Hiệu quả từ chương trình khuyến nông trồng trọt

Trong 30 năm qua, hoạt động khuyến nông trồng trọt đã bám sát các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật được tiến hành với nhiều nỗ lực, bằng các chương trình trọng điểm và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất hàng hóa, mang lại thu nhập tốt cho nông dân.

Mô hình tái canh cây cà phê ở Hướng Hóa mang lại hiệu quả cao - Ảnh: T.A.M

Hoạt động khuyến nông trồng trọt đã giúp tỉnh ổn định và tiến tới đảm bảo an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tạo ra cơ cấu sản xuất ngành trồng trọt hợp lý, đa dạng. Trên cơ sở đó, giảm tỉ trọng đầu tư lao động cho ngành trồng trọt, làm cơ sở cho việc phân bổ lại lao động trong nông nghiệp, mở rộng ngành nghề phát triển chăn nuôi.

Khuyến nông trồng trọt của tỉnh đã chuyển giao thành công nhiều tiến bộ kỹ thuật, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, nông nghiệp hữu cơ bền vững, xây dựng các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm, áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp, đảm bảo hiệu quả cả về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và người sản xuất.

Đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai được 79 loại mô hình khuyến nông trồng trọt, trong đó đạt kết quả nổi bật là các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình sản xuất...

Trung tâm đã khảo nghiệm, khu vực hóa, nâng cấp và chuyển giao đến nông dân nhiều giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt làm bộ giống chủ lực sản xuất cho hai vụ lúa của tỉnh như: Khang Dân, Xi21, Xi23, Nx30, P4, P6, VĐ10, VĐ20, HT1, OM 2717, HC95, Jasmin 85, HT1, HC95, Đài Thơm, Bắc Thơm, Thiên Ưu 8, HN6, TBR...

Đồng thời, triển khai các mô hình nâng cấp giống lúa, sản xuất giống cấp I phục vụ nhu cầu sản xuất giống lúa tại chỗ cho nông dân. Liên tục từ năm 1994-2003, trung tâm đã triển khai mô hình nâng cấp giống lúa quy mô trên 3.000 ha với hơn 3.500 hộ nông dân tham gia.

Từ việc hướng dẫn quy trình sản xuất thâm canh giống lúa, đầu tư hỗ trợ giống nguyên chủng và một số vật tư chủ yếu, nông dân đã chủ động sản xuất được hàng trăm tấn giống lúa có phẩm cấp, đáp ứng nhu cầu thâm canh. Nhiệm vụ sản xuất, dịch vụ giống cây trồng cũng đạt được nhiều kết quả. Hai trại giống lúa từ chỗ hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả đã được củng cố, tổ chức lại, hằng năm sản xuất được từ 130-150 tấn giống lúa nguyên chủng, cấp I phục vụ sản xuất.

Cùng với các mô hình sản xuất lúa khác, giai đoạn từ 1994-2000, mỗi năm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cung ứng từ 300-350 tấn giống cây trồng các loại cho nông dân, góp phần quan trọng nâng cao năng suất sản lượng lúa của tỉnh. Năng suất lúa từ 18,46 tạ/ha năm 1990 lên 50 tạ/ha năm 2008 và đến nay đạt 58 tạ/ha.

Trung tâm đã lựa chọn tập đoàn cây trồng thích hợp cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết của tỉnh như: giống ngô lai Bioseed, LVN10, LVN12, ngô nếp HN88; đậu xanh 04, 09; lạc sen, MĐ7, L14, L18; đậu tương, vừng V6, khoai lang KB1, KB5; sắn KM60, KM94; cà phê chè catimor; các giống cây ăn quả như: bưởi, cam, nhãn, vải, xoài, bơ, sầu riêng, dưa hấu sugababi, các loại cây rau màu như: rau cao cấp, ném, hành, tỏi, mướp đắng... được đưa vào trình diễn mô hình theo từng chân đất phù hợp ở mỗi vùng, miền, giúp nông dân nhìn nhận một cách cụ thể, trực tiếp lựa chọn, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, hiệu quả.

Công tác xây dựng mô hình giống cây trồng mới được triển khai liên tục đã giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, chọn tạo ra được các giống cây trồng mới năng suất cao, thích nghi với điều kiện của địa phương để thay thế các giống cũ, thoái hóa.

Kết quả rõ nét nhất của công tác khuyến nông trồng trọt ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về quy trình sản xuất có thể kể đến như: mô hình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” trong sản xuất lúa, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và hữu cơ có liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua mô hình chuyển giao các giống mới và tiến bộ kỹ thuật mới như: công cụ sạ hàng, sạ cụm, mạ khay mấy cấy, tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập 20-30 triệu đồng/ha.

Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng như chuyển đất lúa thiếu nước vụ hè thu sang trồng ngô, đậu xanh, dưa hấu, ngô sinh khối; chuyển đổi cây trồng trên vùng cát trồng lạc, khoai lang giống mới, ném, đậu đỗ các loại... Trên vùng gò đồi, trung du miền núi đẩy mạnh phát triển các loại cây ăn quả như: xoài, nhãn, cam bưởi, sầu riêng, chuối... giúp người dân đa dạng hóa các giống cây ăn quả, đặt biệt cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao.

Đối với vùng miền núi Hướng Hóa, xác định cây cà phê là chủ lực, trung tâm tập trung chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho cây cà phê. Trung tâm đã xây dựng hạng mục mô hình thâm canh và tái canh cây cà phê với quy mô 30 ha. Từ kết quả xây dựng mô hình thực hiện ở 5 xã đã giúp người dân mạnh dạn thay thế diện tích cà phê già cỗi, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần phát triển bền vững cây cà phê ở vùng núi Hướng Hóa.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trần Cẩn cho biết: “Trung tâm đã chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Các mô hình khuyến nông trồng trọt rất đa dạng và gắn với chủ trương của tỉnh là ưu tiên phát triển các sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh ở từng giai đoạn, từng vùng, miền.

Từ kết quả các mô hình khuyến nông trồng trọt đã giúp nông dân nhận thức sâu rộng, lan tỏa về chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Mô hình được duy trì và nhân rộng trên nhiều địa bàn làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc canh tác sản xuất an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường”.

Công tác xây dựng mô hình khuyến nông trồng trọt được triển khai khá toàn diện trên địa bàn tỉnh đã thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy được tiềm năng nhân lực, đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương, đẩy mạnh thâm canh, đầu tư các giống cây trồng mới, tăng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế và năng suất cao, góp phần tạo tiền đề cho ngành nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển bền vững trong những giai đoạn tiếp theo.

Trần Anh Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/hieu-qua-tu-chuong-trinh-khuyen-nong-trong-trot/178729.htm