiềng Pha với 411 người tham gia; thành lập và vận hành 8 nhóm tiết kiệm - vay vốn tại 8 bản thuộc 2 xã Nậm Lầu và Chiềng Pha với 273 người tham gia. Đã tổ chức các lớp tập huấn về canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu (CAR); canh tác cà phê, cà phê xen mận, nông lâm kết hợp bền vững; canh tác khoai sọ bản địa bền vững; tập huấn kỹ thuật nuôi gà bản địa; thực hiện các diễn đàn về vai trò của rừng trong thời tiết khí hậu, quản lý rừng cộng đồng, chi trả dịch vụ môi trường rừng; thành lập 16 hội người dùng nước tham gia tập huấn về quản lý, sử dụng, điều tiết và bảo trì hệ thống nước sinh hoạt...

Anh Bùi Quốc Quân, cán bộ dự án Trung tâm SRD, cho biết: Các lớp tập huấn và các hoạt động do Trung tâm SRD tổ chức được chính quyền địa phương và người dân đưa vào áp dụng tại gia đình và từng bước thực hiện tại 16 bản dự án. Cụ thể, đã có 672 người tại 300 hộ gia đình áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa CAR; 347 người tại 120 hộ áp dụng kỹ thuật canh tác cà phê bền vững; 200 hộ áp dụng các kỹ thuật nuôi gà bản địa... Cùng với đó, Dự án còn giúp thành lập được 8 nhóm tiết kiệm, tự huy động được 205 triệu đồng cho 124 thành viên vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, giúp đẩy lùi tín dụng đen vùng nông thôn....

Dự án “Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp tại vùng núi Tây Bắc” sẽ được thực hiện đến tháng 12/2023 với mục tiêu giúp người dân, ban quản lý bản và lãnh đạo chính quyền địa phương có những trải nghiệm về các mô hình nông, lâm kết hợp, quản lý rừng, quản lý nguồn nước nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu ngay tại địa phương, qua đó xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc triển khai các mô hình theo cách phù hợp nhất, thích ứng tốt với các tác động tiêu cực bởi biến đổi khí hậu.

Đình Thành

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/hieu-qua-tu-du-an-giam-nhe-va-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-49704