Hiệu quả nghề nuôi trâu, bò vỗ béo

Mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo đã được nhiều hộ dân ở xã Dồm Cang (Sốp Cộp) duy trì từ lâu, hiện đang tiếp tục phát triển nhân rộng. Mô hình này phù hợp với điều kiện của các hộ dân, mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập ổn định cho người dân.

Chúng tôi tìm đến bản Dồm, một trong những bản có số hộ nuôi trâu, bò vỗ béo nhiều nhất và lâu năm nhất, với khoảng 700 con trâu, bò. Mặc dù diện tích đất ở hạn hẹp, nhưng các hộ dân nơi đây đều có chuồng nuôi trâu, bò cách xa nhà ở. Trong vườn, ven ao, ruộng đều được người dân tận dụng trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc.

Mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo của người dân xã Dồm Cang.

Mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo của người dân xã Dồm Cang.

Ông Lò Văn Phin, có gần 20 năm kinh nghiệm nuôi trâu, bò vỗ béo. Đàn gia súc của gia đình luôn béo, khỏe, được các thương lái mua với giá cao. Chia sẻ kinh nghiệm của nghề nuôi trâu, bò vỗ béo, ông Phin nói: Khâu chọn giống là quan trọng nhất. Tôi phải đi đến các bản vùng sâu, vùng xa chọn những con trâu gầy, nhưng có khung xương to, vóc dáng lớn để mua. Sau đó vỗ béo bằng các loại thức ăn cỏ, cây chuối, băm trộn với ngô, sắn; cho ăn đủ, đều 2 bữa sáng và chiều, thỉnh thoảng cho ăn tăng thêm bữa trưa; nước uống phải sạch, thường xuyên vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng đầy đủ. Sau 3 đến 4 tháng là có thể xuất bán được. Hiện, gia đình tôi duy trì nuôi từ 6-7 con/lứa, mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng.

Còn gia đình ông Lường Văn Nghị, cũng ở bản Dồm, có nguồn thu nhập ổn định và trở nên khá giả nhờ duy trì nuôi trâu, bò vỗ béo. Mỗi năm gia đình ông xuất bán 2 đến 3 lứa, mỗi lứa từ 3 đến 4 con trâu, bò vỗ béo, thu lãi 100 triệu đồng/năm. Ông Lường Văn Nghị cho biết: Nuôi trâu, bò vỗ béo cũng không vất vả lắm. Hằng ngày, sau những buổi làm nương, tôi tranh thủ cắt cỏ, lấy cây chuối về băm trộn với ngô, sắn cho trâu, bò ăn. Ngoài ra, chất thải từ chăn nuôi, tôi lại tận dụng làm phân bón cho vườn cây ăn quả. Cách làm này đã giúp cây trồng nâng cao năng suất, chất lượng, cuộc sống ngày một khấm khá hơn.

Bản Dồm hiện có 201 hộ, hầu như hộ nào trong bản cũng nuôi trâu, bò nhốt chuồng, vỗ béo. Hộ ít thì 2-3 con, nhiều thì gần chục con. Mô hình này đã giúp bà con có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, như hộ ông: Vì Văn Sương, Lò Văn San, Lò Văn Ngoan, Lò Văn Ngoãn... Nhờ đó, cả bản chỉ còn 6 hộ nghèo. Ông Vì Văn Tâm, Trưởng bản Dồm, cho biết: Ban Quản lý bản đã tuyên truyền, vận động bà con không nuôi dưới gầm sàn; thực hiện chuyển đổi một số diện tích đất kém hiệu quả và tận dụng các khu đất trống để trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi. Cả bản hiện có 15 ha cỏ voi. Các hộ xử lý chất thải gia súc bằng các chế phẩm sinh học bảo vệ môi trường và tận dụng làm phân bón cho cây trồng.

Thực tế cho thấy, trâu, bò nuôi nhốt chuồng tăng nhanh trọng lượng nhờ chế độ ăn uống tốt, có sức đề kháng cao, ít bị bệnh, chất lượng thịt ngon, ngọt, được thương lái ưa chuộng, bán được giá. Hiện nay, toàn xã có 834 con trâu, 1.456 con bò; trong đó trên 400 hộ thực hiện chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo khá thành công, với hơn 1.400 con trâu, bò, tập trung ở các bản Dồm, bản Nà Khá, bản Cang, Tốc Lìu và bản Men... có thu nhập từ vài chục triệu đến 200 triệu đồng/năm.

Ông Lò Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Dồm Cang, cho biết: Hỗ trợ bà con phát triển mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo, ngoài việc tranh thủ sự đầu tư cho chăn nuôi từ Nghị quyết 30a của Chính phủ, xã tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của các ngân hàng để vay vốn phát triển chăn nuôi gia súc vỗ béo. Bên cạnh đó, xã còn tuyên truyền, khuyến khích nông dân tận dụng các vùng đất trống, chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn. Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho đàn gia súc; đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường trong chăn nuôi...

Mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo theo hình thức nhốt chuồng ở Dồm Cang đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Xã đang tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng mô hình, tạo điều kiện về vốn để người dân đầu tư, chăn nuôi với quy mô lớn; vừa tạo kế sinh nhai cho bà con, vừa bảo tồn được giống bò bản địa truyền thống; từng bước giúp người dân chủ động hơn trong việc phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.

Quàng Hưởng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/hieu-qua-nghe-nuoi-trau-bo-vo-beo-43623