Hiệu quả lớp học xóa mù chữ tại Lạng Sơn

Ngày đi làm nương, tối đi học xóa mù chữ đang trở thành 'nền nếp' hàng ngày của nhiều bà con vùng cao biên giới tại Lạng Sơn. Học viên lớp xóa mù chữ đủ mọi lứa tuổi nhưng đều có chung khát vọng học lấy cái chữ để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nhà văn hóa thôn Nà Sla, xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn luôn sáng đèn vào mỗi tối. Tại đây, lớp học xóa mù chữ cho bà con đồng bào Dao luôn rộn rã bởi tiếng dạy học, tiếng đánh vần của những học viên "đặc biệt".

Gần 19h, dù là giờ cơm tối sau ngày lên nương vất vả nhưng ánh đèn pin, đèn điện thoại, đèn xe máy vẫn lấp loáng hướng về nhà văn hóa.

Ngày đi làm nương, tối đi học xóa mù chữ đang trở thành "nền nếp" hàng ngày của nhiều bà con vùng cao biên giới tại Lạng Sơn.

Anh Hàng Văn Sần, học viên của lớp học cho biết, trước gia đình đông con, không có tiền đi học nên anh không được đến trường. Bởi vậy, khi tham gia lớp xóa mù chữ này, dù trời mưa hay giá rét, anh cũng chưa bỏ học 1 buổi nào: “Bây giờ có lớp xóa mù chữ vào thôn, có cô giáo, giờ tôi đã biết đọc, biết viết một chút. Các cô dạy tốt lắm nên lúc nào tôi cũng đi, không nghỉ. Biết chữ giúp ích cho cuộc sống mình nhiều lắm, đi ra ngoài đường thấy hàng quán người ta viết gì cũng hiểu một chút. Giờ tôi đã tự tin hơn nhiều".

Học viên của các lớp học xóa mù chữ thuộc nhiều thành phần dân tộc, nhiều lứa tuổi nhưng đều có chung khát vọng học lấy cái chữ để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Còn anh Lăng Văn Bằng ở thôn Nà Sla kể rằng, đi làm nương có hôm về muộn chẳng kịp ăn cơm, nhưng anh luôn luôn quan niệm “đói chữ” còn khổ hơn nhiều nên vẫn quyết tâm tới lớp: “Trước tôi không học hết lớp 2, bây giờ cô giáo về tôi đã viết được, đánh vần để đọc được. Bây giờ đi bán gà, bán vịt thì cũng đã biết tính nhân lấy tiền".

Cô giáo Hoàng Thị Hoàn, giáo viên trường Tiểu học Thạch Đạn chia sẻ: Trong lớp, học viên lớn nhất cũng đã gần 60 tuổi, nên đôi lúc việc giảng dạy gặp khó khăn do bà con đều là người dân tộc thiểu số. Nhưng chính sự say mê, nhiệt tình của bà con lại là động lực để cô giáo Hoàn cùng các đồng nghiệp cố gắng nỗ lực, vượt quá khó khăn về độ tuổi, đường xá xa xôi…

“Đây lần đầu tiên tiếp cận với đối tượng học viên lớn tuổi như này nên phương pháp, hình thức tổ chức vẫn chưa thể hình dung nhưng sau khi tiếp cận với lớp, điều để chúng tôi có động lực đó là tinh thần, ý thức của học viên. Dù điều kiện giảng dạy còn thiếu thốn, học sinh lại có tuổi, mắt kém, lại học buổi tối…nhưng họ đều rất cố gắng".

Trong năm 2022 tại tỉnh Lạng Sơn đã có hơn 1.000 học viên được xóa mù chữ thành công. Năm 2023, Lạng Sơn đang tổ chức hơn 200 lớp xóa mù chữ, ở tất cả 11 huyện, thị trên địa bàn. Những lớp học xóa mù chữ trên địa bàn đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, ngày càng nâng cao về chất lượng, phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Những lớp học xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đạt được những kết quả tích cực, ngày càng nâng cao về chất lượng, phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới.

Bà Hoàng Thị Thu Huyền, Phó trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, những lớp học xóa mù chữ mang ý nghĩa rất lớn, giúp người dân tự tin hơn trong cuộc sống, góp phần nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. K

"hi mở lớp trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn, do học viên là người dân tộc thiểu số, độ tuổi không đồng đều, thời gian bị chi phối nhiều bởi công việc gia đình, đồng áng, nhưng học viên rất tích cực, tự giác, chăm chỉ đến lớp. Các thầy cô giáo ngày ở trường với nhiệm vụ chuyên môn, nhưng tối vẫn đến với bà con để giảng dạy. Mọi người đều nhiệt tình, hăng hái, trách nhiệm để truyền đạt kiến thức cho các học viên" - bà Huyền cho biết.

Cứ mỗi tối, các lớp học xóa mù chữ ở nhiều thôn bản biên giới luôn đầy ắp tiếng nói cười, tiếng học đánh vần của những học viên "đặc biệt". Trong quá trình dạy xóa mù chữ, các thầy giáo cô giáo còn lồng ghép, tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao đời sống kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Duy Thái/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hieu-qua-lop-hoc-xoa-mu-chu-tai-lang-son-post1061608.vov