Hiệu quả mô hình canh tác lúa bền vững SRP

Sau gần 2 năm triển khai (năm 2022 - 2023) mô hình canh tác lúa bền vững SRP tại Hợp tác xã Nông nghiệp (HTX NN) Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông đạt kết quả ấn tượng, nhận được sự đánh giá cao từ nông dân địa phương. Mô hình góp phần giúp nông dân giảm chi phí, bảo vệ môi trường, tăng năng suất, tăng lợi nhuận trên 3,6 triệu đồng/ha so với lúa ngoài mô hình, sản xuất theo kỹ thuật truyền thống.

Tham gia mô hình canh tác lúa theo hướng bền vững SRP nông dân được hỗ trợ các bể chứa chai lọ, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng

SRP (Sustainable Rice Platform) - Diễn đàn sản xuất lúa gạo bền vững, là một liên minh đa đối tác toàn cầu UNEP và IRRI triệu tập năm 2011 với 29 tổ chức liên quan. Mô hình SRP là mô hình thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên và khả năng phục hồi trong hệ thống lúa gạo - trên đồng ruộng - chuỗi giá trị, đồng thời củng cố thu nhập cho hộ nông nhỏ.

Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP là mô hình sản xuất mới dựa trên nền sản xuất lúa theo hướng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” giúp nông dân quản lý lượng nước tưới, nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp. Bên cạnh đó, nông dân không đốt rơm rạ, sử dụng kết hợp phân vô cơ và hữu cơ, quản lý dịch hại tổng hợp theo nguyên tắc “4 đúng”. Việc áp dụng mô hình này không chỉ giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân, mà còn làm thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất, tiêu dùng.

Ông Phan Hoàng Em - Phó Giám đốc HTX NN Phú Thọ, cho biết: “Ban đầu khi được vận động tham gia mô hình sản xuất lúa bền vững SRP, một số nông dân trong HTX vẫn còn e ngại về hiệu quả của mô hình. Vụ đầu tiên, HTX chỉ có 26 hộ tham gia mô hình với quy mô trên 55ha. Tuy nhiên, sang các vụ tiếp theo có nhiều hộ sản xuất lúa xung quanh mô hình đã chủ động xin tham gia. Hiện tại, mô hình đã có 28 hộ tham gia với quy mô trên 81ha. Dự kiến vụ thu đông tới sẽ có thêm nhiều hộ tham gia vào mô hình. Thực hiện mô hình trong các vụ lúa vừa qua cho thấy, lúa phát triển rất tốt, hạn chế sâu bệnh nên chi phí thấp hơn ruộng lúa canh tác theo phương pháp truyền thống, từ đó lợi nhuận cũng cao hơn so với sản xuất lúa ngoài mô hình...”.

Theo Chi Cục Bảo vệ thực vật tỉnh, mô hình canh tác lúa bền vững không chỉ dừng lại ở hiệu quả kinh tế mà còn có ý nghĩa tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Tham gia mô hình sản xuất, nông dân được hướng dẫn không đốt đồng sau thu hoạch, rơm trên ruộng sẽ được thu gom, phục vụ cho công tác trồng nấm và sản xuất phân hữu cơ. Bên cạnh đó, nông dân còn được hướng dẫn sử dụng nấm Trichoderma LHC để phân hủy nhanh rơm rạ, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, mô hình còn hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật như: “1 phải 5 giảm”, IPM, sử dụng Drone để phun thuốc trừ dịch hại... Các giải pháp góp phần hạn chế hóa chất độc hại thải ra môi trường, bảo vệ sức khỏe cho nông dân, bảo vệ môi trường...

Ông Nguyễn Phương Bình - Phó Chủ tịch UBND xã An Long, chia sẻ, thời gian qua, HTX NN Phú Thọ được tiếp cận với nhiều mô hình sản xuất lúa mới tiên tiến như: mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ có gắn kết với doanh nghiệp tiêu thụ, mô hình canh tác lúa bền vững SRP... Thông qua các mô hình góp phần giúp nông dân có nhiều thay đổi tích cực về tư duy sản xuất, ý thức hơn về việc sản xuất ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, sản xuất theo nhu cầu thị trường, đem lại hiệu quả cao và bảo vệ môi trường...

Mỹ Lý

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/hieu-qua-mo-hinh-canh-tac-lua-ben-vung-srp-116024.aspx